Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 3 tại Thái Lan tháng 11/2019. |
Theo ông Almutaqqi, Nhật Bản mới đây tuyên bố sẽ không tham gia RCEP nếu thiếu Ấn Độ, vì vậy, sẽ là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc cố gắng thuyết phục Ấn Độ và Nhật Bản gắn bó với hiệp định này.
Theo học giả này, vẫn còn hy vọng về việc Ấn Độ tham gia RCEP vào năm 2020 nếu các bên đàm phán có thể nhất trí về những vấn đề nổi bật mà New Delhi đã nêu.
Tin tưởng vào khả năng, sự khéo léo và linh hoạt của Việt Nam trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế, chuyên gia này đặc biệt đề cao năng lực Việt Nam trong đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do và là một trong những nước tham gia Hiệp định CPTPP. Với tốc độ tăng trưởng rất cao trong vài năm qua, Việt Nam đã cho thấy thành quả có thể đạt được nếu mở cửa kinh tế và tham gia tiến trình toàn cầu hóa.
Bên cạnh RCEP, Việt Nam cũng cần ưu tiên thúc đẩy Cộng đồng ASEAN, do năm 2020 là thời điểm đánh dấu 5 năm thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025.
Ông Almutaqqi cũng hy vọng được chứng kiến những “thành tựu phát triển lớn” trong Năm Chủ tịch của Việt Nam bởi đây là một trong những nước có tiếng nói ở Đông Nam Á với một nền kinh tế phát triển nhanh.
Theo vị chuyên gia này, việc Việt Nam và Indonesia cùng đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021 sẽ là “cơ hội chiến lược” để hai nước hợp tác thúc đẩy chương trình nghị sự của ASEAN.
Về các thách thức của ASEAN, ông Almutaqqi cũng cho rằng, khối đang phải đối mặt với một tình hình nhiều biến động cũng như bất ổn định do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và đặc biệt là tình hình Biển Đông – vốn đang là “mối quan tâm lớn” của cả khu vực.