Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Thủ tướng Australia Anthony Albanese trong chuyến thăm chính thức Việt Nam từ ngày 3-4/6/2023. (Nguồn: TTXVN) |
Australia là một trong số ít những nước phương Tây thiết lập “những kỷ lục đầu tiên” với Việt Nam. Cột mốc đầu tiên đáng nhớ là việc bạn chủ động thiết lập quan hệ ngoại giao ngay sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, được ký kết ngày 26/2/1973, trở thành nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam sau dấu mốc trên.
Australia cũng là nước phương Tây đầu tiên sẵn sàng đón Tổng Bí thư ta thăm, đồng thời cử Thủ tướng thăm Việt Nam giữa thập niên 1990, và là một trong những nước tích cực hỗ trợ Việt Nam hội nhập quốc tế.
Hợp tác chính trị sâu sắc và thực chất
Nhìn lại chặng đường hơn 50 năm qua, hợp tác chính trị là lĩnh vực hợp tác nổi bật giữa hai nước. Dù khác biệt về thể chế, hai nước tôn trọng nhau và đã xây dựng quan hệ Đối tác toàn diện (2009), Đối tác toàn diện tăng cường (2015) và Đối tác chiến lược (2018); tiếp tục nỗ lực đưa quan hệ lên tầm cao mới, phù hợp với quan tâm, lợi ích và mong mỏi của Lãnh đạo và nhân dân hai nước.
Hai nước trao đổi nhiều đoàn cấp cao, trong đó có 14 Lãnh đạo cấp cao Việt Nam thăm Australia và 17 Lãnh đạo cấp cao Australia thăm Việt Nam. Đáng trân trọng là quan hệ phát triển thực chất trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội, với điểm nhấn trong thời gian gần đây là chuyến thăm Australia của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (11/2022) và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc (11/2022) và các chuyến thăm Việt Nam của Toàn quyền David Hurley (4/2023) và Thủ tướng Anthony Albanese (6/2023). Các cuộc tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao ta với Thủ tướng Anthony Albanese bên lề các hội nghị quốc tế và khu vực tiếp tục củng cố vững chắc niềm tin chiến lược giữa hai nước.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân trao đổi tặng phẩm với Toàn quyền Australia David Hurley và Phu nhân, ngày 4/4/2023. (Nguồn: TTXVN) |
Bức tranh thương mại - đầu tư nhiều điểm sáng
Quan hệ kinh tế - thương mại tiếp tục song hành với quan hệ chính trị - ngoại giao, mang lại những kết quả ấn tượng. Kim ngạch song phương gia tăng nhanh, từ 4,9 tỷ USD năm 2012 lên 15,7 tỷ USD năm 2022; đạt 9,3 tỷ USD trong tám đầu năm 2023, đưa Australia lần đầu tiên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Australia. Đáng lưu ý, Việt Nam vượt Indonesia, Hàn Quốc và EU trở thành thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 4 của Australia (đạt 5,2 tỷ AUD), chỉ đứng sau Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Hai bên triển khai hiệu quả 8 lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ Chương trình Tăng cường hợp tác kinh tế (EEES), tiếp tục triển khai cơ chế Đối thoại Bộ trưởng Kinh tế và khởi động cơ chế Đối thoại Bộ trưởng Thương mại nhằm hỗ trợ tiếp cận và mở rộng thị trường nông sản, phấn đấu đưa hai nước vào tốp năm đối tác thương mại. Australia dành nhiều ưu tiên cho Việt Nam, trong đó bạn viện trợ phát triển tổng cộng hơn 3 tỷ AUD trong 50 năm qua, riêng năm tài khoá 2023-2024 tiếp tục bố trí 95,1 triệu AUD cho ODA, thúc đẩy triển khai chương trình Đối tác phát triển song phương; hai bên phối hợp chuẩn bị đưa hợp tác lao động nông nghiệp vào triển khai, tiếp tục triển khai hiệu quả thỏa thuận lao động kỳ nghỉ.
Theo Đại sứ Australia tại Việt Nam, trong chuyến thăm, dự kiến Thủ tướng Albanese sẽ đưa ra những thông báo quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng. |
Từ đầu năm 2022, Australia trở thành thị trường du lịch thứ 6 của Việt Nam trong khi đất nước hình chữ S nằm trong nhóm thị trường du lịch ưa thích hàng đầu của Australia.
Quan hệ đầu tư được hai bên quan tâm thúc đẩy, trở thành một trong những trọng tâm của Chiến lược EEES giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt, đầu tháng 9/2023, Chính phủ Australia công bố Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á tới năm 2040, trong đó ghi nhận Việt Nam nằm trong tốp ba nền kinh tế ở khu vực.
Các bang và vùng lãnh thổ chú trọng triển khai Chiến lược Hợp tác Đông Nam Á, trong đó ưu tiên phát triển quan hệ với Việt Nam: 4/8 bang có Văn phòng Thương mại - đầu tư tại Việt Nam, hơn 15 thoả thuận hợp tác địa phương giữa hai nước được ký kết và triển khai; trao đổi đoàn gia tăng mạnh, riêng 10 tháng đầu năm 2023 có 10 đoàn địa phương ta thăm Australia và 4 đoàn địa phương Australia thăm Việt Nam. Đây là những cơ hội mới để hai bên cùng nỗ lực gia tăng thương mại và đầu tư hai chiều lên xứng tầm quan hệ đối tác mới thời gian tới.
Các lĩnh vực hợp tác bổ trợ lẫn nhau
Điểm mới là hợp tác an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo bước vào giai đoạn hợp tác thực chất. Lần đầu tiên hai nước triển khai đối thoại Bộ trưởng Quốc phòng; nhất trí tăng cường hợp tác hải quân, thủy đạc, gia tăng tàu thăm cảng; Australia năm lần hỗ trợ ta vận chuyển bệnh viện dã chiến cấp 2 sang Phái bộ Liên hợp quốc.
Khoa học - công nghệ trở thành lĩnh vực ưu tiên, mang lại giá trị gia tăng cao với các dự án trong lĩnh vực công nghệ mới nổi, nông nghiệp chất lượng cao, lương thực bền vững, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo…; lần đầu tiên Australia gia hạn chương trình Aus4Innovation lên 10 năm với tổng ngân sách 33,5 triệu AUD.
Trong chuyến thăm Australia từ 30/11-3/12/2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Đại học Swinburne, nghe giới thiệu công việc của trường trong ngành công nghiệp 4.0 cũng như các công nghệ sản xuất tiên tiến. (Nguồn: TTXVN) |
Trong các chuyến thăm Việt Nam gần đây, Thủ tướng Anthony Albanese (6/2023) và Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong (8/2023) công bố một số gói tài chính hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu. Giáo dục phát triển ấn tượng với 26.000 sinh viên Việt Nam tại Australia và 15.000 sinh viên Việt Nam tại các cơ sở đào tạo Australia tại Việt Nam, đưa Australia vượt Mỹ trở thành nước thu hút sinh viên Việt Nam lớn nhất thế giới; Việt Nam là nước thứ năm có số lượng sinh viên nước ngoài lớn nhất tại Australia.
Trong năm 2023, Australia tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tổ chức nhiều khóa đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, triển khai các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong khuôn khổ Chương trình Canberra Fellowship, Trao đổi chính sách, Aus4Skill…, đạt nhiều kết quả cụ thể.
Cộng đồng người Việt - nhịp cầu gắn kết
Cộng đồng người Việt Nam ở Australia hiện có khoảng 350.000 người, trong đó một số người Australia gốc Việt tham gia chính trường, giữ chức vụ quan trọng tại nghị viện, chính quyền liên bang và tiểu bang; một số khác là trí thức, chuyên gia, các nhà khoa học… có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển của Australia và quan hệ Việt Nam-Australia.
Các Cơ quan đại diện tại Australia đã và đang tích cực kết nối bà con với các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp trong nước. Vừa qua, việc thành lập Nhóm bạn Việt Nam, Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam toàn Australia cùng các hoạt động của các Viện chính sách Australia Việt Nam, Trung tâm Việt Nam Sydney, Diễn đàn Lãnh đạo Australia Việt Nam cũng như các chương trình liên kết, hợp tác giáo dục đa dạng tiếp tục giúp gắn kết hai nước cũng như góp phần thực hiện hiệu quả nhiều nội dung hợp tác của quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Australia.
Tổng lãnh sự Việt Nam tại Sydney Nguyễn Đăng Thắng (thứ 2 từ trái) cùng thành viên Ban điều hành của Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia tại lễ ra mắt vào ngày 10/8/2023 tại thành phố Melbourne. |
Chặng đường 50 năm tới
Có được kết quả trên là nhờ sự nỗ lực, quyết tâm và ý chí chính trị của Lãnh đạo và nhân dân hai nước. Trên cơ sở quan hệ tốt đẹp và trong bối cảnh tình hình mới, hai nước cần phát huy những thế mạnh và tiềm năng hướng tới xây dựng tầm nhìn 50 năm tới.
Bên cạnh trụ cột về kinh tế, an ninh và đổi mới sáng tạo, tôi cho rằng hai bên cần tiếp tục trao đổi hướng tới xây dựng các cơ chế đối thoại và trụ cột hợp tác mới, phù hợp với quan tâm, nhu cầu và lợi ích như biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuỗi cung ứng bền vững…; tăng cường kết nối hơn nữa hai nền kinh tế thông qua các thoả thuận kinh tế mới như kinh tế xanh, kinh tế số, khoáng sản thiết yếu…; tận dụng cơ hội của Chiến lược Kinh tế Đông Nam Á 2040, trong đó nâng tầm quan hệ thương mại và đầu tư hai chiều tương xứng với quan hệ chính trị-ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước.
Hai nước có thể phối hợp nâng thế và lực trên trường quốc tế, trước mắt có thể xem xét thành lập cơ chế hợp tác ba bên với một nước đang phát triển tại khu vực, theo đó Việt Nam có thể hỗ trợ Australia phát triển quan hệ cùng có lợi với Đông Nam Á, các nước tiểu vùng Mekong và các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương.
Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN-Australia, thăm chính thức Australia từ ngày 5-8/3. Chuyến thăm đặt dấu mốc quan trọng cho một giai đoạn mới của quan hệ Việt Nam-Australia sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hơn 5 năm xác lập quan hệ Đối tác chiến lược. |