📞

‘Việt Nam đã đưa tầm nhìn và sự năng động của mình tới ASEAN’

Minh Khôi 19:00 | 23/12/2020
TGVN. Ông Takio Yamada, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng “may mắn là Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch trong một năm rất quan trọng này để đưa tầm nhìn và sự năng động của mình tới ASEAN”.
Chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam 'Gắn kết và Chủ động thích ứng' được cho là rất đúng lúc. (Ảnh: Nguyễn Hồng)
Các Đại sứ nước ngoài tại Việt Nam đã dành những lời lẽ tốt đẹp để ghi nhận và ca ngợi những nỗ lực và thành tựu mà Việt Nam đã cùng ASEAN đạt được trong năm 2020, năm mà Việt Nam đảm nhận vai trò “kép” – vừa là Chủ tịch luân phiên của ASEAN vừa là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hợp quốc (LHQ).

Tầm nhìn xa và sự năng động

Đại sứ Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov cho rằng, 2020 là thực sự là một năm “đặc biệt” với nguy cơ an ninh lớn nhất từ sau Đại chiến thứ II là sự bùng phát nhanh chóng của virus nguy hiểm Covid-19 khiến không một quốc gia nào có thể đơn độc chống chọi.

Trong bối cảnh đó, ông khẳng định, vai trò của các cơ chế hợp tác đa phương như ASEAN ngày càng trở nên quan trọng. Trong suốt những thập kỷ qua, ASEAN đã khẳng định được sức sống của mình, cũng như khả năng đoàn kết trước mối đe dọa chung với toàn Khối.

Sự tồn tại của các thể chế đối tác đối thoại, cũng như các cơ chế hợp tác mở rộng (EAS, ARF, ADMM+) cho phép ASEAN giữ vai trò điều phối với các quốc gia trong và ngoài khu vực, giúp tăng thêm giá trị cho tiến trình liên kết của ASEAN.

Trong khi đó, theo Đại sứ Australia Robyn Mudie, năm Chủ tịch ASEAN của Việt Nam diễn ra trong bối cảnh có nhiều thay đổi địa chiến lược đáng chú ý, đặt ra nhiều thách thức mới, cả đối với kinh tế và an ninh y tế. Bà đánh giá, chủ đề của năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là rất đúng lúc.

"Điều đó cho thấy ổn định và thịnh vượng trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta cùng hợp tác trong các cơ chế mạnh và chủ động thích ứng. Từ khi ra đời năm 1967, ASEAN thường xuyên chứng minh điều đó. ASEAN được xây dựng qua cách đối thoại, hợp tác và lòng tin; và vì thế đã thu hút nhiều thành viên và đối tác mới. Việt Nam tham gia ASEAN năm 1995 và phát triển thành một trong những thành tố mạnh nhất là một minh chứng hùng hồn cho điều đó", Đại sứ Robyn Mudie nhấn mạnh.

Đại sứ Mỹ tại Hà Nội Daniel J. Kritenbrink nhận định, đại dịch toàn cầu nêu bật tầm nhìn xa của Việt Nam tập trung xây dựng một ASEAN “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. ASEAN đã thể hiện sự hiệu quả khi các nước thành viên thống nhất và có chung tiếng nói về các thách thức an ninh và kinh tế khu vực.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN và các Hội nghị cấp cao liên quan.

Còn theo Đại sứ Nhật Bản Takio Yamada, kể từ khi gia nhập ASEAN tháng 12/1995, Việt Nam đã có đóng góp nhiều hơn vào các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội trong khu vực. Sau nhiệm kỳ Chủ tịch năm 2010, Việt Nam ngày càng được chú ý đến với tư cách là đối tác mới nổi trong hợp tác ASEAN nhờ vào sự phát triển kinh tế nhanh chóng cùng việc chủ động đưa ra sáng kiến giải quyết thách thức khu vực, trong đó có vấn đề liên quan đến Biển Đông.

Tiến trình ASEAN 2020 hiện đòi hỏi phải xử lý nhiều chương trình nghị sự với trách nhiệm to lớn và ông cho rằng “may mắn là Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch trong một năm rất quan trọng này để đưa tầm nhìn và sự năng động của mình tới ASEAN”.

Đại sứ Hàn Quốc Park Noh-wan đánh giá, trong năm qua, Việt Nam đã xử lý thành công tình hình nguy cấp, tiếp tục đóng vai trò xuất sắc trong việc dẫn dắt hợp tác, đoàn kết của ASEAN để vượt qua khủng hoảng này.

Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN +3 về Covid-19 được tổ chức thông qua hình thức trực tuyến vào ngày 14/4/2020 là một hành động kịp thời, mạnh dạn của Việt Nam giúp tập hợp cam kết chính trị của lãnh đạo trong khu vực để đối phó với khủng hoảng. Tuyên bố chung của cuộc họp này đặt nền tảng vững chắc để hình thành các biện pháp chung quan trọng như thành lập Quỹ hợp tác ứng phó Covid-19, Kho dự trữ vật tư y tế thiết yếu…

Trong khi đó, Đại sứ Lào đánh giá cao năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, thể hiện trong kết quả trên cương vị Chủ tịch các Hội nghị trực tuyến thời gian qua: Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó với dịch Covid-19 (14/4); Hội nghị hẹp Bộ trưởng kinh tế ASEAN tại Nha Trang (1/2020), Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN về Hiệp định Hợp tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các hội nghị khác.

Lào luôn ủng hộ và hoan nghênh Việt Nam về năm Chủ tịch ASEAN 2020 và nhất trí với chủ đề "Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

Trách nhiệm và sáng tạo

Theo Đại sứ Campuchia Chay Navuth, tiếp nhận vị trí luân phiên làm Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam đã đặt ra 5 ưu tiên, đó là: Duy trì hoà bình, an ninh và ổn định; Hội nhập và kết nối kinh tế; Thúc đẩy nhận thức và bản sắc ASEAN; Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hoà bình và phát triển bền vững; Nâng cao năng lực thích ứng, hiệu quả hoạt động của ASEAN.

Trong số 5 ưu tiên này, có thể nhận thấy thuật ngữ “hoà bình và an ninh” được sử dụng tới hai lần từ ưu tiên 1 tới 4. Điều này cho thấy Việt Nam là một nước Chủ tịch “có trách nhiệm”, xác định một cách cẩn thận lợi ích của tất cả các nước thành viên và sắp xếp theo thứ tự ưu tiên.

Đại sứ Brunei Dato Paduka Haji Mahadi Haji Wasli cho rằng, điều cần thiết là ASEAN phải có phương pháp tiếp cận tổng thể trong xử lý đại dịch đồng thời thúc đẩy sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa các nước thành viên và với các đối tác.

Điều đó bao gồm thúc đẩy hội nhập kinh tế mạnh mẽ hơn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác giữa các cơ quan liên quan. Dưới sự lãnh đạo của Việt Nam năm nay, ASEAN đã cùng tiến bước và tìm ra những phương thức sáng tạo để hướng tới đạt được mục tiêu chung.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao chiếc búa Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2021 cho Đại sứ Brunei tại Việt Nam.

Nhìn về tương lai, theo Đại sứ Brunei, ASEAN tiếp tục có tầm quan trọng trong việc đảm bảo một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng. Do đó, điều quan trọng là tiếp tục hướng tới hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cũng như các mục tiêu khác của ASEAN.

Đồng thời, ASEAN phải tiếp tục tập trung khai thác tình đùm bọc, chia sẻ của các nước trong khu vực nhằm xây dựng một cộng đồng hài hòa và tự cường lấy người dân làm trung tâm. Điều này cùng bao gồm việc cung cấp cho người dân kỹ năng và môi trường thuận lợi để nắm bắt những cơ hội cũng như vượt qua thách thức.

Vì tương lai của ASEAN gắn chặt với khu vực rộng lớn hơn và cộng đồng quốc tế, điều quan trọng đối với ASEAN là tiếp tục tham vấn và xây dựng đồng thuận nhằm duy trì vai trò trung tâm và sự thống nhất của ASEAN, đồng thời xây dựng một cộng đồng khu vực vững mạnh và hợp tác cùng có lợi với các đối tác bên ngoài.

Còn theo Đại sứ Indonesia Ibnu Hadi, thách thức lớn nhất mà ASEAN phải đối mặt sau năm 2020 trở đi là làm thế nào ASEAN có thể phát huy, duy trì vai trò chủ đạo của mình trên trường quốc tế. Hơn nữa, ASEAN có thể đạt được, duy trì tính phù hợp khi cộng đồng có hiểu biết, nhận thức sâu sắc về ASEAN.

Bằng cách xây dựng bản sắc đại diện cho giá trị, truyền thống tương đồng trong khu vực ASEAN, các quốc gia thành viên ASEAN sẽ đạt được mẫu số chung, như một lời tự nhắc nhở về việc chúng ta là ai, chúng ta đến từ đâu, chúng ta sẽ đi đến đâu, với tư cách là một cộng đồng cũng như một tổ chức.

ASEAN cũng cần có đóng góp để giải quyết nhiều vấn đề kinh tế, thương mại, an ninh ở cả cấp độ khu vực và toàn cầu. Ngoài ra, ASEAN cũng phải tiếp tục đổi mới, vượt ra khỏi vùng an toàn của chính mình để đối phó hiệu quả với các thách thức hiện tại.

Đại sứ Myanmar tại Việt Nam Kyaw Soe Win thì cho rằng ASEAN sẽ cần gia tăng nỗ lực để phát triển toàn diện, bền vững; mong muốn Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) 2025 sẽ được triển khai đầy đủ, hiệu quả; đồng thời nhấn mạnh kỳ vọng các nước trong khu vực tiếp tục cam kết tăng cường hợp tác sâu rộng hơn trong các lĩnh vực như kinh tế kỹ thuật số, thương mại điện tử.

Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba bày tỏ, Trung Quốc ủng hộ Việt Nam hoàn thành cương vị Chủ tịch ASEAN và hy vọng hợp tác với Việt Nam để tạo thuận lợi cho các chu kỳ kinh tế, thúc đẩy hợp tác kinh tế, ủng hộ chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do, trao đổi về những hình thức hợp tác mới trong trạng thái “bình thường mới” với quan điểm sớm trở lại công việc và sản xuất bình thường...