Từ trái qua: bà Trần Lệ Thùy, ông Stephen Whittle, PGS.TS Hoàng Đình Cúc, Giám đốc Học viện Báo chí & Truyền thông và ông Peter Connolly. |
Được tổ chức với sự phối hợp của Học viện Báo chí & Tuyên truyền và Đại sứ quán Anh tại Việt Nam, Hội thảo có sự tham gia đông đảo của các nhà quản lý báo chí, các giảng viên báo chí, nhà khoa học cùng các nhà báo. Nhiều tham luận đã được trình bày từ cả hai phía Anh và Việt Nam nhằm nêu rõ thực trạng, tìm kiếm giải pháp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của bạn đọc, cá nhân, tổ chức và nhà báo trong giai đoạn hiện nay.
Diễn giả Stephen Whittle, nguyên Giám đốc phụ trách Chính sách biên tập cuả BBC và học giả nghiên cứu báo chí, Đại học Oxford nói: "Chúng tôi trình bày luật chống xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín Anh được sử dụng như thế nào để vừa bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm cá nhân và tổ chức, vừa cho phép các phương tiện truyền thông cung cấp thông tin về những vấn đề quan trọng với công chúng như tham nhũng và sai trái trong lĩnh vực công".
"Chúng tôi hy vọng những khái niệm cơ bản mà quốc tế sử dụng về chống xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín trên báo chí được giới thiệu lần đầu tiên ở Việt Nam sẽ góp phần giải đáp những vấn đề "nóng" mà Ban biên tập các toà soạn báo đang gặp phải, giúp họ tránh đưa thông tin sai có thể gây tổn hại, thậm chí sụp đổ uy tín một cá nhân, một doanh nghiệp, một tập thể. Ví dụ như chúng tôi bàn về quy trình kiểm chứng thông tin đối với những bài báo có thể gây tác động lớn và nhanh như chất lượng sản phẩm, tình hình tài chính cuả ngân hàng, vụ án đang được điều tra, các quy định pháp lý để đảm bảo xây dựng một nền báo chí vì lợi ích công và có trách nhiệm", bà Trần Lệ Thùy từ Viện Nghiên cứu báo chí Reuters (ĐH Oxford) nói.
Theo ông Peter Connolly, đại biện lâm thời Vương quốc Anh tại Việt Nam, "báo chí Việt Nam đang phát triển rất nhanh cùng với kinh tế. Đồng thời ngày càng có nhiều vụ kiện báo chí xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, đăng tin sai sự thật cuả các cá nhân và tổ chức. Chúng tôi hy vọng việc chia sẻ các kinh nghiệm cuả Anh sẽ giúp Việt Nam quản lý và phát triển một nền báo chí lành mạnh, có trách nhiệm và bảo vệ danh dự, uy tín, nhân phẩm cuả cá nhân và tổ chức có hiệu quả".
Cũng tại hội thảo, TS. Hoàng Hữu Lượng - Cục trưởng Cục báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định việc chống xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, đăng tin sai sự thật trên báo chí là việc quan trọng trong quản lý nhà nước về báo chí, đòi hỏi kết hợp cả việc định hướng thông tin, tuyên truyền pháp luật và việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ở Việt Nam, việc báo chí thông tin sai sự thật sẽ bị xử lý tuỳ theo mức độ vi phạm, có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý theo các văn bản pháp luật liên quan như Luật Hình sự, Luật Dân sự, Pháp luật về cán bộ công chức. Để làm tốt hơn nữa công tác này, một biện pháp là cần hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan, trong đó có việc xây dựng Luật báo chí mới để tạo điều kiện cho báo chí phát triển lành mạnh và nâng cao công tác quản lý nhà nước về báo chí.
P.T