Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao Á-Âu lần thứ 13. (Nguồn: TTXVN) |
Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của ASEM lần thứ 13 lần này?
Hội nghị thượng đỉnh cấp cao ASEM lần thứ 13 tổ chức tại Campuchia diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Trước hết, đó là việc năm nay chúng ta kỷ niệm 25 năm thành lập diễn đàn ASEM. Thứ hai là bối cảnh dịch bệnh đã đặt ra rất nhiều thách thức chưa từng có trong tiến trình hợp tác ASEM.
Tuy nhiên, những thách thức này tạo ra cơ hội cho các nước ASEM nhằm thúc đẩy sự đoàn kết, cùng chung tay giải quyết các thách thức chung toàn cầu, thách thức giữa hai châu lục và làm sao để thúc đẩy hợp tác giữa hai châu lục Á-Âu trong thời gian tới.
Chính vì ý nghĩa đặc biệt như vậy, Hội nghị lần này đã thu hút được rất đông các nhà lãnh đạo các nước ASEM tham gia với gần 50 nguyên thủ quốc gia. Các nhà lãnh đạo cũng đã có sự bàn bạc, trao đổi thảo luận hết sức thực chất, toàn diện và đề ra phương hướng hợp tác cho tiến trình ASEM trong những năm tới.
Kết quả của Hội nghị hết sức tích cực khi đã thông qua được 3 văn kiện quan trọng gồm: Tuyên bố của Chủ tịch cấp cao ASEM; Tuyên bố về phục hồi sau Covid và quan trọng nhất là Tuyên bố về định hướng kết nối trong ASEM.
Đây là trọng tâm mới trong ASEM trong thời gian tới để thúc đẩy sự kết nối, phát triển đồng đều giữa các thành viên của ASEM cũng như thúc đẩy trao đổi, luân chuyển hàng hóa, con người tránh đứt gãy trong thương mại. Chính vì vậy, Hội nghị đã thành công hết sức tốt đẹp.
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Hoàng Giang. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Ông đánh giá như thế nào về sự tham gia, đóng góp của Việt Nam đối với ASEM nói chung và đối với Hội nghị lần này?
Là thành viên sáng lập của ASEM, trong suốt 20 năm qua, Việt Nam đã tham gia hết sức tích cực, chủ động trong tiến trình ASEM và đã đưa ra rất nhiều biện pháp, sáng kiến thúc đẩy hợp tác giữa ASEM trên tất cả các lĩnh vực.
Với tinh thần chung đó, tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra rất nhiều sáng kiến để thúc đẩy hợp tác ASEM, trong đó nhấn mạnh 4 đề xuất:
Một là, tăng cường đoàn kết, tăng cường chủ nghĩa đa phương trong ASEM để thúc đẩy, giải quyết các vấn đề chung, vấn đề toàn cầu, với tinh thần lấy người dân làm chủ thể, làm trung tâm, là mục tiêu và là động lực cho sự phát triển.
Hai là, đề nghị các nước cần phải chia sẻ các nguồn lực để thúc đẩy hợp tác nhằm vượt qua đại dịch Covid-19, nhất là chia sẻ trong vấn đề vaccine, thuốc chữa bệnh.
Ba là, đề nghị các quốc gia, nhất là các quốc gia phát triển, tăng cường chia sẻ hơn nữa, hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao năng lực ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có chia sẻ nguồn lực tài chính, công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ xanh và các nguồn lực khác để thúc đẩy sự phát triển của các quốc gia trong việc ứng phó với các vấn đề toàn cầu.
Bốn là, Thủ tướng đề nghị các nước trong ASEM tăng cường hợp tác trong thích ứng với điều kiện mới, nhất là thúc đẩy chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, chú trọng thúc đẩy tăng cường hợp tác công - tư để huy động nguồn lực cho sự phát triển. Thủ tướng cũng thông báo đề xuất Việt Nam đăng cai “Hội nghị bàn tròn ASEM về Kinh tế số”.
Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ cũng chia sẻ những kinh nghiệm của Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế, nhất là triển khai toàn diện các biện pháp để thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19.
Đồng thời, Thủ tướng khẳng định, qua những biện pháp này, Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước ASEM vì mục tiêu “Hai châu lục, cả châu Á, châu Âu hòa bình, phát triển và thịnh vượng”.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!