📞

Việt Nam: Du lịch thay đổi cuộc đời cho nhiều phụ nữ

21:47 | 23/08/2014
Đó là tiêu đề bài viết đăng trên The Diplomat cuối tuần trước. Theo báo này, sự phát triển của ngành du lịch tại thành phố Sa Pa, tỉnh Lào Cai, đã mang lại sự gia tăng thu nhập cho nhiều phụ nữ, tạo cho họ có tiếng nói lớn hơn trong gia đình, xã hội. Xin giới thiệu bài viết này:
Ảnh minh họa.

Thành phố biên giới Sa Pa của Việt Nam nằm ở độ cao 1.600 mét trên mực nước biển dưới bóng Fansipan hùng vĩ, ngọn núi cao nhất Đông Dương. Được bao quanh bởi một khung cảnh tuyệt đẹp của những thửa ruộng bậc thang xếp chồng lên nhau, thành phố này chỉ nối với thế giới bên ngoài bởi những con đường dốc với những khúc quanh hẹp đầy nguy hiểm.

Tuy nhiên, mỗi buổi sớm, khi sương mù tan, Sa Pa dần hiện ra với những đường phố đầy các khách sạn hào nhoáng, nhà hàng phương Tây, các cửa hiệu quần áo, và máy rút tiền tự động (ATM). Trong các tòa nhà cũ, du khách tụ tập đợi đến giờ Happy Hour (Giờ đồ uống giảm giá). Chào mừng bạn đến Sa Pa - trung tâm du lịch.

Tại trung tâm thành phố có rất nhiều người trong các trang phục sặc sỡ đầy sức sống. Họ đến từ 6 dân tộc chính của vùng, tụ tập thành từng nhóm để bán đồ lưu niệm, tổ chức các tour vào bản, và mời chào dịch vụ homestay (ở trọ cùng với chủ nhà)... Điều đáng ngạc nhiên nhất là hiếm khi nhìn thấy một người đàn ông nào trong các nhóm.

Bam Dzam, 29 tuổi, là người dân tộc Hmong Đen - gọi như vậy vì trang phục thêu màu đen truyền thống nhuộm bằng chàm của họ. Trong 8 năm qua, cô đã làm hướng dẫn viên du lịch tại Sapa, một nghề rất khác với những gì cô có thể tưởng tượng ra hồi còn bé.

‘Cha mẹ bảo tôi bỏ học hồi 15 tuổi để lấy chồng. Tôi đã sống cùng chồng và có ba con gái. Tôi đã làm ruộng và nuôi con. Cách đây 10 năm, khi vùng này có nhiều khách du lịch, tôi bán đồ thủ công mỹ nghệ rồi sau đó mới quyết định trở thành một hướng dẫn viên du lịch (tour guide).

Mặc dù phụ nữ Hmong hiện chiếm khoảng 80% số hướng dẫn viên du lịch ở Sa Pa, vào thời điểm Bam chọn nghề này, cô không được những người đàn ông trong cộng đồng ủng hộ. ‘Họ bảo với chồng tôi là đừng cho tôi đi làm kẻo tôi sẽ chạy theo một người đàn ông nước ngoài có nhiều tiền và sẽ trốn đi với anh ta’.

Một đánh giá về giới năm 2011 của Ngân hàng Thế giới cho thấy ở Việt Nam, "phụ nữ kiếm được ít tiền hơn so với nam giới khi nắm giữ các vị trí giống nhau và vẫn làm gần hết các việc nhà mà không được trả lương." Trong khi đó, văn hóa trọng nam khinh nữ đã dẫn đến sự gia tăng các vụ phá thai, tạo ra một tỷ lệ giới tính quốc gia đáng lo ngại: 100 bé gái/112 bé trai.

Những vấn đề này hiển hiện rõ hơn ở các vùng miền núi, nơi tỷ lệ hộ nghèo cao gấp ba lần mức trung bình của quốc gia và phụ nữ phải vật lộn để tìm kiếm các cơ hội được chăm sóc sức khỏe, giáo dục và kiếm tiền.

Tuy nhiên, ở Sa Pa, mọi thứ đang thay đổi. Theo Tiến sĩ Trần Hữu Sơn, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Lào Cai: ‘Du lịch ở đây rất tốt. Ngành này đang tạo ra nhiều công ăn việc làm và cơ hội cho phụ nữ’.

Bam chắc chắn rất say mê công việc của mình. Cô háo hức trò chuyện về cuộc sống mình - các cuộc trò chuyện với vốn tiếng Anh gần như hoàn hảo và thể hiện kiến thức khá tổng quát, được điểm bằng những tiếng cười giòn tan, dễ lan tỏa. "Anh chị đến từ miền Bắc nước Anh, vậy là gần Scotland phải không?" - cô nói với một cặp đôi người Teesside trong khi giúp họ leo lên một ruộng bậc thang hẹp.

"Tôi luôn luôn thích nói chuyện với người nước ngoài", sau đó cô giải thích. "Tôi không bao giờ học tiếng Anh ở trường, nhưng tôi biết điều đó là quan trọng. Khi mới bắt đầu công việc của mình, tôi chỉ nói được khoảng 50 từ và tôi không thể giải thích bất cứ điều gì, vì vậy tôi đã phải học thông qua đối thoại ".

Kỹ năng ngôn ngữ, cộng với khả năng tiếp thu và mối quan hệ với các đại lý du lịch địa phương đã giúp Bam có rất nhiều khách hàng và thu nhập hàng tháng của cô vào khoảng $250 – dù còn thấp so với mức trung bình quốc gia nhưng đã vượt xa bất cứ thu nhập nào cô từng có. Những khoản thu nhập này giúp cô xây được một căn nhà nhỏ xinh cho gia đình và còn mua cả xe máy cho chồng.

“Thực tế là hiện nay nhiều phụ nữ Sa Pa có thu nhập cao hơn đàn ông và điều này cho phép họ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các quyết định của địa phương", ông Sơn nói

Bản thân Bam thừa nhận: "Những người đàn ông trong làng giờ tôn trọng tôi hơn. Thực tế là vợ của nhiều người trong số họ cũng làm công việc giống tôi”.

Nhằm thích ứng với lực lượng lao động nữ ngày càng tăng trong ngành du lịch, chính quyền địa phương đã nỗ lực tăng cường kỹ năng cho phụ nữ để họ phát triển. Sở của ông Sơn hiện đang cung cấp các khóa đào tạo về du lịch; phạt tiền các gia đình bắt con bỏ học; và đưa ra hình thức thưởng tiền để khuyến khích việc theo đuổi sự nghiệp học hành.

Chính sách này khiến tương lai của các cô con gái của Bam sáng sủa hơn. “Tôi rất vui khi có đủ khả năng trả học phí cho các cô con gái và tôi sẽ bảo đảm là chúng học hết trung học. Tôi cũng mong một trong số chúng sẽ vào được đại học”.

Chồng Bam cũng đồng ý như vậy. Và điều này cho thấy sự thay đổi trong các gia đình Hmong. Hai vợ chồng Bam đã quyết định không cố đẻ con trai và không ép các cô con gái vào những cuộc hôn nhân sắp xếp.

Trong khi đó, sự phát triển ở thành phố Sa Pa vẫn tiếp tục diễn ra với một tốc độ nhanh chóng. Với một con đường cao tốc mới được quy hoạch và hệ thống cáp treo lên đỉnh núi Fansipan đang được xây dựng, dự kiến số du khách sẽ tăng nhiều hơn. Và những người phụ nữ độc lập của Sa Pa đã sẵn sàng đón tiếp họ.

N.K (giới thiệu)