📞
Chuyên gia quốc tế:

Việt Nam có thể đảm nhận tốt vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ và cho thấy tầm ảnh hưởng ngày càng lớn

08:16 | 08/06/2019
Ngày 7/6, tại khóa họp thứ 73 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam, quốc gia đại diện duy nhất cho nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương đã được bầu vào vị trí ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu ủng hộ cao kỷ lục, 192 trên tổng số 193 phiếu.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (phải, hàng thứ 2, bên trái) dẫn đầu vui mừng sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy, Việt Nam được bầu chọn là ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 - 2021, tại New York, Mỹ ngày 7/6/2019.

Đây là lần thứ 2 Việt Nam nhận được sự ủng hộ của các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc để đảm nhận trọng trách này, giúp Việt Nam phát huy những thành công trong nhiệm kỳ 10 năm trước, 2008 - 2009 và tiếp tục có những đóng góp tích cực, thực chất và có trách nhiệm đối với Liên hợp quốc nói chung và Hội đồng Bảo an nói riêng trong nhiệm kỳ 2020-2021.

Đánh giá về thành công của Việt Nam, ông Hunter Marston, nguyên trợ lý nghiên cứu cấp cao của Viện Brookings tại Mỹ cho rằng, việc Việt Nam được bầu là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi Việt Nam đã cho thấy vai trò ngày càng tăng của mình trên mặt trận thương mại, ngoại giao quốc tế cũng như an ninh khu vực ở Đông Nam Á.

Trong vai trò này, Việt Nam có thể có những đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực như y tế công cộng, chống lại các bệnh truyền nhiễm, thúc đẩy an ninh hàng hải, chống cướp biển, cũng như ngăn chặn nạn đánh bắt cá và buôn người bất hợp pháp.

Việt Nam cũng là một nước đi đầu trong công tác rà phá vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh và có thể là quốc gia hình mẫu cho các quốc gia khác muốn phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.

Ông Hunter Marston nhận định, Việt Nam đã chứng minh được rằng, quốc gia Đông Nam Á này có thể thúc đẩy ngoại giao khu vực ở các cấp cao nhất và điều này được thể hiện qua vai trò trung gian của Việt Nam khi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng Hai vừa qua tại Hà Nội.

“Trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là cơ hội tốt để Việt Nam lên tiếng, bày tỏ những quan ngại của mình đối với các vấn đề liên quan đến những tranh chấp trên Biển Đông và luật hàng hải quốc tế. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện khả năng, cũng như đóng góp của mình với an ninh hàng hải và sự ổn định trong khu vực”, ông Hunter Marston khẳng định.

Theo ông Hunter Marston, năm tới, Việt Nam cũng sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tich ASEAN năm 2020, như vậy việc đảm nhiệm cùng lúc những vị trí quan trọng này mang đến những cơ hội lớn để Việt Nam thể hiện vai trò và những đóng góp của mình cho các vấn đề quốc tế và quảng bá hình ảnh của mình trên thế giới.

Bên cạnh những cơ hội, ông Hunter Marston lưu ý, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong bối cảnh các thành viên trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có những quan điểm khác nhau trong nhiều vấn đề quốc tế. Việt Nam cũng có thể phải đối mặt với những quan điểm trái chiều về Biển Đông hay những áp lực từ các quốc gia khác, về các vấn đề nhân quyền.

Tuy nhiên, ông Hunter cũng bày tỏ lạc quan khi cho rằng, Việt Nam có thể đảm nhận tốt vai trò này và cho thấy tầm ảnh hưởng trong khu vực ngày càng lớn của mình, cũng như những đóng góp quan trọng đối với các vấn đề như luật pháp quốc tế, an ninh hàng hải, thương mại toàn cầu, bảo vệ môi trường và các thách thức chung khác trong khu vực.

Việt Nam có thể chia sẽ những kinh nghiệm của mình trong nhiều lĩnh vực, cũng như bày tỏ rõ ràng quan điểm của mình trong các vấn đề đối với 5 thành viên thường trực của Liên hợp quốc, gồm Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp và Nga.

(theo TTXVN)