Tiêm vaccine Covid-19 tại điểm tiêm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. (Nguồn: SK&ĐS) |
Sáng nay 8/3, tại các điểm tiêm chủng đợt đầu ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Dương, Bộ Y tế đã cử các đoàn công tác trực tiếp giám sát hoạt động tiêm phòng Covid-19 và họp đánh giá, rút kinh nghiệm ngay sau các buổi tiêm. Từ công tác vận chuyển, bảo quản, đến việc khám sàng lọc, tiêm và theo dõi sau tiêm, chống sốc...
Phát biểu chỉ đạo tại điểm tiêm vaccine Covid-19 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã yêu cầu Chương trình Tiêm chủng mở rộng và các đơn vị thực hiện tiêm chủng nghiêm chỉnh chấp hành những quy định của Chính phủ và Bộ Y tế về sử dụng vaccine phòng Covid-19, giám sát chặt chẽ việc bảo quản và vận chuyển vaccine để đảm bảo chất lượng tốt nhất từ khâu tiếp nhận, vận chuyển cho đến tận bàn tiêm; đảm bảo tiêm chủng an toàn, đúng đối tượng; xử lý nhanh chóng và hiệu quả các trường hợp phản ứng sau tiêm (nếu có).
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giám sát để phát hiện những bất cập trong quá trình triển khai tiêm chủng, kịp thời rút kinh nghiệm để hoàn thiện quy trình chuẩn tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.
Bộ Y tế cho biết, vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca sử dụng lần này là vaccine mới, vì vậy ngành y tế các cấp cũng đã chuẩn bị tốt nhất cho tình huống có thể xảy ra.
Tại tất cả các điểm tiêm, công tác chuẩn bị đã được thực hiện chu đáo, hộp chống sốc được trang bị đầy đủ để xử trí tại chỗ kịp thời. Các bệnh viện cũng đã sẵn sàng tổ chức các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ các điểm tiêm.
Do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong quá trình triển khai tiêm chủng lần này, ngoài đảm bảo an toàn tiêm chủng, các địa phương phải tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật phòng lây nhiễm SARS-CoV-2.
Hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn cho người được tiêm vaccine phòng Covid-19 là ưu tiên cao nhất, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát cùng với các địa phương về thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”, đảm bảo sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc và xử trí kịp thời, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc đúng đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo công bằng trong tiếp cận vaccine.
Bên cạnh đó, các tuyến thực hiện giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và rút kinh nghiệm cụ thể, từ đó chia sẻ cho các cán bộ y tế tại các tuyến để triển khai tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao.
Cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vaccine nào khác, vaccine Covid-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn đến nghiêm trọng như sốc phản vệ.
Sau khi tiêm vaccine, người được tiêm chủng cần ở lại cơ sở y tế 30 phút để được nhân viên y tế theo dõi tình trạng sức khỏe; và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe bản thân trong vòng 1-2 ngày tiếp theo. Khi gặp các dấu hiệu bất thường, hãy đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
Những trường hợp nào chống chỉ định tiêm chủng, hoãn tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19?
Theo báo cáo hướng dẫn về an toàn tiêm chủng của TS.BS Vũ Minh Điền - Trung tâm Phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các trường hợp chống chỉ định tiêm chủng gồm:
- Có tiền sử sốc phản vệ hoặc phản ứng nặng sau tiêm chủng vaccine lần trước (có cùng thành phần): Sốt cao trên 39 độ C kèm co giật hoặc dấu hiệu não/màng não, tím tái khó thở.
- Suy giảm miễn dịch (bẩm sinh, nhiễm HIV giai đoạn IV, suy giảm miễn dịch nặng): Chống chỉ định tiêm chủng vaccine sống giảm độc lực.
Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.
Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng
- Có tình trạng suy chức năng cơ quan.
- Mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng.
- Sốt trên 37,5 độ C hoặc hạ thân nhiệt dưới 35,5 độ C (tại nách).
- Người mới dùng các sản phẩm Globumin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B) thì tạm hoãn vaccine sống giảm độc lực.
- Người đang hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid (uống, tiêm) liều cao (prednisolon 2mg/kg/ngày) hóa trị, xạ trị trong vòng 14 ngày thì tạm hoãn vaccine sống giảm độc lực.
- Có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại vaccine.
- Mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi... chưa ổn định.
- Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.