Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Australia Scott Morrison tại Hội nghị Thượng đỉnh G20, tại Osaka, Nhật Bản 2019. |
Trước chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Australia Scott Morrison từ ngày 22-24/8, Đại sứ Việt Nam tại Australia Ngô Hướng Nam đã trả lời phỏng vấn TG&VN.
Đại sứ có thể chia sẻ một số điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm này?
Điểm nhấn quan trọng nhất là hai nước tiếp tục nâng tầm quan hệ trên cơ sở tin cậy, gắn bó và cùng có lợi. Việc Thủ tướng Scott Morrison quyết định thăm Việt Nam không lâu sau khi tái cử vào tháng 5/2019 cho thấy Australia coi trọng Việt Nam và quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Australia. Có thể khẳng định, hai nước còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để cùng thúc đẩy hợp tác kinh tế mạnh mẽ, thắt chặt quan hệ an ninh và phát triển đối tác đổi mới, sáng tạo.
Điểm nhấn tiếp theo là thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế. Hai bên sẽ phát triển Chiến lược can dự kinh tế tăng cường với mục tiêu tham vọng; phấn đấu trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau. Hợp tác kinh tế là trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược và sẽ tiếp tục phát triển vững chắc khi Việt Nam đẩy mạnh cải cách, hội nhập quốc tế sâu rộng; tạo môi trường ngày càng thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp tăng cường và mở rộng hợp tác. Cùng với đó, việc hai nước đẩy mạnh triển khai Hiệp định CPTPP sẽ là cú hích mạnh, góp phần gia tăng kim ngạch thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Chuyến thăm của Thủ tướng Scott Morrison được kỳ vọng tạo động lực và triển vọng mới, mở rộng và làm sâu sắc thêm hợp tác song phương; đặc biệt trên các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm như khoa học công nghệ, giao lưu nhân dân, an ninh năng lượng, biến đổi khí hậu, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở, an ninh mạng, an ninh nguồn nước, tội phạm xuyên quốc gia...
Đó là những điểm nhấn lớn của chuyến thăm. Tôi tin tưởng, sự tin cậy chính trị và hợp tác kinh tế sẽ là nền tảng vững chắc để quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng phát triển.
Trước những diễn biến phức tạp tại Biển Đông vừa qua, xin Đại sứ cho biết vấn đề này sẽ được đề cập như thế nào trong chuyến thăm lần này?
Dự kiến, bên cạnh các vấn đề song phương, lãnh đạo hai nước sẽ trao đổi về các vấn đề an ninh chiến lược khu vực và thế giới cùng quan tâm; trong đó có an ninh năng lượng, nguồn nước, biến đổi khí hậu, an ninh an toàn và tự do hàng hải.
Bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh an toàn hàng hải hàng không, thượng tôn luật pháp quốc tế, nhất là công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, không có các hành động cưỡng ép đơn phương, thay đổi nguyên trạng, gây phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng là mối quan tâm chung không chỉ của Australia và Việt Nam mà là của toàn khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tôi cho rằng, Australia - một quốc gia có vai trò quan trọng trong khu vực - có thể có những đóng góp tích cực vào mục tiêu trên.
Đại sứ Ngô Hướng Nam và Phu nhân chụp ảnh lưu niệm cùng Thủ tướng Australia Scott Morrison và Phu nhân. (Nguồn: ĐSQ) |
Xin Đại sứ cho biết những tiến triển mới trong quan hệ hai nước kể từ khi nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược tháng 3/2018?
Quan hệ Đối tác chiến lược được thiết lập trong chuyến thăm chính thức Australia của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tháng 3/2018, đúng vào dịp hai bên kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đã mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác.
Có thể nói, hơn một năm qua, hai bên đã tích cực triển khai tất cả 5 trụ cột hợp tác đề ra trong Tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, mang lại những biến đổi cả về lượng và chất, góp phần nâng tầm quan hệ hai nước.
Nét nổi bật là sự gia tăng lợi ích tương đồng và tin cậy lẫn nhau, thể hiện qua một loạt các cuộc gặp, chuyến thăm ở các cấp, kể cả cấp cao giữa hai nước. Về phía Việt Nam, có các chuyến thăm của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (4/2018), Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (11/2018). Về phía Australia có Toàn quyền Australia (5/2018); Ngoại trưởng Julie Bishop (5/2018), Chủ tịch Hạ viện Tony Smith (7/2018), Chủ tịch Thượng viện Scott Ryan (1/2019), Bộ trưởng Ngoại giao Marise Payne (7/2019). Trong khuôn khổ Đối tác chiến lược, các cơ chế đối thoại thường niên cấp bộ trưởng được triển khai nhanh chóng như Cuộc họp cấp Bộ trưởng Ngoại giao (3/2018) và Bộ trưởng Quốc phòng (11/2018). Cuộc họp các Bộ trưởng kinh tế dự kiến diễn ra cuối năm nay. Cùng với đó, hoạt động trao đổi đoàn giữa các Bộ, ngành, địa phương hai nước diễn ra hết sức sôi động. Đặc biệt, thành phố Hồ Chí Minh vừa thiết lập quan hệ hợp tác, kết nghĩa với bang New South Wale nhân dịp Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong thăm Australia tháng 4/2019.
Quan hệ kinh tế - thương mại tiếp tục là điểm sáng trong hợp tác hai nước, với tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt gần 7 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2019 đạt hơn 3,2 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Australia hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 19 của Việt Nam với số vốn hơn 1,9 tỷ USD. |
Vừa qua, lần đầu tiên 07 địa phương Việt Nam đã tham gia quảng bá, xúc tiến hợp tác thương mại, đầu tư tại nhiều các bang, thành phố lớn của Australia. Một điểm mới, đáng mừng nữa là một số doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam như VinGroup, TH Group, VietJet bước đầu triển khai các dự án hợp tác, đầu tư tại Australia.
Viện trợ phát triển (ODA) của Australia cho Việt Nam tiếp tục được duy trì ở mức cao, đóng góp tích cực vào công cuộc cải cách kinh tế và phát triển nguồn nhân lực ở Việt Nam. Cầu Cao Lãnh được khánh thành và đi vào hoạt động tháng 5/2018 giúp cải thiện sinh kế người dân hai bờ sông Tiền và là biểu tượng cho quan hệ gần gũi, hợp tác hiệu quả giữa hai nước.
Bên cạnh đó, hợp tác an ninh-quốc phòng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt với việc hai bên ký kết Tuyên bố tầm nhìn chung, góp phần định hướng và tạo khuôn khổ hợp tác dài hạn trong lĩnh vực này, góp phần thiết thực kỷ niệm 20 năm hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong năm 2018.
Australia tích cực hỗ trợ đào tạo tiếng Anh cho quân nhân Việt Nam và là nước đầu tiên hợp tác với Việt Nam trong vận chuyển lực lượng gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc ra nước ngoài khi hỗ trợ chuyển bệnh viện dã chiến cấp 2 sang Nam Sudan. Hai bên cũng tăng cường trao đổi chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ huấn luyện - đào tạo và thăm tàu. Trong hơn một năm qua, đã có 3 tàu Hải quân Hoàng gia Australia cập cảng thành phố Hồ Chí Minh (4/2018) và lần đầu tiên 2 tàu thăm cảng Cam Ranh (5/2019). Hai bên cũng tích cực hỗ trợ nhau tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh. Trong lĩnh vực an ninh, lần đầu tiên, hai nước thiết lập cơ chế Đối thoại An ninh hàng năm cấp Thứ trưởng và cuộc họp lần thứ nhất đã diễn ra vào tháng 11/2018.
Đặc biệt, hợp tác, phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương ngày càng hiệu quả, thực chất, nhất là Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị
Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Á - Âu (ASEM)... Đáng chú ý, sau khi CPTPP mà hai nước là thành viên được đi vào triển khai đầu năm 2019, Việt Nam và Australia đang tích cực phối hợp thúc đẩy hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) theo lộ trình. Australia là một trong những nước ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và khẳng định hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ Việt Nam hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Tuy quan hệ hai nước còn tồn tại một số khác biệt, trong đó có mở cửa thị trường đối với nông thủy sản, dân chủ, nhân quyền... song trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau và hợp tác xây dựng, Việt Nam và Australia đã thu hẹp đáng kể và xử lý tốt những khác biệt này.
Nhìn tổng thể, quan hệ hai nước thời gian qua phát triển mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của mỗi nước cũng như khu vực.
Xin cảm ơn Đại sứ!