Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hàng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 - 4 tỷ USD. Tôm Việt Nam đã được xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, với 5 thị trường lớn gồm châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc.
Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 2 thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta trong năm 2022 lập kỷ lục khi đạt 4,3 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2021.
Là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước, đóng góp đáng kể cho GDP và xuất khẩu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành tôm đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn: thị trường suy giảm mạnh; giá thành sản xuất tôm cao; cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador...; tình hình dịch bệnh ở tôm diễn biến phức tạp...
Trong bối cảnh như vậy, việc thúc đẩy xây dựng thương hiệu cho tôm Việt và gia tăng sức cạnh tranh của ngành tôm được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.
Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ 2 thế giới với giá trị xuất khẩu chiếm 13 - 14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. (Nguồn: Báo Lao động) |
Chưa nhiều người tiêu dùng biết rõ về tôm Việt Nam
TS. Hồ Quốc Lực - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP), Chủ tịch HĐQT FIMEX Việt Nam đánh giá, Việt Nam có trình độ chế biến tôm cao và ở phân khúc cao, nhất là đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao về tính an toàn, dinh dưỡng, mich bạch nguồn gốc; hệ thống kiểm soát nhập khẩu ngày càng phức tạp, chặt chẽ… Trong khi đó, nuôi tôm vẫn nhỏ lẻ, dẫn đến những khó khăn rất lớn trong việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu/chất lượng sản phẩm để giữ vững các ưu điểm vượt trội trong cam kết với người tiêu dùng.
Tin liên quan |
Festival tôm Cà Mau với lần đầu tiên sẽ diễn ra vào tháng 12/2023 |
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành còn hạn chế về tài chính, nhân lực marketing mức trung bình, chưa thể hiện nổi trội khiến việc xây dựng thương hiệu gặp nhiều khó khăn. “Vấn đề cốt lõi của tất cả doanh nghiệp tôm Việt trong việc xây dựng thương hiệu là phải có đủ tôm sạch”, ông Lực nhấn mạnh.
Còn ông Đào Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng nếu nói con tôm Việt Nam chưa có thương hiệu thì không đúng. Thực sự các doanh nghiệp nhập khẩu và các nhà phân phối đã quá hiểu về tiềm năng và thế mạnh của tôm Việt Nam và đó cũng là thương hiệu. Nhưng chưa nhiều người tiêu dùng hiểu được và biết rõ về tôm Việt Nam.
"Thương hiệu không chỉ đơn giản là nhiều người biết, mà đó là khả năng nhận diện, uy tín, niềm tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm đồng thời đó còn là khả năng tiếp cận và độ tin cậy về nguồn gốc, chất lượng đối với sản phẩm trên thị trường", ông nói.
Nhận diện thách thức
Ông Đào Đức Huấn cho rằng, khó khăn nhất hiện nay đó là xây dựng được hình ảnh “Product of Việt Nam." Chúng ta phải thay từ “Made in Vietnam” thành từ “Product of Vietnam.” Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải hình thành tiêu chuẩn mang thương hiệu tôm Việt Nam. Trong điều kiện hiện nay, chúng ta có tôm chân trắng, tôm sú, tôm biển, vậy cần cân nhắc chọn con tôm nào, lấy tiêu chuẩn chất lượng nào để xây dựng thương hiệu, lấy tiêu chuẩn dinh dưỡng, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm (tôm sạch) hay tiêu chuẩn về thương mại khác...
Cũng giống như các nông sản khác, đây là thách thức lớn nhất để xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam, trong bối cảnh các thị trường như EU, Mỹ, Nhật có quy cách chế biến, sở thích mẫu mã chế biến khác nhau, việc kiểm soát phụ gia cũng khác nhau. Vậy làm thế nào hình thành một tiêu chuẩn chung để sản phẩm có thể đáp ứng được các thị trường.
Thêm nữa là vấn đề kiểm soát sản xuất. Vấn đề giống, dịch bệnh, môi trường vẫn là những thách thức rất lớn trong nuôi tôm. Tôm là loại sản xuất đòi hỏi chi phí lớn, nhưng rủi ro lại cao. Do đó, nếu không có sự ổn định và khả năng kiểm soát về giống, dịch bệnh thì việc áp dụng các điều kiện khác cũng sẽ rất khó khăn.
Giải quyết đồng bộ cả về giống, kỹ thuật và khả năng kiểm soát dịch bệnh là 3 thách thức khi xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam.
Ngoài ra là sự chủ động và quyết tâm của hệ thống doanh nghiệp chế biến và thương mại. Để xây dựng và duy trì sự ổn định thương hiệu tôm Việt Nam thì doanh nghiệp phải giữ vai trò nòng cốt, do đó chữ “đức” và chữ “tín” của doanh nghiệp sẽ đóng vai trò rất quan trọng. Cùng với đó là sự hợp tác, đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp trong việc tạo dựng một công cụ chung, một định hướng chung của toàn ngành.
"Điều này không dễ dàng, bởi thực tế nhiều ngành hàng nông sản của chúng ta cho thấy các doanh nghiệp tập trung cạnh tranh nội bộ nhiều hơn là cạnh tranh với doanh nghiệp các nước khác. Chúng ta có thể làm nhiều cách để có thể bán được hàng, mà những điều đó lại làm giảm uy tín cho cả một ngành hàng và cả một quốc gia", ông Huấn đặt vấn đề.
Giải quyết đồng bộ cả về giống, kỹ thuật và khả năng kiểm soát dịch bệnh là 3 thách thức khi xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam. (Nguồn: VNE) |
Nỗ lực tìm giải pháp
Chia sẻ tại Hội nghị Xuất khẩu tôm được tổ chức mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều thẳng thắn thừa nhận, Bạc Liêu chưa có thương hiệu về tôm nhiều. Tỉnh này xuất khẩu tôm còn thua Sóc Trăng, Cà Mau, khi kim ngạch chưa đạt tới 1 tỷ USD.
Nhấn mạnh giá trị con tôm mang lại ngoại tệ cho Bạc Liêu nhiều hơn lúa gạo, Chủ tịch Bạc Liêu cho rằng thời gian tới cần phải tiếp tục tìm kiếm thị trường, thay đổi tư duy tiếp cận thương hiệu. Ông đề nghị các sở, ngành, doanh nghiệp, người dân chú trọng chất lượng, an toàn thực phẩm vì yêu cầu của thị trường ngày càng cao. "Xây dựng con tôm Bạc Liêu sạch, có vùng nuôi, chỉ dẫn địa lý rõ ràng, đưa ra thị trường thế giới thì con tôm Bạc Liêu mới bay xa, trở thành thủ phủ tôm được", ông Thiều nhấn mạnh.
Ông Đào Đức Huấn khuyến nghị, việc xây dựng thương hiệu cho tôm Việt cần hội tụ đủ nhiều yếu tố. Thứ nhất là khả năng kiểm soát hoạt động sản xuất để đưa ra thị trường sản phẩm đồng đều, có tiêu chuẩn và đặc biệt là kiểm soát được chất lượng. Thời gian vừa qua là giai đoạn chúng ta định hình về khả năng sản xuất, xác định những lợi thế sản phẩm để tiếp cận thị trường một cách tốt nhất.
Tin liên quan |
EU tiếp tục là thị trường hàng đầu của tôm Việt Nam |
Thứ hai là khả năng của các doanh nghiệp: khả năng chế biến, mở rộng thị trường, đặc biệt là hình thành sản phẩm riêng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vấn đề này đòi hỏi các doanh nghiệp hội tụ đủ cả nguồn lực về tài chính, con người, công nghệ và sự quyết tâm để vươn ra thị trường thế giới.
"Thương hiệu tôm chỉ có ý nghĩa khi sản phẩm của chúng ta đến được tay người tiêu dùng với dấu hiệu nhận diện rõ ràng, chất lượng đảm bảo, ổn định và được người tiêu dùng chấp nhận và tin tưởng. Với những lý do đó, ở thời điểm này tuy có hơi trễ nhưng không quá muộn, chúng ta vẫn còn nguyên cơ hội và đây là thời điểm hội tụ đủ điều kiện để tiến hành xây dựng thương hiệu tôm Việt Nam", ông Huấn khẳng định.
Để xây dựng thương hiệu cho tôm Việt, các chuyên gia khuyến nghị, các doanh nghiệp phải xác định tạo dựng uy tín thương hiệu là “sự sống còn”; tạo dựng hình ảnh phải gắn liền với mẫu mã bao bì riêng, thương hiệu riêng.
Đồng thời, phải tận dụng mọi cơ hội, kể cả những khách hàng nhỏ. Khi có sản phẩm chứa đựng trong bao bì riêng, thương hiệu riêng được khách hàng chấp nhận, doanh nghiệp có thể tự tin thành công bước đầu trong việc xây dựng thương hiệu.
Nâng tầm tôm Việt ra thế giớiDiễn ra từ ngày 10 - 13/12/2023, Festival tôm Cà Mau và Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP ĐBSCL năm 2023 có chủ đề “Festival tôm Cà Mau 2023 - Tự hào thương hiệu Việt”. Theo ông Nguyễn Minh Luân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, con tôm gắn liền với mọi mặt đời sống người dân Cà Mau. Tôm không chỉ là thức ăn, là kinh tế mà còn là sản vật tinh thần kết thân của người Cà Mau. Con tôm cũng có trong các câu chuyện dân gian và hiện nay trong giáo dục của tỉnh Cà Mau cũng được đưa vào. Nội dung chính của sự kiện lần này cũng là để xây dựng, phát triển thương hiệu ngành tôm Cà Mau. "Festival tôm không chỉ là sự kiện kinh tế mà còn là sự kiện văn hóa, xã hội mang tính liên kết nhiều lĩnh vực cả trong và ngoài nước. Tỉnh xác định Festival tôm là chủ đạo của hoạt động lần này. Từ quảng bá, giao thương đến truyền thông đều tập trung vào lễ hội tôm. Tôm Cà Mau tự hào thương hiệu Việt và tôm Cà Mau cũng góp phần nâng tầm tôm Việt ra thế giới", ông Luân cho biết. |
| Vietcombank xây dựng Thương hiệu Quốc gia từ phát huy giá trị văn hóa doanh nghiệp Văn hóa doanh nghiệp là linh hồn của thương hiệu, là yếu tố khác biệt, bền vững của doanh nghiệp. Xây dựng một Văn hoá ... |
| Xây dựng nền móng thương hiệu bằng sự tôn trọng khách hàng Việt kiều Nhật Bản Nigita Hạnh có cuộc trao đổi với về vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia, trong đó có lĩnh vực ... |
| Di sản là thành tố cốt lõi tạo nên Thương hiệu du lịch Việt Nam Du lịch di sản văn hóa được xác định là một dòng sản phẩm chủ đạo; di sản văn hóa là thành tố cốt lõi ... |
| Gạo Việt Nam vượt Ấn Độ, Campuchia thắng giải cao nhất ở Cuộc thi gạo ngon nhất thế giới năm 2023 Trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại lúa gạo toàn cầu năm 2023 do The Rice Trader tổ chức tại Philippines, gạo Việt Nam đã ... |
| Có đến 80% nông sản xuất khẩu của Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu Đây là thông tin đáng chú ý được đưa ra tại Hội thảo “Hoàn thiện chính sách pháp luật phát triển thương hiệu nông sản" ... |