Ra mắt Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Châu Phi, Trung Đông, tháng 9/2012. |
Vừa qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Châu Phi - Trung Đông phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Đại sứ quán các nước châu Phi, Trung Đông tại Hà Nội tổ chức Hội thảo "Việt Nam - Châu Phi - Trung Đông: Đối tác mới cho sự phát triển". Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Bùi Thanh Sơn; Thứ trưởng Bộ Công Thương - Hồ Thị Kim Thoa; cùng đại diện các Tổ chức quốc tế, Tổ chức xúc tiến Châu Phi/Trung đông, doanh nghiệp Châu Phi/Trung Đông, doanh nghiệp thành viên của Diễn đàn và các đơn vị, Hiệp hội quan tâm đến thị trường Châu Phi/Trung Đông.
Tiềm năng lớn
Thời gian gần đây, trao đổi thương mại giữa Việt Nam - Châu Phi - Trung Đông tăng mạnh, liên tục đạt nhưng con số ấn tượng.
Theo thống kê của Bộ Công thương, trao đổi thương mại hai chiều Việt Nam và châu Phi năm 2010 đạt gần 2,6 tỷ USD, năm 2011 là 3,5 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang châu Phi đạt 1,8 tỷ USD. Tính đến tháng 8/1012, các doanh nghiệp Việt Nam đã có 17 dự án đầu tư sang châu Phi với tống giá trị lên tới gần 1,2 tỷ USD.
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam với các nước Trung Đông năm 2010 đạt 3,31 tỷ USD tăng 44,7%, năm 2011 đạt 5,17 tỷ USD tăng 56% và 8 tháng đầu năm 2012 ước đạt 3,95 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam là 2,45 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu lớn nhất là UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Israel, Iraq. Tính đến 8/2012 các doanh nghiệp Việt Nam đã có 4 dự án đầu tư sang Trung Đông với tổng giá trị lên tới hơn 84 triệu USD.
Với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5%/năm và là khu vực giàu tiềm năng về dầu mỏ, khí đốt, công nghệ sinh học, công nghệ hóa dầu…, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu vào châu Phi và Trung Đông khá tương đồng, chủ yếu là gạo, dệt may, da giày, sản phẩm cơ khí, đồ nhựa, gỗ, xe máy, xe đạp, linh kiện điện tử… Đây đều là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam trong những năm gần đây. Châu Phi, Trung Đông thực sự là thị trường tiềm năng đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Theo Đại diện tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF) về triển vọng hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và các nước Tây Phi (UEMOA) và Trung Phi (CEMAC) - Angèle Bonane, trong những nghiên cứu của OIF đã cho thấy một tiềm năng thực sự chưa được khai thác với giá trị khoảng 5 tỉ USD mỗi năm, trong đó hơn 4 tỉ USD về phía Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực thực phẩm, sợi bông, dệt, may mặc, gỗ và các sản phẩm từ gỗ…
Xúc tác lớn
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, "70 quốc gia thuộc châu Phi và Trung Đông có sự phân hóa giàu nghèo rất rõ rệt, đây thực sự là thị trường tiềm năng nếu doanh nghiệp biết tận dụng cơ hội để thâm nhập". Cơ sở để doanh nghiệp có thể yên tâm khi đưa hàng sang châu Phi là Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước châu Phi và Trung Đông. Việt Nam đã có quan hệ xuất, nhập khẩu với 55 nước thuộc châu Phi. Giữa Việt Nam, châu Phi và Trung Đông có nhiều lợi thế bổ sung cho nhau để cùng phát triển. Châu Phi và Trung Đông là địa bàn có khả năng đáp ứng các nhu cầu của Việt Nam về nguồn cung cấp nguyên, nhiên liệu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ, nhân lực, đầu tư. Thời gian qua, quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Phi, Trung Đông phát triển rất tốt.
Hai bên đã tạo dựng được khuôn khổ pháp lý khá đầy đủ làm cơ sở cho việc phát triển và tăng cường quan hệ hợp tác thương mại toàn diện. Việt Nam cũng đã ký hiệp định thương mại với 15 nước thuộc châu Phi, Trung Đông và ký hiệp định khung với 17 nước châu Phi, mở ra những thuận lợi nhất định trong trao đổi thương mại.
Cũng tại Hội thảo, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Châu Phi - Trung Đông đã chính thức ra mắt, là cầu nối để thúc đẩy trao đổi thương mại và hợp tác kinh tế giữa cộng đồng doanh nghiệp các bên. Đồng thời hỗ trợ và tư vấn cho doanh nghiệp Việt Nam về thông tin, đào tạo, tăng cường trao đổi thương mại, tổ chức hội thảo, đẩy mạnh buôn bán song phương và triển khai các hoạt động xúc tiến khác.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất trong quá trình thâm nhập thị trường khu vực này, chính là khoảng cách địa lý quá xa, khiến chi phí vận chuyển đội lên nhiều lần, chưa kể đến hành trình vận chuyển khó khăn khiến các doanh nghiệp Việt Nam chưa dám mạnh dạn đầu tư, tìm kiếm và thâm nhập vào thị trường thuộc các nước khu vực châu Phi, Trung Đông. Cách thức thanh toán còn nhiều vướng mắc cũng là khó khăn chính, khiến từ lâu hai bên vẫn phải đi đường vòng bằng cách làm ăn với các doanh nghiệp châu Âu.
Minh Châu