Thủ tướng Phạm Minh Chính hội kiến Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. |
Ba ngày với khoảng 60 hoạt động gần như không ngơi nghỉ, trải rộng trên các lĩnh vực ở Seoul - “trái tim” của “kỳ tích sông Hàn”, chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (từ ngày 30/6-3/7) cho thấy quyết tâm của lãnh đạo cấp cao hai nước trong việc kiến tạo những “kỳ tích” mới trong quan hệ Việt-Hàn, mối quan hệ đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất lịch sử, vốn không thể hình dung cách đây ba thập kỷ.
“Nâng cao chất và lượng của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước” là cụm từ được nhấn mạnh trong những đoạn đầu của thông cáo báo chí chung, đồng thời là tinh thần xuyên suốt chuyến thăm của Thủ tướng. Do đó, mục tiêu là gì, giải pháp ra sao và lộ trình thế nào là câu chuyện của hầu hết các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc. Rõ ràng, chuyến thăm đã góp phần đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới với sự tin cậy chính trị cao hơn, hợp tác thực chất, toàn diện hơn.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hội kiến Tổng thống Yoon Suk Yeol, hội đàm với Thủ tướng Han Duck Soo, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Woo Won-sik, dự và phát biểu tại ba Diễn đàn (Diễn đàn doanh nghiệp, Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa và Diễn đàn lao động Việt Nam-Hàn Quốc) và hai Tọa đàm (Tọa đàm với lãnh đạo các tổ chức kinh tế Hàn Quốc và Tọa đàm với các chuyên gia, nhà khoa học Hàn Quốc trong lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo), tiếp đại diện lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam…
Lòng tin chính trị vững vàng
Những cái bắt tay thật chặt, những cuộc tiếp xúc cấp cao sôi nổi gợi nhớ lại câu nói Tổng thống Yoon Suk Yeol từng nhấn mạnh trong chuyến thăm Việt Nam tròn một năm trước: “Quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam là mẫu mực trên thế giới. Hy vọng quan hệ hợp tác, bạn bè giữa hai nước sẽ dài lâu như sông Mekong không ngừng chảy”. Tin cậy chính trị vững vàng, luôn nhìn thấy nhau trong mỗi bước đường của tương lai có lẽ là nền tảng quan trọng để mạch nguồn Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Hàn chảy mãi.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vàThủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo. |
Trong các cuộc trao đổi cấp cao, hai bên nhấn mạnh Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành những đối tác quan trọng hàng đầu của nhau. Cụ thể, Việt Nam coi trọng quan hệ với Hàn Quốc, ủng hộ chính sách và mục tiêu phát triển của Hàn Quốc và đặc biệt là chân thành mong muốn đưa hợp tác hai nước tiếp tục phát triển thực chất, hiệu quả và lâu dài. Với Hàn Quốc, Việt Nam là đối tác trọng tâm trong triển khai các chính sách đối ngoại tại khu vực, trong đó có Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và Sáng kiến đoàn kết ASEAN-Hàn Quốc (KASI).
Nhìn lại để bước tiếp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tám điểm tiến triển hơn sau khi hai nước nâng cấp quan hệ (tháng 11/2022), bao gồm tin cậy chính trị, thương mại, đầu tư, du lịch, giao lưu nhân dân, hợp tác khoa học - công nghệ, lao động, hợp tác địa phương, hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế; đề nghị Thủ tướng Han Duck Soo quan tâm chỉ đạo triển khai các ưu tiên hợp tác thời gian tới. Rõ ràng, chuyến thăm lần này rất đúng thời điểm khi Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Hàn sau gần hai năm triển khai rất cần một xung lực để bứt phá.
“Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng, chương trình phong phú, nội dung sâu rộng, kết quả thực chất; thành công tốt đẹp, đạt các mục tiêu đề ra, là bước triển khai thiết thực đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc. Đây là dấu ấn quan trọng, thể hiện mối quan hệ phát triển tốt đẹp ở mức độ cao giữa hai nước”. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn |
Một điều có thể thấy rất rõ là Hàn Quốc rất coi trọng ASEAN trong chiến lược phát triển của mình và Việt Nam, với vai trò điều phối quan hệ ASEAN-Hàn Quốc thời gian qua, đã là nhịp cầu nối cho hợp tác quan trọng đó. Bên cạnh ASEAN, hai nước còn nhất trí hợp tác chặt chẽ tại các cơ chế quốc tế như Liên hợp quốc; chia sẻ tầm nhìn chung về bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh ủng hộ giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam hoan nghênh và ủng hộ nỗ lực của Chính phủ Hàn Quốc nhằm phi hạt nhân hóa và hòa bình thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó có “Sáng kiến táo bạo”.
Trên cơ sở những nền tảng hợp tác vững chắc đó, như Thứ trưởng Thường trực Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ trả lời phỏng vấn báo chí Hàn Quốc về chuyến thăm, quan hệ hai nước trong 20 hay 30 năm tới chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn, tương xứng với khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện hiện nay.
Thủ tướng ăn trưa làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học bán dẫn, trí tuệ nhân tạo của Hàn Quốc. |
Quyết tâm “hơn” sẵn sàng
Một điều có phần khác biệt so với nhiều chuyến thăm cấp cao khác là ngay sau vừa đến Seoul, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có một loạt chương trình tọa đàm, gặp gỡ, ăn trưa làm việc, đối thoại với doanh nghiệp, sau đó mới bắt đầu các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao.
Vậy thông điệp là gì? Chia sẻ với TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ đánh giá rằng đây có lẽ là một nét mới trong triển khai chính sách đối ngoại của Việt Nam. Trong đó việc tập hợp, phân loại, định ra đường hướng chính sách xuất phát từ thực tiễn, ý kiến của người dân, doanh nghiệp, từ đó có được “chất liệu” cho các cuộc tiếp xúc thực chất hơn, sâu rộng hơn, hiệu quả hơn, vừa khuyến khích được quan hệ giữa nước, vừa phản ánh và truyền đạt ý kiến của doanh nghiệp và người dân tới các cơ quan liên quan, trực tiếp hỗ trợ, tạo thêm cơ hội để họ làm ăn, sinh sống tại Việt Nam.
Hẳn rằng những cái tên như Samsung, Lotte, CJ, Posco, LG, Daewoo E&C, GS Engineering & Construction Corp, Celltrion… không còn xa lại với nhiều người dân Việt Nam, lãnh đạo những tập đoàn có tiếng này cũng không xa lạ với một Thủ tướng Việt Nam đầy tâm huyết. Thông qua gặp gỡ trực tiếp, lãnh đạo các tập đoàn thẳng thắn, chân thành đưa ra những sáng kiến, đề xuất mới và Thủ tướng cũng lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của họ với tinh thần làm tốt hơn, mới hơn, hiệu quả hơn nữa hợp tác kinh tế Việt - Hàn, vốn đã là trụ cột và tiếp tục là trụ cột quan trọng của quan hệ song phương.
Tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”, “cùng thắng” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhắc tới được Chủ tịch tập đoàn Samsung Lee Jae Yong hay Chủ tịch tập đoàn Lotte Shin Dong-bin tiếp tục nhấn mạnh, trở thành kim chỉ nam trong hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
Chính từng “mắt xích” vững vàng, sẵn sàng tiến về phía trước đã góp phần phác họa lên gam màu tươi sáng của triển vọng hợp tác kinh tế giữa hai nước với mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2025 dịp kỷ niệm 10 năm ký Hiệp định thương mại tự do Việt-Hàn (VKFTA) và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững.
Không chỉ dừng lại ở đó, quả bưởi của Việt Nam và quả dưa tây của Hàn Quốc sẽ vào thị trường của nhau trong năm 2024. Những “chân trời” mới trong các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp tương lai như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chất bán dẫn, năng lượng thân thiện với môi trường, công nghệ sinh học, mạng 5G, đô thị thông minh; nhất trí mở rộng giao lưu trong lĩnh vực doanh nghiệp vừa và nhỏ và khởi nghiệp; triển khai các dự án đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, chuyển đổi số như trí tuệ nhân tạo (AI)… cũng đang mở ra đầy hứa hẹn.
Thủ tướng Chinh phủ Phạm Minh Chính đã thăm gia đình anh Jang Yeong Gak và chị Vũ Thái Linh - gia đình đa văn hóa Việt -Hàn ở thành phố Osan, tỉnh Gyeonggi. |
“Lòng người” rộn ràng
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhiều lần nhắc đến mối lương duyên giữa hai nước, vốn đã có từ thế kỷ XII và chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay. Thủ tướng cũng cảm nhận rất rõ tình cảm cũng như sự ủng hộ của người dân hai nước đối với đường hướng phát triển quan hệ mà lãnh đạo hai nước đã nhất trí.
Tại cuộc gặp xúc động với những người bạn Hàn Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính được nghe Hiệu trưởng đối ngoại trường Đại học Nguyễn Trãi Ahn Kyong-Hwan nảy thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghe những câu chuyện về sợi dây kết nối con người hai nước qua bóng đá, thơ ca, sách, truyện… để thấy tình cảm giữa người dân hai nước rất cụ thể, sinh động và sâu sắc. Thêm nữa, cộng đồng người Việt Nam tại xứ sở kim chi với khoảng gần 280.000 người và cộng đồng khoảng gần 200.000 người Hàn Quốc tại đất nước hình chữ S sẽ tiếp tục là những cầu nối để khắc sâu thêm tình hữu nghị Việt - Hàn.
Với những thuận lợi đó, trong chuyến thăm, lãnh đạo hai nước đã nhất trí hướng tới mục tiêu giao lưu nhân dân hai nước đạt 5 triệu lượt người; tăng cường hợp tác để tạo điều kiện mở rộng hợp tác văn hóa, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân…
“Đúng thời điểm, hợp lòng người” là điểm nhấn quan trọng nhất mà Đại sứ Vũ Hồ cảm nhận được sau khi tháp tùng đoàn cấp cao ra sân bay rời Seoul trở về nước, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm. Chắc chắn, “ngọn lửa nhiệt huyết” của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam sẽ còn truyền cảm hứng để hành trình Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Hàn tổng thể bứt tốc, “đơm hoa kết trái, vì hạnh phúc của Nhân dân hai nước và vì hoà bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”, như thông điệp Thủ tướng nhấn mạnh trong bài phát biểu chính sách tại Đại học Quốc gia Seoul.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng hai nước đã chứng kiến lễ trao chín văn kiện hợp tác được ký kết giữa các bộ ngành trong các lĩnh vực như phát triển, thương mại - đầu tư, doanh nghiệp vừa và nhỏ - đổi mới - khởi nghiệp, môi trường, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, giáo dục... |