📞

Việt Nam đứng ngoài "top 50" nền kinh tế sáng tạo hàng đầu thế giới

08:57 | 01/02/2017
Khu vực Đông Nam Á trong năm 2016 có 3 đại diện góp mặt trong top 50, gồm Singapore (đứng thứ 6), Malaysia (thứ 25) và Thái Lan (thứ 47). Việt Nam không được xếp vào top 50 nền kinh tế sáng tạo toàn cầu.

Cụ thể, trong công bố của hãng Bloomberg về bảng xếp hạng 50 nền kinh tế sáng tạo trên toàn cầu, Hàn Quốc là nước đứng số 1, các quốc gia là Đức, Thụy Điển, Nhật Bản và Thụy Sỹ nằm trong top 5 nền kinh tế sáng tạo hàng đầu thế giới.

Trong nhóm 50 nền kinh tế sáng tạo hàng đầu thế giới, có mặt của các nước được coi là "quê hương" của những phát minh, sáng chế như: Mỹ, Israel, Nhật, Thụy Điển, Australia, Ấn Độ ... Đông Nam Á năm 2016 có 3 đại diện góp mặt trong top 50, gồm Singapore (đứng thứ 6), Malaysia (thứ 25) và Thái Lan (xếp thứ 47). Việt Nam không được xếp vào top 50 nền kinh tế sáng tạo toàn cầu.

Các chỉ số đánh giá 50 nền kinh tế sáng tạo toàn cầu của Bloomberg.

Các chỉ số đánh giá nền kinh tế sáng tạo bao gồm: nghiên cứu và phát triển, giá trị sản xuất gia tăng, sản phẩm sáng tạo; năng suất lao động, mật độ ứng dụng công nghệ, hiệu quả giáo dục, đào tạo, số lượng các bằng sáng chế...

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, kết quả công bố năm 2016 cho thấy Việt Nam chưa cải thiện và có hiệu quả trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng, sang chiều sâu. Điều này cũng thể hiện việc Việt Nam chưa thay đổi căn bản mô hình tăng trưởng cũ khi nền kinh tế vẫn dựa vào khai thác tài nguyên, sử dụng lao động giá rẻ. Các yếu tố như: khoa học, công nghệ, năng suất vẫn chậm cải thiện, thậm chí thụt lùi đi so với gia tốc phát triển của các nước trên thế giới và khu vực.

Về Báo cáo chỉ số cảm nhận tham nhũng 2016 được công bố bởi Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) mới đây cho biết: lần đầu tiên sau 4 năm, chỉ số này tại Việt Nam tăng nhẹ về điểm số. Cụ thể, Việt Nam được 33/100 điểm, đứng thứ 113/176 quốc gia và vùng lãnh thổ được các doanh nhân và chuyên gia về tham nhũng khu vực công đánh giá. Như vậy, lần đầu tiên sau 4 năm, điểm số của Việt Nam tăng nhẹ (tăng 2 điểm so với mức điểm 31/100 trong suốt các năm từ 2012 đến 2015).

Theo đánh giá của TI, mặc dù điểm số tăng nhẹ, nhưng xét trên thang điểm từ 0 -100 của CPI (trong đó 0 là tham nhũng cao và 100 là rất trong sạch), điểm số 33/100 của Việt Nam, thấy Việt Nam chưa tạo ra sự thay đổi mang tính đột phá trong cảm nhận về tham nhũng trong khu vực công và tiếp tục nằm trong nhóm các nước mà tham nhũng được cho là nghiêm trọng.

Tổ chức này cũng khuyến cáo, Việt Nam nên tăng cường tính liêm chính trong hệ thống tư pháp và có biện pháp trừng phạt triệt để, có hệ thống các hành vi tham nhũng, không khoan nhượng với tham nhũng.

Đối với khu vực doanh nghiệp, Tổ chức TI kêu gọi xây dựng và đảm bảo việc thực thi các quy định yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội, hướng tới tạo dựng môi trường khuyến khích và bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh liêm chính; Khuyến khích các đối tác kinh doanh cùng tuân thủ các chuẩn mực này để đạt được lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

CPI là chỉ số về tham nhũng được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới và được công bố hằng năm. Đây là một chỉ số tổng hợp - kết hợp kết quả của các cuộc thăm dò ý kiến và đánh giá tham nhũng do các tổ chức có uy tín thu thập.

(theo Dân trí)