Là người trực tiếp làm công tác ngoại giao đa phương, Đại sứ cảm nhận như thế nào về vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn đa phương hiện nay?
Những thành tựu to lớn mà đất nước ta đã đạt được trong phát triển đất nước và trong hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế những năm qua đã nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, trên cả bình diện song phương cũng như đa phương. Có thể nói, Việt Nam được đánh giá cao, được lắng nghe và được tin cậy.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga , Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ |
Xét về tiềm lực kinh tế, Việt Nam thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình thấp, khả năng đóng góp về vật chất khó có thể so sánh được với nhiều nước khác. Tuy nhiên, chúng ta luôn coi trọng các diễn đàn đa phương và trong phạm vi năng lực, điều kiện thực tế của mình, đã đóng góp có hiệu quả vào công việc chung tại các diễn đàn khu vực cũng như toàn cầu.
Nếu như ở các diễn đàn khu vực quan trọng như ASEAN, APEC, Việt Nam ngày càng phát huy vai trò là một trong những thành viên đi đầu, tham gia vào việc định hướng sự phát triển của diễn đàn, tại LHQ, Việt Nam được bạn bè quốc tế đánh giá cao bởi chúng ta luôn nỗ lực tham gia một cách xây dựng, có trách nhiệm vào việc xử lý các vấn đề trên mọi lĩnh vực hoà bình, an ninh, phát triển, quyền con người.
Xuất phát từ ý thức trách nhiệm sâu sắc đối với hoà bình, ổn định, vì mục tiêu xây dựng thế giới công bằng, bình đẳng, chúng ta kiên trì lập trường xây dựng, vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, vừa thúc đẩy các vấn đề thuộc lợi ích chung. Chúng ta đề cao vai trò của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bảo vệ các nguyên tắc cơ bản về tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, giải quyết các xung đột bằng biện pháp hoà bình, phản đối cường quyền, áp đặt trong quan hệ quốc tế, phối hợp chặt chẽ với các nước G77, không liên kết, thúc đẩy lợi ích của các nước đang phát triển.
Chúng ta tích cực tham gia vào quá trình xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và Các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, mạnh dạn đi đầu, thử nghiệm áp dụng những mô hình mới về phát triển như “Thống nhất hành động” (“Delivering as one”) của LHQ và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, đóng góp ý kiến về những biện pháp, bước đi cần thiết để cải tổ hệ thống phát triển để LHQ hoạt động hiệu quả hơn, thực sự đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và kỳ vọng của các nước thành viên. Hiện chúng ta đang cùng LHQ triển khai tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng khu vực A - Âu tại Hà Nội đầu năm 2017 về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quá cảnh và thuận lợi hoá thương mại với mục tiêu hỗ trợ các nước đang phát triển không có biển thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
Vì vậy, cộng đồng quốc tế tin tưởng ở Việt Nam, lắng nghe, tôn trọng các ý kiến, quan điểm của Việt Nam. Việc Việt Nam và các ứng cử viên của Việt Nam được bầu vào các cơ quan quan trọng của LHQ trong thời gian qua càng thể hiện rõ điều này.
Ngoại giao đa phương có vai trò như thế nào đối với công cuộc hội nhập toàn diện của đất nước, thưa Đại sứ?
Ngoại giao đa phương là mặt trận có ý nghĩa rất quan trọng đối với thành công của công cuộc hội nhập toàn diện. Vị thế của Việt Nam được nâng cao tại các diễn đàn đa phương là hết sức có lợi, giúp cho Việt Nam tham gia sâu và ngay từ giai đoạn đầu vào việc xây dựng các luật chơi chung của quốc tế, giúp thúc đẩy lợi ích của ta cũng như lợi ích chung. Vị thế đó còn giúp Việt Nam tăng cường quan hệ song phương với các nước ở các khu vực, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế; có điều kiện thuận lợi hơn để mở rộng hợp tác với nhiều đối tác, đặc biệt là các doanh nghiệp, các trường đại học, các tổ chức xã hội, tranh thủ nguồn lực về vốn, công nghệ và kinh nghiệm phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo Đại sứ, chìa khoá thành công của ngoại giao đa phương là gì?
Diễn đàn đa phương là nơi tập trung nhiều quốc gia, với nhiều khác biệt về lợi ích, quan điểm, trình độ phát triển, văn hoá, tập quán và cách ứng xử. Đây cũng là nơi phải xử lý rất nhiều vấn đề đa dạng, phức tạp nên tập hợp lực lượng rất quan trọng. Quan hệ giữa các quốc gia là do những con người cụ thể thực hiện, nên cũng là quan hệ giữa người với người. Để thành công trong ngoại giao đa phương, đòi hỏi phải có cách tiếp cận chân thành, hiểu và tôn trọng lợi ích của đối tác, tìm được điểm đồng, từ đó tạo dựng quan hệ tin cậy, sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau.
Đoàn học sinh đầu tiên thăm Phái đoàn Ngoại giao Việt Nam tại Liên hợp quốc. |
Một trong những kinh nghiệm tôi rút ra trong thời gian ngắn công tác tại LHQ là rất cần các tiếp xúc trực tiếp, sự kiên trì, bền bỉ, vun đắp từng mối quan hệ. Đơn cử, trong quá trình vận động để ứng cử viên Việt Nam được bầu vào Uỷ ban Luật pháp quốc tế (LHQ), có thời điểm chỉ trong 5 ngày, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao và tôi đã có hơn 40 cuộc tiếp xúc với các Đại sứ và đại diện các phái đoàn tại LHQ. Cuối cùng, nỗ lực này đã mang lại hiệu quả.
Trong ngoại giao đa phương, sức mạnh mềm, ngoại giao công chúng có vai trò như thế nào và được vận dụng ra sao tại LHQ, thưa Đại sứ?
Sức mạnh mềm, ngoại giao công chúng là một bộ phận cấu thành, một trong những công cụ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của ngoại giao đa phương. LHQ là ví dụ điển hình của sự thể hiện sức mạnh mềm và hoạt động ngoại giao công chúng của các nước thành viên.
Có thể nói không có một ngày nào tại LHQ không có các hoạt động văn hoá, nghệ thuật hay tiếp tân. Vào những thời điểm sôi động, có những ngày có tới cả chục hoạt động. Bên cạnh các cuộc hội thảo, toạ đàm, họp báo, trả lời phỏng vấn báo chí, phát biểu tại các trường đại học, viện nghiên cứu... nhiều phái đoàn các nước đặc biệt tích cực tổ chức các cuộc triển lãm ảnh, chiếu phim, tuần lễ/ngày ẩm thực, ngày văn hoá, biểu diễn nghệ thuật ... để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, truyền thống, nét đẹp văn hoá của đất nước mình.
Tuỳ theo khả năng của mình, các nước có nhiều cách làm rất sáng tạo với hình thức rất sinh động, tạo được ấn tượng rất mạnh mẽ như Lễ hội Ánh sáng (Diwali) của đạo Hindu, Ngày Nhà vệ sinh thế giới (World Toilet Day) theo sáng kiến của Singapore, nghệ thuật dệt truyền thống của Palestine, “Ngày cá ngừ thế giới” của các nước đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, hay sự kiện Phái đoàn Việt Nam tại LHQ phối hợp tổ chức chiếu bộ phim của đạo diễn trẻ người Mỹ Courtney Marsh “Chau, beyond the line” (tháng 6/2016) kể về chàng trai Lê Minh Châu là nạn nhân chất độc da cam đã nỗ lực phấn đấu vượt qua hoàn cảnh vô cùng khó khăn để trở thành một hoạ sỹ vẽ tranh bằng miệng...
Hầu như tất cả những người đã từng có thời gian công tác tại LHQ đều có chung suy nghĩ mình là người rất may mắn vì được ở trong một “trường học” rất lớn, được tiếp xúc với rất nhiều giá trị văn hoá truyền thống tiêu biểu của nhân loại và mỗi ngày lại được học nhiều điều mới.
Một điểm nổi bật là các phương tiện truyền thông hiện đại và các mạng xã hội được LHQ cũng như phái đoàn các nước tận dụng khai thác triệt để trong triển khai ngoại giao công chúng. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn các nước như Hà Lan, Mỹ, Hungary, Slovakia... và nhiều phái đoàn khác rất tích cực sử dụng Twitter, nhanh chóng truyền tải thông tin về đất nước mình và của LHQ, có hiệu ứng nhanh chóng và tác động lớn tới việc hình thành dư luận.
Xin cảm ơn Đại sứ!