📞

Việt Nam được dự báo là quốc gia sản xuất tôm chủ lực của thế giới

Chu An 11:27 | 11/03/2021
TGVN. Các chuyên gia cho rằng, với việc ứng phó hiệu quả với dịch Covid-19, cộng với việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia sản xuất tôm chủ lực của thế giới.
Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia sản xuất tôm chủ lực của thế giới. (Nguồn: Báo Quảng Ninh)

Hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra gay gắt, cùng với dịch bệnh trên tôm đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng tôm cũng như chất lượng tôm xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn cho rằng, với việc ứng phó hiệu quả với đại dịch Covid-19, cộng với việc áp dụng công nghệ vào sản xuất, Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia sản xuất tôm chủ lực của thế giới.

Những dự báo sáng

Theo ông Robins McInstosh, Phó Chủ tịch cấp cao của Charoen Pokphand Foods (thuộc Tập đoàn CP Thái Lan), sản xuất tôm có xu hướng tăng từ 6-7%/năm, bất chấp đại dịch Covid-19 và sự gián đoạn lan rộng trong lĩnh vực dịch vụ thực phẩm trên toàn cầu.

Vì theo ông, về dài hạn, nhu cầu và tiêu thụ tôm vẫn cao. Điều đó sẽ tiếp tục thúc đẩy sản lượng tôm nuôi toàn cầu tăng trưởng từ 5-10% và có thể hướng thẳng tới mức 10% thay vì 5%.

Ông Robins McInstosh cho biết, tại Indonesia có cơ sở tài nguyên lớn và nhiều dư địa để mở rộng. Năm 2021, khi giá tôm ổn định, Indonesia sẽ tăng sản lượng tôm lên 10% hoặc hơn nữa và ước đạt khoảng 330.000 tấn.

Với tôm Ấn Độ, sẽ khôi phục nhẹ vào năm 2021 sau khi giảm 25% trong năm 2020 với sản lượng 570.000 tấn. Còn sản lượng tôm Thái Lan đạt 300.000 tấn, tăng từ 5-10%.

Theo ông Samson Li, Giám đốc điều hành của nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi Grobest, châu Á thực sự đã làm tốt công việc kiểm soát dịch bệnh và các trang trại tôm đã hoạt động trở lại sau một thời gian ngắn đóng cửa các nhà máy và nhà máy chế biến.

Bên cạnh đó, các chuyên gia ngành nuôi tôm đã thực sự đánh giá quá cao mức độ tác động của sự gia tăng tiêu thụ ở châu Á và các quốc gia khác.

Dịch Covid-19 cũng không ảnh hưởng đến tiêu thụ. Vì vậy, về cơ bản giá tôm không giảm và với giá tốt cùng với sự kiểm soát tốt dịch Covid-19 ở các nước sản xuất dẫn đến sự phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm ở một số nước là mạnh mẽ hơn nhiều so với dự đoán.

Đánh giá về ngành tôm Việt Nam, ông Robins McInstosh cho rằng, sản lượng tôm Việt Nam vẫn tăng đều qua các năm từ 5-10%, có năm tăng 12%.

Theo ông, đây là một mức tăng trưởng ổn định, chậm nhưng có phương pháp. Sự tăng trưởng đều này nhờ vào sự thay đổi công nghệ trong nuôi tôm của Việt Nam.

Trong những năm gần đây, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao được người nuôi cả nước áp dụng rộng rãi, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.

PGS. TS Châu Tài Tảo, Giảng viên cao cấp Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ cho biết, hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long phổ biến nhất là nuôi tôm trong ao lót bạt.

Mô hình này có thể quản lý, kiểm soát nhiệt độ, độ pH và các chỉ tiêu môi trường. Vì diện tích ao nuôi nhỏ, chỉ chiếm 20%, phần diện tích còn lại dành cho xử lý nước, chất thải nên chất lượng nước nuôi tôm luôn được kiểm soát tốt.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện cả nước có hơn 200.000 ha nuôi tôm công nghệ cao; trong đó, tập trung nhiều nhất là tại hai tỉnh Bạc Liêu và Sóc Trăng, với tổng diện tích khoảng 186.000 ha. Hai địa phương này được các doanh nghiệp nước ngoài tập trung đầu tư nguồn lực phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

Trước những thành tựu đạt được của ngành tôm Việt Nam, các quốc gia sản xuất tôm láng giềng đã có động thái liên kết với Việt Nam để chung tay sản xuất tôm cung ứng ra thị trường thế giới.

Cụ thể, đầu tháng 2/2021, Chính phủ Indonesia hướng tới việc hợp tác với Việt Nam trong việc phát triển trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, đặc biệt là công nghệ nuôi tôm hùm.

Ông Sakti Wahyu Trenggono, Bộ trưởng Bộ biển và Nghề cá Indonesia cho biết, Indonesia có kế hoạch mời Việt Nam hợp tác trong lĩnh vực thúc đẩy sự phát triển trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản; đặc biệt là sản xuất các sản phẩm thuỷ sản chủ lực để trở thành những quốc gia ASEAN đóng góp vào nguồn cung thực phẩm thế giới.

Nỗ lực để tiếp tục phát triển

Mặc dù, được các chuyên gia ngành tôm thế giới đánh giá cao năng lực sản xuất và chế biến, xuất khẩu, ngành tôm Việt Nam vẫn luôn nỗ lực không ngừng để tiếp tục đi lên, dù vẫn trong tình trạng vừa ứng phó dịch bệnh Covid-19, vừa ứng phó hạn, mặn đang tác động đến con tôm tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Để có được những vụ tôm thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao, hiện các địa phương đang nỗ lực, liên kết với doanh nghiệp để ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm hiệu quả.

Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nuôi tôm là một nghề khó, nhưng trong những niên vụ gần đây, bằng sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự chung tay từ phía các doanh nghiệp và người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đã khắc phục khó khăn, bất lợi, trở ngại để liên tục có được những vụ tôm thành công, tỷ lệ tôm hao hụt ngày càng giảm dần, hộ nuôi có lãi ngày càng cao.

Do đó, về trước mắt cũng như lâu dài, người nuôi phải áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm và từng bước chuyển sang nuôi thâm canh, nuôi ứng dụng công nghệ cao để tăng sản lượng, giảm rủi ro và xây dựng liên kết, tạo chuỗi giá trị hiệu quả và bền vững, tiến tới không còn hộ nuôi nhỏ lẻ, manh mún.

Bên cạnh đó, cần phải thay đổi được tư duy sản xuất của người nuôi tôm, để hướng họ đến những mô hình nuôi hiệu quả hơn, môi trường nuôi được tốt hơn.

Do đó, ngành nông nghiệp phải chủ động phối hợp cùngcác địa phương để xử lý kịp thời, hiệu quả tình huống phát sinh, phải quan tâm đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của nghề nuôi và chế biến tôm.

Mục tiêu thả nuôi trong năm 2021 của tỉnh Sóc Trăng là 51.000 ha, sản lượng ước đạt 172.000 tấn. Để tiếp đà thắng lợi của vụ nuôi tôm năm trước, tỉnh Sóc Trăng đề ra những giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương giúp cho người nuôi, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phát huy được những lợi thế có sẵn, khắc phục những trở ngại, khó khăn, ảnh hưởng của thời tiết và dịch bệnh để hướng đến một vụ tôm nước lợ thành công.

Theo đó, tỉnh Sóc Trăng sẽ quản lý theo khung mùa vụ, triển khai mạnh mẽ các chủ trương, chính sách trong nuôi trồng thủy sản để người dân tiếp cận và áp dụng sản xuất tốt trong nông nghiệp, thủy sản, đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình trình diễn thí điểm để người nuôi có thể áp dụng các mô hình hiệu quả vào sản xuất, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Tại Bạc Liêu, nơi đang phấn đấu trở thành thủ phủ của ngành tôm Việt Nam, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo các ngành có trách nhiệm đầu tư hệ thống điện ba pha phục vụ các vùng nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh; đồng thời, hướng dẫn các hộ nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường trong nước và ngoài nước. Về đầu ra sản phẩm, tỉnh thực hiện chuỗi liên kết an toàn thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản,…

Ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, năm 2020, Bạc Liêu thả nuôi gần 130.000 ha tôm; trong đó, diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thâm canh và bán thâm canh gần 9.000 ha.

Các đơn vị đi đầu nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh là Tập đoàn Việt - Úc, Công ty TNHH một thành viên Long Mạnh, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trúc Anh, Công ty TNHH Huy Long An - Bạc Liêu, Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P - Chi nhánh Bạc Liêu,...

Không chỉ các tập đoàn, công ty, doanh nghiệp trên, mấy năm qua, nhiều hộ nông dân ở vùng ven biển tỉnh Bạc Liêu cũng rất năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, thực hiện các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều chuyên gia, nông dân nhiều tỉnh trong nước và nước ngoài đến tham quan, học tập kinh nghiệm.

(theo TTXVN)