📞

Việt Nam - “cầu nối” giữa Mozambique với thị trường Đông Nam Á

Gia Thành 10:00 | 12/09/2019
TGVN. Đại sứ Mozambique tại Việt Nam Leonardo Pene đã bày tỏ nguyện vọng như trên khi chia sẻ với TG&VN về tiềm năng hợp tác song phương giữa hai quốc gia.
Đại sứ Mozambique tại Việt Nam Leonardo Pene.

Sát cánh cùng phát triển

Theo Đại sứ Leonardo Pene, Mozambique là thị trường giàu tiềm năng. Quốc gia châu Phi này sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn bao gồm: đất, biển, khoáng sản… và tiềm năng phát triển các loại cây hoa màu như hạt điều, bông, đậu nành, mía. Không chỉ thế, Mozambique có cơ sở hạ tầng năng lượng hiện đại, nông nghiệp, du lịch phát triển mạnh. Đây là những lĩnh vực mà Việt Nam hoàn toàn có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác với quốc gia châu Phi này.

Đại sứ Leonardo Pene chia sẻ, hiện Mozambique có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Chính phủ Mozambique đã thiết lập khung pháp lý, ký kết các hiệp định và hiệp ước song phương với nhiều đối tác quốc tế, bao gồm cả Việt Nam. Cụ thể, Mozambique có một số công cụ pháp lý như bảo vệ quyền tài sản bao gồm sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp, công bằng trong công tác bồi thường, chuyển tiền miễn phí, tái xuất lợi nhuận, cung cấp ưu đãi thuế và miễn thuế, không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước.

Đặc biệt, nền kinh tế Mozambique và Việt Nam có nhiều nét tương đồng. Một mặt, đây là hai nền kinh tế mới nổi, sở hữu các chính sách kinh tế vĩ mô thuận lợi khuyến khích dòng vốn đầu tư nước ngoài. Hai quốc gia cũng coi công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với sự phát triển kinh tế, chú trọng phát triển ngành nông nghiệp và công nghiệp.

Mặt khác, thị trường của cả hai nước đang trải qua quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường và tập trung vào phát triển cân bằng, bền vững. Vì vậy, Mozambique và Việt Nam có thể sát cánh cùng nhau phát triển và kết nối với thị trường thế giới, cả ở châu Á và châu Phi, châu Âu, châu Mỹ và Mỹ Latin.

Tận dụng mọi tiềm năng

Đánh giá về sự hợp tác giữa Việt Nam và Mozambique trong thời gian qua, Đại sứ Leonardo Pene cho rằng, trước đây, hai nước từng có mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết và hợp tác chặt chẽ trong các cuộc đấu tranh giành độc lập. Ngày nay, Việt Nam và Mozambique lại tiếp tục nỗ lực củng cố, mở rộng hợp tác về chính trị, ngoại giao, kinh tế - xã hội và thương mại.

Theo Đại sứ Mozambique tại Việt Nam, thời gian qua, hợp tác song phương giữa hai nước gặt hái được nhiều thành tựu tốt đẹp, cụ thể như nhiều thỏa thuận và bản ghi nhớ đã được ký kết giữa hai nước. Các thỏa thuận liên quan đến các cam kết về thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực, thương mại và đầu tư trong nhiều lĩnh vực khác nhau như nông nghiệp, viễn thông cũng được đặc biệt chú trọng.

Tuy nhiên, Đại sứ Leonardo mong muốn hợp tác thương mại giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, phù hợp với tiềm năng. Năm 2018, xuất khẩu của Mozambique sang Việt Nam chỉ đạt khoảng 13,71 triệu USD và nhập khẩu 38,02 triệu USD.

Cải cách kinh tế và sự ổn định chính trị ở Mozambique đang mở ra cơ hội cho Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực như nông nghiệp, thủy sản, tài nguyên khoáng sản, xây dựng, năng lượng và cơ sở hạ tầng. Kết quả của khoản đầu tư 600 triệu USD trong lĩnh vực truyền thông (Movitel - Viettel), cũng như khoản đầu tư 2,2 triệu USD vào tỉnh Zambezia cho ‘‘Dự án nghiên cứu và phát triển cây lương thực và thực phẩm ở Mozambique’’ là những ví dụ đáng khích lệ cho sự hợp tác thành công giữa hai nước.

Trong bối cảnh này, theo quan điểm của Đại sứ Leonardo Pene, hiệp hội các tổ chức kinh tế của hai nước, điển hình như Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phòng Thương mại Mozambique (CCM) hoặc Hiệp hội các hoạt động kinh tế (CTA) phải tận dụng mọi tiềm năng để mở ra những cửa sổ cơ hội hợp tác mới giữa hai quốc gia.

‘‘Ở cấp độ khu vực, chúng tôi hy vọng Việt Nam - với tư cách là Chủ tịch ASEAN vào năm 2020, sẽ là ‘cầu nối’ giữa các quốc gia Trung Đông - châu Phi, bao gồm cả Mozambique với thị trường Đông Nam Á’’, Đại sứ Mozambique tại Việt Nam bày tỏ.