Đến tháng 5/2019, Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên thiết lập thành công cuộc gọi điện thoại hỗ trợ công nghệ 5G. Với kế hoạch đầy tham vọng trong việc triển khai mạng 5G cho các hoạt động thương mại sử dụng công nghệ được phát triển trong nước, đây là một dấu mốc công nghệ đối với Việt Nam.
Đi đúng hướng
Theo nhà sản xuất thiết bị mạng Cisco, đến năm 2025, số lượng thuê bao 5G tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 6,3 triệu. Việc triển khai sớm dịch vụ 5G có thể giúp các nhà mạng di động Việt Nam tăng doanh thu thêm 300 triệu USD/năm, bắt đầu từ năm 2025. Tuy nhiên, trong 5 năm tới, họ cần đầu tư khoảng 1,5 - 2,5 tỷ USD vào công nghệ.
Việt Nam hiện đang đi đúng hướng để đạt được tham vọng 5G, nhưng con đường phía trước có vô số trở ngại về mặt công nghệ, an ninh quốc gia và quản trị.
Quy hoạch tần số chính thức do Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC) công bố ngày 20/8/2020 được coi là bước tiến khổng lồ trong lộ trình phát triển công nghệ 5G của Việt Nam. Bộ cho phép Viettel và MobiFone triển khai thử nghiệm thương mại công nghệ 5G đến giữa năm 2021. Viettel được phép thử nghiệm dịch vụ 5G ở tối đa 140 địa điểm tại Hà Nội. MobiFone sẽ thực hiện thí điểm tại thành phố Hồ Chí Minh ở tối đa 50 trạm thu phát sóng (BTS).
Các kế hoạch thử nghiệm này được sử dụng để đánh giá tiềm năng của thị trường và tính ổn định của thiết bị 5G trước khi thương mại hóa chính thức. Đối tượng tham gia thí điểm là các thuê bao Viettel và MobiFone được chọn lựa và cung cấp mã viễn thông.
Việt Nam dẫn đầu cuộc chơi công nghệ 5G thương mại. Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock) |
Theo đó, Viettel được phép thử nghiệm mạng 5G thương mại tại Hà Nội với quy mô không quá 140 trạm. Tập đoàn này sẽ được quyền sử dụng các băng tần định sẵn, gồm băng tần 2.500 - 2.600 MHz, 3.700 - 3.800 MHz và 27.100 - 27.500 MHz cho thử nghiệm thương mại 5G.
Viettel tuyên bố đã phát triển các trạm phát sóng mạng vô tuyến 5G riêng. Vào tháng 1/2020, Viettel thông báo có kế hoạch triển khai dịch vụ di động 5G thương mại vào tháng 6/2020. Trong quá trình thử nghiệm, Viettel sử dụng thiết bị của Nokia thay vì Huawei của Trung Quốc trong quá trình thử nghiệm.
Trong khi đó, MobiFone được cấp phép thử nghiệm ở băng tần 2.600 MHz ở tối đa 50 trạm tại thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, cả Viettel và MobiFone đều chưa công bố kế hoạch thử nghiệm chi tiết. Giấy phép thử nghiệm của hai tập đoàn này có hiệu lực đến ngày 30/6/2021.
Tiến độ 'không chậm so với thế giới
Trước khi thử nghiệm thương mại, nhiều nhà mạng di động Việt Nam như Viettel, MobiFone, VinaPhone đã hoàn thành thử nghiệm kỹ thuật công nghệ 5G, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước đầu tiên thử nghiệm thành công 5G trên thế giới. Kết quả cho thấy với tốc độ nhanh hơn 10 lần, độ trễ của 5G chỉ bằng 1/5 so với 4G.
Nhìn chung, các mạng di động của Việt Nam đã tiếp cận khoảng 96% dân số, cung cấp dịch vụ cho 51,2 triệu người dùng với vùng phủ sóng 3G và 13 triệu người dùng với 4G. Viettel chiếm 51,5% thị phần băng tần rộng, tiếp theo là VNPT với 28,4%, MobiFone với 12,7% và FPT Telecom với 3,8%.
Tháng 11, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trong phiên trả lời chất vấn tại Quốc hội cho biết tiến độ triển khai 5G của Việt Nam “không chậm” so với nhịp độ thế giới. Việc triển khai 5G tại Việt Nam sẽ tận dụng được khoảng 70% hạ tầng 4G hiện có, bao gồm các trạm thu phát sóng, ăng-ten và các thiết bị truyền dẫn khác, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí. Việc triển khai 5G sẽ thực hiện trước tiên ở các khu vực đô thị lớn, sau đó là các khu công nghiệp, khu nghiên cứu và trường đại học để hỗ trợ đổi mới và tạo ra công nghệ mới.
Một số khó khăn được dự đoán gồm chi phí thiết bị và dịch vụ cao, giới hạn lựa chọn thiết bị đầu cuối hỗ trợ 5G và phạm vi phủ sóng mạng hẹp. Ngoài ra, do đại dịch Covid-19, các kế hoạch thí điểm ở Việt Nam không thể được thực hiện đầy đủ như mong muốn, chưa tính đến vấn đề liên lạc giữa các vùng và vận chuyển các thiết bị cần thiết.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin tưởng rằng các thiết bị 5G do các nhà khai thác viễn thông và di động sử dụng sẽ hoàn toàn do Việt Nam sản xuất, công nghệ cao và có giá rẻ hơn so với các thiết bị nhập khẩu.
Chính phủ cũng đang xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới cho các thiết bị đầu cuối của thông tin di động mặt đất, trong đó yêu cầu tất cả các thiết bị đầu cuối dữ liệu di động (PDT) được sản xuất, mua bán tại Việt Nam sẽ phải hỗ trợ công nghệ 4G và 5G. Bộ trưởng cho rằng điều này cũng có nghĩa là điện thoại chỉ hỗ trợ mạng 2G và 3G có thể sẽ không còn được sản xuất tại Việt Nam hoặc được nhập khẩu khi quy định mới có hiệu lực như một nỗ lực để loại bỏ dần những công nghệ cũ hơn.
Quy chuẩn dự kiến sẽ được ban hành trong tháng 12 này và có hiệu lực từ tháng 7/2021.
Một báo cáo mới đây của GSMA Intelligence cho thấy Việt Nam trở nên nổi bật vì 'tiến bộ kỹ thuật số' ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Chỉ 3 năm nữa, sau nhiều thập kỷ yếu kém về kỹ thuật số, Việt Nam, một nước nông nghiệp truyền thống, đã nhanh chóng chuyển đổi kỹ thuật số nhờ “những bước tiến trong nhận dạng kỹ thuật số, quyền công dân kỹ thuật số và các phong cách sống kỹ thuật số”.
Việt Nam hiện coi chuyển đổi kỹ thuật số là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế. GSMA cho rằng chính phủ Việt Nam đang theo đuổi chiến lược Công nghiệp 4.0, gồm hạ tầng và nguồn nhân lực, cùng với các dịch vụ chính phủ điện tử và các sáng kiến đổi mới như kế hoạch chuyển đổi thương mại điện tử dự kiến sẽ tăng số doanh nghiệp điện tử lên đến 43% trong 5 năm tới.