Toàn cảnh Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 11. (Nguồn: Bộ Tài chính) |
Ngày 5/4, tại Luang Prabang, Bắc Lào, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 11. Đoàn đại biểu Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Quang Dũng dẫn đầu đã tham dự sự kiện.
Tại hội nghị, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN đã ghi nhận các tiến bộ đáng kể trong việc triển khai hiệu quả các sáng kiến hợp tác tài chính ngân hàng trên tất cả các lĩnh vực: hội nhập tài chính, tự do hóa dịch vụ tài chính và tài khoản vốn, kết nối thanh toán xuyên biên giới, tài chính bền vững và tài chính toàn diện, qua đó góp phần hoàn thành các mục tiêu của Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025.
Tin liên quan |
ASEAN - Những ngày không quên! |
Các bộ trưởng và thống đốc nhận định, trong thời gian tới, khu vực ASEAN vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là do tác động tiêu cực từ căng thẳng địa chính trị, biến động giá cả hàng hóa toàn cầu và tăng trưởng kinh tế yếu hơn ở Trung Quốc.
Những vấn đề khác bao gồm biến đổi khí hậu, tốc độ số hóa nhanh và dân số già sẽ tiếp tục định hình sự phát triển kinh tế của khu vực ASEAN.
Các bộ trưởng và thống đốc nhất trí cần tiếp tục duy trì ổn định nợ công, củng cố tài khóa, áp dụng các chính sách vĩ mô thận trọng, duy trì không gian chính sách tài khóa và tiền tệ, đồng thời tiếp tục theo đuổi các mục tiêu cải cách cơ cấu và tăng trưởng bền vững.
Hội nghị cam kết hợp tác chặt chẽ giữa các nước thành viên ASEAN để hiện thực hóa các mục tiêu trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng của khu vực ASEAN thông qua các sáng kiến và kênh hợp tác sẵn có hiệu quả của khu vực.
Trong các phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc và Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng đều bày tỏ ủng hộ các ưu tiên của nước chủ nhà Lào trong năm Chủ tịch ASEAN 2024 với chủ đề Tăng cường kết nối và Tự cường.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc ghi nhận và đánh giá cao các kết quả hợp tác tài chính ASEAN, nhận định các sáng kiến hợp tác tài chính và kết quả đạt được có tính tương đồng cao với hai chủ đề lớn trong năm Lào đóng vai trò Chủ tịch ASEAN, đó là “kết nối” và “bền vững”.
Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào các hoạt động kết nối ASEAN thông qua các lĩnh vực hợp tác hải quan và thuế, đặc biệt là việc Bộ Tài chính (phối hợp cùng Tổng cục Hải quan Việt Nam) sẽ chủ trì Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 vào tháng 6/2024 tại Phú Quốc.
Bộ trưởng cũng hoan nghênh những nỗ lực và kết quả đạt được từ các hoạt động hợp tác bảo hiểm ASEAN trong năm qua, bao gồm Hội nghị các nhà quản lý bảo hiểm ASEAN lần thứ 26 vào tháng 12/2023 tại Hạ Long, Việt Nam; khẳng định hợp tác bảo hiểm ASEAN đi đúng hướng với các hoạt động chia sẻ kiến thức, đối thoại, đảm bảo thị trường kinh doanh bảo hiểm lành mạnh, đảm bảo vai trò “bà đỡ” của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào chủ đề “bền vững” của hợp tác ASEAN 2024.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị ASEAN cần định hướng các nhóm công tác và diễn đàn hợp tác liên quan về dịch vụ tài chính gắn kết giữa các vấn đề đàm phán, thực thi cam kết với năng lực thực thi, yêu cầu quản lý đảm bảo ổn định an toàn của thị trường tài chính, đồng thời tăng cường hợp tác tài chính xanh, tài chính chuyển đổi, không chỉ trong nội khối ASEAN mà cần có sự tham gia của các đối tác bên ngoài, đặc biệt là các đối tác có năng lực về tài chính, để chia sẻ tiêu chuẩn về công cụ tài chính phù hợp với nhu cầu đối tác, đồng thời hướng tới các cam kết cụ thể về tài chính xanh với điều kiện ưu đãi giành cho khu vực.
Các Bộ trưởng tài chính và thống đốc dự Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN (AFMGM) lần thứ 11. (Nguồn: Bộ Tài chính) |
Chia sẻ về các kết quả tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định, kinh tế Việt Nam đạt được các kết quả phục hồi tăng trưởng tích cực nhờ vào các yếu tố nền tảng, như củng cố cầu nội địa thông qua các biện pháp chính sách tài khóa, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì môi trường thương mại, đầu tư quốc tế mở.
Bộ trưởng đề nghị các nước cần kiên định với các định hướng chính sách vĩ mô với các ưu tiên bao gồm tiếp tục áp dụng dư địa tài khóa phù hợp để duy trì nhu cầu nội địa ở mức hợp lý, làm nền tảng cho phục hồi kinh tế, tiếp tục củng cố nền tảng tài chính thông qua các ưu tiên chính sách dài hạn đồng thời tiếp tục duy trì môi trường thương mại và đầu tư mở, hệ thống thị trường tài chính công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả để tạo điều kiện cho các nguồn lực được phân bổ hiệu quả hơn.
Kết thúc hội nghị, các bộ trưởng và thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN đã ra Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN và Thống đốc Ngân hàng Trung ương lần thứ 11; Nhất trí Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN lần thứ 12 và các hội nghị hợp tác tài chính liên quan sẽ được tổ chức tại Kuala Lumpur, Malaysia, vào năm 2025.
| Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm các ‘địa chỉ đỏ’ thể hiện tình hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Trung Quốc, ngày 3/4, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã thăm “cây Hữu nghị” do Tổng ... |
| Những mặt hàng đặc biệt được hưởng ưu đãi thuế quan AKFTA 100 mặt hàng đặc biệt được hưởng ưu đãi thuế quan Hiệp định khung về Hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Hàn Quốc ... |
| Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đồng chủ trì Đối thoại ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 28 Các nước ASEAN hoan nghênh Hàn Quốc đề xuất thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với ASEAN và đang tích cực ... |
| Malaysia và năm Chủ tịch ASEAN 2025: Thương mại quốc tế là phương thuốc chữa bách bệnh? Malaysia sẽ phải khẳng định với các chính phủ thành viên của ASEAN rằng Hiệp hội là một cơ chế cần thiết để khu vực ... |