Toàn cảnh Khóa họp thường niên thứ 80 của ESCAP ngày 25/4. (Nguồn: VOV) |
Khóa họp lần thứ 80 của ESCAP diễn ra từ ngày 22-26/4 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Với chủ đề “Tận dụng đổi mới kỹ thuật số để phát triển bền vững ở châu Á-Thái Bình Dương”, khóa họp lần này là cơ hội để các bên tăng cường hợp tác toàn khu vực nhằm thúc đẩy đổi mới kỹ thuật số, tăng tốc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững.
Khóa họp quy tụ các nhà hoạch định chính sách và đại diện đến từ các trung tâm nghiên cứu, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp và các bên liên quan để thảo luận về cách đổi mới kỹ thuật số có thể đóng góp toàn diện hơn vào việc đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trong nhiều lĩnh vực. Đây là dịp để thảo luận sâu về cách thức mà đổi mới kỹ thuật số có thể giải quyết các vấn đề cấp bách như biến đổi khí hậu, xóa đói giảm nghèo và bình đẳng giới…
Tại phiên họp đánh giá việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững ở châu Á và Thái Bình Dương diễn ra ngày 25/4, Đại sứ được bổ nhiệm tại Thái Lan Phạm Việt Hùng, Trưởng đoàn Việt Nam tại Khóa họp, khẳng định Việt Nam nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy hoàn thành đúng hạn Chương trình Nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững.
“Trong nỗ lực đó, Việt Nam đã lồng ghép Chương trình nghị sự 2030 vào các chiến lược phát triển quốc gia; triển khai hàng loạt chính sách về giáo dục, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo… và đã đạt được những tiến triển rõ rệt. Đặc biệt là trong xóa nghèo, đảm bảo nước sạch và vệ sinh, tiếp cận giáo dục chất lượng, đảm bảo bao phủ y tế phổ quát, tạo việc làm và tăng cường bao phủ của hệ thống an sinh xã hội, công nghiệp hóa, đổi mới và xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng hòa bình, công lý và hoàn thiện thể chế”, Đại sứ Phạm Việt Hùng nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Phạm Việt Hùng, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và các Mục tiêu phát triển bền vững, tiếp tục là kim chỉ nam cho việc phát triển, phục hồi xanh và bền vững trong thời gian tới.
Đại sứ được bổ nhiệm của Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng phát biểu tại phiên họp. |
Trên cơ sở đó, Trưởng đoàn Việt Nam đã đề xuất một số biện pháp như cần tiếp tục áp dụng cách tiếp cận lấy người dân làm trung tâm, với sự tham gia của các bên liên quan trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; ưu tiên đầu tư vào nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới và cơ sở hạ tầng như những công cụ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, trong đó phát huy vai trò của giới trẻ, đặc biệt thông qua chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Việt Nam cho rằng, các nước phát triển cần sớm hoàn thành các cam kết về tài chính cho phát triển; tái cơ cấu ODA theo hướng tăng ODA cho các dự án và các chương trình cải thiện kết cấu hạ tầng giao thông, thông tin và năng lượng ở các nước đang phát triển; đồng thời, cần tăng cường việc giám sát tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt thông qua việc xây dựng và trình bày Đánh giá quốc gia tự nguyện về tiến độ thực hiện các các Mục tiêu phát triển bền vững, để xác định các chính sách cần được thúc đẩy.
Việt Nam tiếp tục bày tỏ sự tin tưởng rằng Liên hợp quốc và ESCAP đóng vai trò nòng cốt trong tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế và các bên liên quan, đặc biệt trên các khía cạnh thúc đẩy tài chính, chuyển giao công nghệ; luật pháp và quy định quốc tế; cơ chế khu vực; chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm thực tế.
Việt Nam đã đạt được tiến bộ đáng kể, nhưng không đồng đều trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, do đó mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và hợp tác quý giá từ cộng đồng quốc tế, bao gồm cả ESCAP, để có thể hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững của mình. Việt Nam cam kết sẵn sàng đóng góp tích cực vào các nỗ lực khu vực và toàn cầu hướng tới thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Phiên họp đánh giá chung là thế giới và khu vực đang gặp nhiều thách thức về kinh tế vĩ mô, như triển vọng tăng trưởng chậm và ở mức thấp, lạm phát và lãi suất tăng cao, tài khóa bị thắt chặt, thiếu hụt các nguồn quỹ công đầu tư cho phát triển bền vững và nhiều quốc gia đang có nguy cơ đối mặt với khủng hoảng nợ…
Nhiều giải pháp đã được đưa ra và thảo luận về gia tăng tính bền vững của nợ công; tăng cường tài chính bền vững để đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
| WB sẵn sàng đồng hành cùng Việt Nam trên hành trình hiện thực hóa các mục tiêu phát triển Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị, thời gian tới, Ngân hàng thế giới (WB) tiếp tục hợp tác chặt chẽ, hỗ ... |
| Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, nhấn mạnh phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2024, Thủ tướng ... |
| Việt Nam đề cao việc huy động, sử dụng và quản lý tài chính cho phát triển bền vững tại diễn đàn Liên hợp quốc Đại diện Việt Nam khẳng định nguồn vốn nhà nước và nguồn lực tư nhân cùng đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng ... |
| Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm về phát triển kinh tế và dân số để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững Từ ngày 29-30/4, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Hoa Kỳ đã diễn ra Khóa họp lần thứ 57 Ủy ban ... |
| VIETSTAR và Đại học Ulsan đồng phát triển chương trình lãnh đạo bền vững cho lãnh đạo cấp cao các doanh nghiệp Việt Ngày 03/05/2024, tại Đại học Ulsan Hàn Quốc đã diễn ra Lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Công ty Cổ phần Tư vấn ... |