📞

Việt Nam – Hoa Kỳ: Cùng gỡ bỏ những rào cản cuối cùng

19:00 | 20/05/2016
Từ ngày 23-25/5, Tổng thống Hoa Kỳ sẽ thực hiện chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam sau 10 năm. Đặt niềm tin vào tương lai rộng mở của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Hoa Kỳ khi những rào cản cuối cùng được gỡ bỏ hoàn toàn, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh kỳ vọng lớn vào kết quả chuyến thăm này.

Đại sứ kỳ vọng gì về chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama? 

Trước hết, nếu chúng ta nhìn lại 10 năm qua thì rõ ràng quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ đã có những bước phát triển vượt bậc, mà điểm quan trọng nhất là hai bên đã thông qua Tuyên bố về quan hệ Đối tác toàn diện năm 2013 và tiếp đó là Tuyên bố Tầm nhìn chung năm 2015 - nhân chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thiết lập khuôn khổ quan hệ ổn định, lâu dài về hợp tác trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, kinh tế - thương mại đến an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, giao lưu nhân dân, cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực.

Do vậy, chuyến thăm sắp tới của Tổng thống Obama chắc chắn càng làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ Đối tác toàn diện cả về hợp tác song phương và trên các vấn đề quốc tế, khu vực cùng quan tâm, vì lợi ích của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Đồng thời, hai bên cũng sẽ tiếp tục nhấn mạnh các nguyên tắc chủ đạo trong quan hệ như hợp tác bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thể chế chính trị của nhau.

Trên cơ sở đó, chuyến thăm sẽ tạo đà phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên, trong đó đáng chú ý là hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư, vốn là một điểm sáng trong quan hệ, sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Cùng với TPP, nhiều người đánh giá kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước có thể tăng từ 45 tỷ USD hiện nay lên 70 - 80 tỷ USD trong hai năm tới.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đại sứ Phạm Quang Vinh tại buổi lễ trình quốc thư. (Ảnh: Huy Hoàng)

Rất nhiều tập đoàn, công ty lớn của Hoa Kỳ đã và đang có kế hoạch mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, vừa tận dụng môi trường thuận lợi sau ba thập kỷ đổi mới của Việt Nam, vừa tranh thủ đón đầu các cơ hội mới do Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đem lại. Do đó, chúng ta có thể trông đợi luồng đầu tư mới từ Hoa Kỳ. Việc Hoa Kỳ hiện mới chỉ là nhà đầu tư lớn thứ 7 ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư là 11 tỷ USD không thể hiện được đúng tiềm năng hợp tác giữa hai nước,  

Thứ hai, chuyến thăm sẽ tạo đà mở rộng hơn nữa hợp tác về các lĩnh vực như khoa học công nghệ, giáo dục, y tế, giao lưu nhân dân. Dự kiến, dự án Đại học Fulbright Việt Nam sẽ được đưa vào hoạt động. Số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại các trường Đại học của Hoa Kỳ hiện trên 19.000 sẽ tiếp tục gia tăng. Hai bên cũng sẽ khuyến khích việc tăng cường trao đổi du lịch, đi lại làm ăn và chúng ta cũng kỳ vọng vào việc sớm mở được đường bay thẳng giữa hai nước trong thời gian tới.

Thứ ba, quan hệ an ninh - quốc phòng tiếp tục từng bước được mở rộng, trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng năm 2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam - Hoa Kỳ về quan hệ quốc phòng năm 2015, trong đó có hợp tác trong các lĩnh vực như tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ nhân đạo, giảm nhẹ thiên tai, gìn giữ hòa bình, đào tạo và an ninh hàng hải. Sau hơn 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, việc Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí đã lỗi thời sẽ là việc làm phù hợp và được hoan nghênh, thể hiện việc bình thường hóa quan hệ trên các mặt, cũng như việc hai nước đã xác lập khuôn khổ Đối tác toàn diện. 

Hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục được hai nước chú trọng. Chúng ta đã đề nghị phía Hoa Kỳ tăng cường hơn nữa hợp tác, giúp đỡ về rà phá bom mìn, tẩy độc dioxin - da cam. Phía Hoa Kỳ khẳng định sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực này.     

Với kỳ vọng đó, chắc chắn chuyến thăm lần này sẽ thành công tốt đẹp, tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, trên tất cả các lĩnh vực song phương, cũng như sự hợp tác trong các vấn đề khu vực và toàn cầu cùng quan tâm.

Tháng 2/1016 Tổng thống Obama đã chính thức thông báo về chuyến thăm Việt Nam. Do đó, hai đầu thủ đô của mỗi nước đều khởi động chuẩn bị từ sớm, trên tất cả các mặt như nội dung, lễ tân, hậu cần, với trọng tâm là tạo thông điệp về làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.

Lịch sử quan hệ Hoa Kỳ và Việt Nam khá đặc biệt. Chuyến thăm của Tổng thống Obama chắc chắn sẽ thu hút sự quan tâm của cả chính giới và dư luận hai nước?

Chuyến thăm được công bố từ khá sớm, thực sự thu hút sự quan tâm không chỉ của chính giới, mà cả dư luận Việt Nam và Hoa Kỳ. Đã có nhiều đánh giá về sự phát triển quan hệ giữa hai nước trong thời gian gần đây, coi những bước tiến đó là đáng ngưỡng mộ. Ít ai có thể tưởng tượng được việc hai nước vốn từ cựu thù đã bình thường hóa quan hệ và trở thành đối tác toàn diện, mở rộng hợp tác ra tất cả các lĩnh vực, song phương và đa phương chỉ trong vài thập kỷ. Đó là câu chuyện thành công của hàn gắn vết thương chiến tranh, khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Nhưng đáng chú ý hơn là một Việt Nam đổi mới, phát triển năng động, vị thế quốc tế ngày càng tăng, chủ động hội nhập, trong đó có việc tham gia nhiều sân chơi hội nhập quốc tế thế hệ mới như TPP, được các nước đánh giá cao, cộng đồng doanh nghiệp - trong đó có của Hoa Kỳ tìm thấy ở Việt Nam nhiều cơ hội hợp tác, đầu tư làm ăn. Đây là điều mà dư luận rất quan tâm. Đơn cử khi nói đến Đông Nam Á và ASEAN, người ta đều tính đến một Việt Nam năng động và có vai trò quan trọng ở khu vực.      

Trong dịp này, Đại sứ quán ta đã có những hoạt động gì nhằm cộng hưởng kết quả từ chuyến thăm?

Tháng 2/2016, nhân Hội nghị cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ tại Sunnylands, Tổng thống Obama đã chính thức thông báo về chuyến thăm Việt Nam. Do đó, hai đầu thủ đô của mỗi nước đều khởi động chuẩn bị từ sớm, trên tất cả các mặt như nội dung, lễ tân, hậu cần, với trọng tâm là tạo thông điệp về làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.

Trong bối cảnh đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã góp phần tích cực vừa là ăng-ten thông tin giữa hai thủ đô, vừa chuyển tải chỉ đạo của “nhà” phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan tại Việt Nam, cũng như sở tại. Có thể nói, đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ con thoi với các cơ quan hữu quan của Hoa Kỳ như Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại, rồi cộng đồng doanh nghiệp và các viện nghiên cứu của Hoa Kỳ để chuẩn bị cho chuyến thăm.

Điều thuận lợi đối với Đại sứ quán là kênh thông tin thông suốt, thường xuyên của Thủ đô và trong quá trình chuẩn bị, cả hai phía đều dành ưu tiên cao nhằm bảo đảm chuyến thăm thành công, đóng góp tích cực cho sự phát triển quan hệ giữa hai nước.

Vai trò của Việt Nam trong mối quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ?

Hoa Kỳ coi trọng mở rộng quan hệ với ASEAN, coi ASEAN là một trụ cột trong việc tăng cường gắn kết hợp tác tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương; ủng hộ ASEAN đoàn kết xây dựng cộng đồng và đóng vai trò trung tâm ở khu vực. Điều này được thể hiện rất rõ qua việc hai bên đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược vào tháng 11/2015, với chương trình hành động cụ thể và lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ tại Sunnylands, California (tháng 2/2016).

Việt Nam là thành viên tích cực, trách nhiệm của ASEAN, do đó đã và đang có những đóng góp quan trọng cho các công việc chung của ASEAN, quan hệ của ASEAN với các đối tác trong đó có quan hệ giữa ASEAN và Hoa Kỳ. Điều mà các nước đánh giá cao là Việt Nam cam kết và luôn triển khai có trách nhiệm các mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN trên cả ba trụ cột kinh tế, chính trị, an ninh; là nhân tố đoàn kết, kết hợp hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chung của khu vực, từ đó đóng góp vào sự thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN. Vai trò đó của Việt Nam ở khu vực đã có giá trị cộng hưởng, hỗ trợ nâng cao hơn nữa vị thế của Việt Nam trong quan hệ với các nước, trong đó có Hoa Kỳ.   

Đại sứ có bình luận gì về những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ? 

Quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ đang phát triển trên tất cả các mặt, nhưng tiềm năng còn nhiều và cần tiếp tục được khai thác và phát huy.

Xin đơn cử về hợp tác kinh tế, thương mại, đây luôn là điểm sáng trong quan hệ. Trong những năm gần đây, kim ngạch thương mại hai chiều tăng đến 20%/ năm. Điều này sẽ càng được thúc đẩy trước triển vọng TPP được triển khai, với nhiều cơ hội mới. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ vẫn gặp không ít các hàng rào kỹ thuật, chống bán phá giá. Do đó, chúng tôi cho rằng cần phải tháo gỡ các rào cản này và nhất là phía Hoa Kỳ cần thúc đẩy việc sớm công nhận Việt Nam là nước có nền kinh tế thị trường.

Trong các lĩnh vực như khoa học công nghệ, giáo dục, du lịch…, vẫn còn nhiều không gian để phát triển hơn nữa, nhất là khi Hoa Kỳ có thế mạnh về các lĩnh vực này.

Ứng phó với biến đổi khí hậu, vấn đề nước biển dâng hay hạn hán ở tiểu vùng Mekong cũng là lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm và có thể thúc đẩy hơn nữa.

Việt Nam cũng trông đợi Hoa Kỳ tăng cường hơn nữa hợp tác và giúp đỡ Việt Nam khắc phục các hậu quả chiến tranh.

Nhân đây, chúng tôi cũng tiếp tục đề nghị phía Hoa Kỳ sớm dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí, khi mà hai nước đã bình thường hóa quan hệ trên 20 năm và hiện đã thiết lập khuôn khổ Đối tác toàn diện.

Đồng thời, do khác biệt về chế độ chính trị, kinh tế và xã hội, hai bên cũng có những khác biệt trên một số vấn đề, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền. Do đó, hai nước cần tăng cường đối thoại trên tinh thần hiểu biết, xây dựng và tôn trọng lẫn nhau. Làm được điều này sẽ tạo cơ sở để mở rộng hơn nữa hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực.

Xin cảm ơn Đại sứ!

(thực hiện)