📞

Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm thành công trong công cuộc Đổi mới với Venezuela

Chu Văn 11:00 | 10/06/2021
Ngày 9/6, Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela phối hợp với Phòng Thương mại Venezuela-Việt Nam (CAVENVIET) tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Vai trò của kinh tế tư nhân và kinh nghiệm quản lý đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới”.
Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Vai trò của kinh tế tư nhân và kinh nghiệm quản lý đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong thời kỳ Đổi mới'.

Hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong công cuộc Đổi mới với Venezuela trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế.

Tham dự sự kiện, về phía Việt Nam có sự tham gia của PGS. TS. Nguyễn Viết Thảo, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Venezuela, nguyên PGĐ Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Đại sứ Việt Nam tại Venezuela Lê Viết Duyên.

Về phía Venezuela có sự tham dự của ông Jesús Faría, Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Quốc hội Venezuela; ông Oswaldo Hernandez, Chủ tịch CAVENVIET; bà Tatiana Pugh, Đại sứ Venezuela tại Việt Nam, cùng đông đảo khách mời là đại biểu Quốc hội, đại diện các bộ, ban, ngành và các doanh nghiệp và tổ chức đoàn thể khác.

Tại sự kiện, PGS. TS Nguyễn Viết Thảo cho biết, hơn 1,4 triệu doanh nghiệp tư nhân được thành lập trong giai đoạn 2016-2020 tại Việt Nam và nhấn mạnh khu vực kinh tế tư nhân ngày nay đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng sản phẩm quốc dân (từ 48% đến 54%), đóng góp 30% vào ngân sách nhà nước.

Trong hơn 30 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế. Nhằm phát triển kinh tế tư nhân trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo đó, các luật cơ bản gồm Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý thuế, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… đã được sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và đổi mới phù hợp hơn với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đang hướng đến mục tiêu nâng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân lên 55% GDP vào năm 2025 và 60% năm 2030.

PGS. TS Nguyễn Viết Thảo nhấn mạnh, với những quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sau 35 năm tiến hành Đổi mới, Việt Nam đã thu hút gần 400 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, phân bổ cho hơn 30.000 dự án.

Ngày nay, gần 70.000 doanh nghiệp FDI đặt tại hơn 300 khu công nghiệp đã mang lại cho Việt Nam không chỉ nguồn lực tài chính to lớn, công nghiệp hiện đại, kinh nghiệm quản lý kinh tế tiên tiến mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.

Phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Venezuela, PGS. TS. Nguyễn Viết Thảo nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục xác định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân; kinh tế tư nhân trở thành một trong những động lực quan trọng của sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

PGS. TS Nguyễn Viết Thảo cũng mong muốn Venezuela có thể học hỏi và phát huy những kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế hiện nay.

(theo Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)