📞

Việt Nam đón gần 21,3 tỷ USD vốn FDI từ khối CPTPP

Thế Hải 15:25 | 09/04/2021
Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các quốc gia thành viên CPTPP trong 2 năm 2019-2020 đạt gần 21,3 tỷ USD, Singapore và Nhật Bản là những quốc gia đầu tư lớn nhất.
CPTPP có hiệu lực từ tháng 1/2019, được dự báo sẽ giúp tăng thu hút FDI vào Việt Nam. (Nguồn: Báo Đầu tư)

Báo cáo 2 năm thực thi Hiệp định Đối tác Toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đánh giá từ góc nhìn doanh nghiệp do VCCI thực hiện đã cho thấy bức tranh cụ thể về thu hút FDI từ các quốc gia thành viên CPTPP.

CPTPP có hiệu lực từ tháng 1/2019, được dự báo sẽ giúp tăng thu hút FDI vào Việt Nam nhờ các yếu tố: Cam kết mở cửa đầu tư về dịch vụ, sản xuất cao hơn WTO; các cam kết về thể chế, quy tắc tiêu chuẩn cao, tăng mức độ bảo hội cho nhà đầu tư nước ngoài nói chung và CPTPP nói riêng, đặc biệt là cơ chế giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và hà đầu tư nước noài (ISDS) và động lực từ cơ hội xuất nhập khẩu, sản xuất kinh doanh, kết nối thương mại.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2019, năm đầu tiên thực thi CPTPP, Việt Nam thu hút gần 9,5 tỷ USD vốn FDI từ các nước CPTPP, giảm gần 36% so với 2018, trong đó vốn đăng ký cấp mới 4,05 tỷ USD, giảm 51,3%, vốn đăng ký tăng thêm 1,6 tỷ USD, giảm 50,6%, giá trị góp vốn mua cổ phần 4,4 tỷ USD, tăng 36,5%.

Đáng chú ý là trong khi tổng vốn đăng ký giảm thì số dự án cấp mới lại tăng hơn 13% so với 2018. Quy mô trung bình các dự án FDI mới từ khối CPTPP giảm mạnh so với trước đó, từ gần 11 triệu USD/dự án 2018 giảm xuống còn 4,7 triệu USD/dự án năm 2019.

Xét theo từng đối tác, FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam có mức giảm sâu nhất về giá trị, từ gần 9 tỷ USD năm 2018 giảm còn hơn 4 tỷ USD (giảm 52%), tốc độ vốn FDI cũng giảm mạnh từ các nguồn truyền thống như Australia giảm gần 63%, Malaysia giảm 50%...

Mặc dù vốn đầu tư từ các nguồn truyền thống như Nhật Bản, Australia, Malaysia, Singapore) đều giảm mạnh trong năm 2019, nhưng vốn từ các đối tác mới trong khối này vào Việt Nam gồm: Canada, Mexico hoặc các đối tác truyền thống nhỏ (Brunei, New Zealand) lại được cải thiện tích cực, điều này cho thấy CPTPP đang tạo ra những tác động tích cực đối với các đối tác mới.

Lý giải nguyên nhân kết quả thu hút FDI từ hiệu ứng CPTPP không mấy khả quan của năm 2019, Báo cáo phân tích: Năm 2018, vốn FDI từ Nhật Bản vào Việt Nam đã tăng đột biến nhờ một dự án lớn từ đối tác này (Dự án thành phố thông minh tại Đông Anh, Hà Nội của Sumitomo Coporation với tổng vốn 4,136 tỷ USD).

Chỉ một dự án này đã chiếm gần 30% tổng vốn đầu tư từ các nước đối tác CPTPP. Trong khi 2019 không có dự án nào lớn như vậy, sự sụt giảm ở mức 35,9% trong bối cảnh sụt giảm chung trong thu hút FDI của Việt Nam cũng là điều có thể dự đoán trước.

"So với bức tranh ảm đạm của 2019, kết quả thu hút FDI từ khối CPTPP trong năm 2020 đã khả quan hơn, đạt 11,8 tỷ USD, tăng 24,4%. CPTPP và các FTA đang tạo ra sức hấp dẫn riêng của Việt Nam trong thu hút nguồn vốn FDI chuyển dịch từ Trung Quốc dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19", Báo cáo nhận định.

Như vậy, sau 2 năm thực thi FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao, lượng vốn FDI từ khối này vào Việt Nam đạt gần 21,3 tỷ USD. Trong đó, vốn từ Singapore đạt gần 13,5 tỷ USD, tiếp đến Nhật Bản 6,5 tỷ USD.

(theo Báo Đầu tư)