Về thông tin tàu chiến Anh hoạt động và tàu ngầm Nhật Bản tiến hành diễn tập lần đầu tiên ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định: Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam cũng tôn trọng các quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Quốc tế về Luật Biển của Liên hợp quốc (UNCLOS) năm 1982. Việt Nam đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông.
Liên quan tới tàu Nhật Bản diễn tập ở Biển Đông, phía Nhật Bản đã có phát biểu chính thức về việc này. Với tư cách là quốc gia thành viên công ước UNCLOS 1982 và là quốc gia ven Biển Đông, Việt Nam khẳng định lập trường nhất quán về quyền tự do hàng hải, hàng không được thực hiện phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Việt Nam tiếp tục đề nghị các nước đóng góp tích cực và thiết thực để duy trì hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế và nghĩa vụ pháp lý quốc tế liên quan, thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Về đề nghị của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong việc mở rộng hợp tác quốc tế trên Biển Đông trong Kỳ họp lần thứ 11 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt - Trung, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết:
Kỳ họp lần thứ 11 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc đã được báo chí thông tin đầy đủ. Tại phiên họp, hai bên đã nhất trí tuân thủ nhận thức chung quan trọng đạt được giữa lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Việt Nam hoan nghênh hợp tác giữa các quốc gia, trong đó có các hợp tác về biển. Trên thực tế, Việt Nam đã có hợp tác song phương và đa phương với các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc, với nhiều hình thức khác nhau về y tế, nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường, phòng chống tội phạm trên biển. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là ủng hộ, hợp tác trên biển theo đúng các quy định và chế định của UNCLOS 1982, phù hợp với quyền và lợi ích của Việt Nam, cũng như tôn trọng quyền và lợi ích của các bên liên quan.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu tại họp báo thường kỳ ngày 20/9. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Trước đó, tàu HMS Albion của Hải quân Hoàng gia Anh do Đại tá Tim Neild chỉ huy đã đi qua Biển Đông, trong đó có khu vực quần đảo Hoàng Sa, trước khi cập cảng Sài Gòn, TP. Hồ Chí Minh vào sáng 3/9. Đại tá Neild cho biết, chuyến thăm lần này là một phần trong chiến dịch rộng lớn hơn của Hải quân Anh trong năm 2018 đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, khẳng định cam kết của Anh về xây dựng hòa bình, an ninh và thịnh vượng tại khu vực.
Sau đó một tuần, ngày 13/9, theo thông cáo của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, tàu ngầm Kuroshio cùng tàu Kaga chở trực thăng, tàu khu vực Inazuma, Suzutsuki và 5 máy bay đã tiến vào vùng biển nằm ở ngay phía Tây Nam Bãi cạn Scarborough, tiến hành diễn tập lần đầu tiên trên Biển Đông. Nội dung của cuộc diễn tập là tăng cường các kỹ thuật chiến lược trong chống tàu ngầm.
Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước thượng đỉnh liên Triều, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao hoan nghênh kết quả hội đàm thượng đỉnh liên Triều lần 3 và việc 2 bên ký kết tuyên bố chung, ủng hộ các bên liên quan duy trì đối thoại, tiếp xúc cấp cao, có hành động mang tính thiết thực nhằm thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, thúc đẩy đối thoại, hợp tác, duy trì hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới.