Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an chia sể vềnhững kết quả đạt được và kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. (Nguồn: TTXVN) |
Trong 3 ngày 29-31/8, tại thủ đô Bangkok diễn ra Hội nghị Thực thi pháp luật khu vực về phòng, chống tham nhũng do Văn phòng Cơ quan phòng, chống tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương; Ủy ban Phòng, chống tham nhũng quốc gia Thái Lan và Bộ Tư pháp Hàn Quốc đồng tổ chức. Đoàn đại biểu Bộ Công an Việt Nam do Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an dẫn đầu dự và phát biểu tại phiên thảo luận. Cùng tham dự Hội nghị có đại diện Thanh tra Chính phủ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đến từ 17 quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hội nghị này là sự kiện quan trọng để các đại diện cấp cao từ cơ quan phòng, chống tham nhũng, cơ quan trung ương về tương trợ tư pháp hình sự, viện công tố/viện kiểm sát của các nước trên thế giới thảo luận các vấn đề liên quan đến tham nhũng, xác định các thách thức và định hướng nhằm tăng cường phòng, chống tham nhũng trong khu vực.
Trong ngày làm việc thứ nhất, Hội nghị được chia thành 3 phiên thảo luận lần lượt với các chủ đề “Thách thức và công tác phòng, chống tham nhũng tại khu vực Đông Nam Á”, “Thực thi pháp lý với tội phạm tham nhũng” và “Bài học trong phòng, chống tham nhũng từ các khu vực khác”.
Tại phiên thảo luận thứ nhất, Thứ trưởng Nguyễn Văn Long đã có bài phát biểu chia sẻ những kết quả đạt được và kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam. Thứ trưởng Nguyễn Văn Long khẳng định việc tham gia Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng rất sớm (19/8/2009) đã khẳng định quyết tâm cao của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Sau gần 13 năm tham gia, Việt Nam đạt được những kết quả tích cực trong thực hiện Công ước, từng bước đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật; nâng cao nhận thức, tăng cường trao đổi, chia sẻ, cung cấp thông tin và tham gia hiệu quả các hoạt động trong khuôn khổ Công ước.
Trong những năm gần đây, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, ngày càng đi vào chiều sâu; đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện và rõ rệt và đã được người dân, dư luận cả nước đồng tình, ủng hộ, góp phần nâng cao uy tín và sự chỉ đạo, điều hành của Đảng và Chính phủ Việt Nam.
Kết quả từ năm 2011 đến tháng 6/2022, Bộ Công an Việt Nam đã khởi tố điều tra gần 3.000 vụ án với hơn 6.000 bị can phạm tội về tham nhũng; đã thu hồi, kê biên, phong tỏa tiền và các loại tài sản trị giá khoảng 23.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác. |
Bên cạnh việc thực thi công ước của LHQ, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng; đến nay Việt Nam đã trao đổi, ký kết 23 Hiệp định tương trợ tư pháp và 9 bản ghi nhớ về trao đổi thông tin về rửa tiền, phòng chống khủng bố; hợp tác trực tiếp với cơ quan thực thi pháp luật một số nước trong điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, truy bắt đối tượng tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài.
Trong khuôn khổ khu vực, Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò là Chủ tịch Nhóm các cơ quan phòng, chống tham nhũng ASEAN (ASEAN-PAC) từ tháng 12/2020 đến tháng 11/2021.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Long, để tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, Việt Nam đang tích cực triển khai 5 nhóm giải pháp.
Một là, đẩy mạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Hai là, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật trên các lĩnh vực, không để sơ hở, thiếu sót để tội phạm lợi dụng.
Ba là, nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội, nhân dân và các cơ quan báo chí trong phòng, chống tham nhũng.
Bốn là, tiếp tục củng cố, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương; thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống tham nhũng ngay trong các cơ quan này.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống tham nhũng, nhất là bắt giữ đối tượng phạm tội bỏ trốn, ngăn chặn, thu hồi tài sản tẩu tán ra nước ngoài. Bên cạnh đó, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. (Nguồn: TTXVN) |
Tại hội nghị, đoàn Việt Nam cũng đã đưa ra các kiến nghị thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả Công ước Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng.
Theo đó, các quốc gia thành viên LHQ cần tăng cường hợp tác chặt chẽ trong giải quyết vấn đề tham nhũng có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia, nhất là trong trao đổi thông tin, thực trạng, phương thức, thủ đoạn của tội phạm, tích cực phản hồi các yêu cầu xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ điều tra, truy bắt, dẫn độ số đối tượng phạm tội lẩn trốn và thu hồi tài sản tham nhũng bị tẩu tán; giúp hiểu được các hệ thống pháp luật của nhau và tìm giải pháp để loại bỏ những trở ngại đối với các hoạt động hợp tác.
Bên cạnh đó, đoàn Việt Nam cũng đề nghị LHQ và cộng đồng quốc tế tiếp tục dành sự quan tâm, hỗ trợ cho Việt Nam trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng như: chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ tập huấn nâng cao năng lực điều tra cho cán bộ thực thi pháp luật của Việt Nam, hỗ trợ về trang thiết bị, chuyển giao khoa học công nghệ nhất là đối với kỹ thuật điều tra hiện đại, thu thập chứng cứ điện tử.
Việt Nam cam kết phối hợp chặt chẽ với các nước, các tổ chức của LHQ trong phòng, chống tham nhũng. Với vai trò là thành viên ASEAN, Việt Nam cam kết tham gia tích cực và có trách nhiệm trong các khuôn khổ hợp tác của ASEAN nói chung và lĩnh vực phòng, chống tham nhũng nói riêng.
| Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc đánh giá cao những đóng góp tích cực của Việt Nam cho công việc chung Ngày 23/8, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc (LHQ) đã làm việc với Phó Tổng ... |
| Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Ngày 17/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 22 ... |
| Hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo Trung ương) đã có Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW một số ... |
| Việt Nam đóng góp tích cực tại Uỷ ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc Ngày 5/8, Ủy ban Luật quốc tế của Liên hợp quốc (ILC) đã tổ chức Khóa họp 73, kết thúc nhiệm kỳ 2017-2022. Trong nhiệm ... |
| 'Chiến dịch phòng, chống tham nhũng và cơ hội đầu tư nước ngoài ở Việt Nam' Đó là tên bài viết mới của Thạc sĩ Uch Leang, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á - Phi và Trung Đông, Viện Quan ... |