Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang tiếp Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lý Gia Siêu tại Hà Nội. |
Xin bà cho biết về những hoạt động nổi bật trong chuyến thăm Việt Nam của Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lý Gia Siêu vừa qua (từ 31/7 tới 2/8)?
Trong 3 ngày từ 31/7 tới 2/8 tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lý Gia Siêu đã dẫn đầu đoàn quan chức cao cấp Hong Kong và gần 30 doanh nghiệp lớn của đặc khu, đại diện cho nhiều lĩnh vực đa dạng tài chính, thương mại, đổi mới sáng tạo và công nghệ, hàng không, logistics, bất động sản…
Tại Hà Nội, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp đoàn Trưởng Đặc khu Lý Gia Siêu. Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và Trưởng Đặc khu Lý Gia Siêu đã hội đàm và đồng chủ trì Tọa đàm doanh nghiệp.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Nguyễn Hồ Hải đã tiếp Trưởng Đặc khu. Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Phan Văn Mãi, tiếp đoàn và cùng ông Lý Gia Siêu đồng chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp.
8 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết tại Hà Nội và 22 thỏa thuận hợp tác được ký kết tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là kỷ lục mới về số thỏa thuận hợp tác được ký kết trong khuôn khổ chuyến thăm của Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong tới một quốc gia. Các thỏa thuận bao phủ phạm vi rộng từ hợp tác kinh tế thương mại, tới giáo dục và đào tạo, giao lưu nhân dân giữa các hiệp hội hai bên, xúc tiến du lịch và hợp tác hải quan.
Trong tất cả các cuộc trao đổi, tiếp xúc, hai bên bày tỏ mong muốn chân thành và quyết tâm mạnh mẽ trong tăng cường trao đổi đoàn làm việc giữa các cấp chính quyền, tạo thuận lợi cho việc trao đổi chuyên gia, doanh nghiệp, văn hóa nghệ thuật và du lịch.
Hai bên đã nhìn lại những mối liên hệ giữa hai bên, những quan hệ vừa lâu đời, bền chặt, vừa năng động, biến hóa trong một thế giới liên tục thay đổi và mở ra những cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam-Hong Kong. Chuyến thăm không những đặt dấu mốc quan trọng cho quan hệ giữa các cơ quan chính quyền hai bên, mà còn khẳng định sự đồng điệu của hai bên trong tầm nhìn, mục tiêu và hành động.
Chuyến thăm đầu tiên kể từ khi nhậm chức của Trưởng khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lý Gia Siêu tới Việt Nam được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong quan hệ giữa hai bên, bà kỳ vọng thế nào về những chuyển biến sau chuyến thăm, nhất là trong những lĩnh vực trọng tâm, được hai bên cùng ưu tiên?
Đây không chỉ là lần đầu tiên ông Lý Gia Siêu thăm chính thức Việt Nam với tư cách Trưởng Đặc khu, mà còn là lần đầu tiên một Trưởng khu hành chính đặc biệt Hong Kong thăm chính thức Việt Nam.
Như Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nói với ông Lý Gia Siêu tại Hội đàm, thực ra Việt Nam và Hong Kong đã là đối tác tin cậy từ lâu. Theo số liệu năm 2023 của Cục Thống kê Hong Kong, tổng kim ngạch trao đổi thương mại Việt Nam-Hong Kong đạt 31,3 tỷ USD.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai trong ASEAN (sau Singapore) và lớn thứ 7 trên toàn cầu của Hong Kong. Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 8 sang Hong Kong với kim ngạch đạt 17,1 tỷ USD, đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 từ Hong Kong với kim ngạch đạt 14,2 tỷ USD.
Tính đến tháng 12/2023, Hong Kong là nhà đầu tư FDI lớn thứ 5 tại Việt Nam với tổng mức đầu tư lũy kế đạt 34,1 tỷ USD. Tính riêng trong năm 2023, đầu tư của Hong Kong vào Việt Nam đứng thứ 3.
Hai nền kinh tế đã có những kết nối đặc biệt chặt chẽ trong các ngành như sản xuất, chế biến, bất động sản, xuất khẩu nông sản, hải sản từ Việt Nam sang Hong Kong. Song, còn rất nhiều dư địa, nếu xét đến một bên là thế mạnh của Hong Kong với đặc thù “một quốc gia, hai chế độ”, giữ vị trí “cầu nối” giữa Trung Quốc đại lục và thế giới, đang mong muốn phát triển thành “trung tâm siêu kết nối”, bên kia là thế mạnh của Việt Nam, “một ngôi sao đang lên” (theo lời phát biểu của Trưởng Đặc khu Lý Gia Siêu tại Thành phố Hồ Chí Minh) với tốc độ tăng trưởng ấn tượng và nền tảng chính trị ổn định, mong muốn kết nối mạnh mẽ hơn với các thị trường quốc tế, với mục tiêu tới năm 2045 trở thành quốc gia thu nhập cao.
Từ quan sát của tôi, chuyến thăm đã làm sâu sắc hơn quan hệ giữa hai bên và mở ra các hướng hợp tác mới, cụ thể là:
Thứ nhất, hai bên nhất trí ủng hộ nhau tham gia và đóng góp tích cực tại các diễn đàn kinh tế quốc tế. Hong Kong ủng hộ Việt Nam đăng cai APEC 2027, Việt Nam hoan nghênh Hong Kong bày tỏ ý định đàm phán gia nhập RCEP.
Thứ hai, hai bên ký các bản ghi nhớ về hợp tác tài chính và về việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngay trong chuyến thăm đã có những tiếp xúc, thảo luận thực chất giữa các chuyên gia, nhà quản lý của hai bên nhằm cụ thể hóa lộ trình, định hướng thực hiện thỏa thuận này.
Thứ ba, hai bên nhấn mạnh tiếp tục thúc đẩy hợp tác về đào tạo và hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là đào tạo nhân tài và đào tạo nghề, tận dụng lợi thế của Hong Kong với nhiều trường đại học hàng đầu thế giới, chính sách hỗ trợ tài năng của chính quyền Hong Kong. Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác về khoa học và công nghệ, dịch vụ, trong đó phía Việt Nam đánh giá cao đội ngũ chuyên gia Hong Kong có trình độ ngang tầm thế giới trong nhiều lĩnh vực, còn phía Hong Kong khiêm tốn nhấn mạnh “sự học hỏi lẫn nhau”.
Thứ tư, hai bên đạt được những nhận thức chung rất tích cực về sự gần gũi về văn hóa, lịch sử giữa hai bên, nhất trí tăng cường trao đổi đoàn, tạo thuận lợi hơn nữa cho du lịch hai chiều và giao lưu nhân dân.
Cũng ngay trong chuyến thăm, Trưởng khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lý Gia Siêu trân trọng mời lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tham dự và phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Vành đai – Con đường tổ chức vào tháng 9/2024 tại Hong Kong.
Có thể nói, kết quả chuyến thăm lần này không những đáp ứng mong mỏi của người dân, doanh nghiệp hai bên mà còn thể hiện tầm nhìn xa về phát triển của lãnh đạo hai bên, phản ánh sự coi trọng đối với quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc nói chung, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Hong Kong nói riêng.
Một trong những điểm nhấn của chuyến thăm lần này là thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các địa phương của đặc khu Hong Kong, trong đó nổi bật là thúc đẩy quan hệ với Thành phố Hồ Chí Minh, trong bối cảnh thành phố đang định hướng xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Xin bà cho biết cụ thể hơn về hợp tác này, mục tiêu và kỳ vọng về những chuyển biến khả quan sau chuyến thăm.
Như ông Lý Gia Siêu phát biểu tại buổi tiếp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, phía Hong Kong tin tưởng tầm nhìn của Thành phố Hồ Chí Minh định hướng trở thành trung tâm tài chính quốc tế sẽ trở thành hiện thực, đặc biệt là sau hơn một ngày tại Thành phố Hồ Chí Minh của đoàn ông Lý Gia Siêu, cảm nhận sự quyết tâm và năng động của thành phố.
Tổng Lãnh sự Lê Đức Hạnh đến chào Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong Lý Gia Siêu nhân bắt đầu nhiệm kỳ công tác. |
Sau chuyến thăm của Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, phía Việt Nam cũng nắm rõ hơn về kỳ vọng của Hong Kong trở thành “trung tâm siêu kết nối”, với các thế mạnh như đội ngũ chuyên gia trình độ quốc tế với kiến thức về khu vực, hiểu biết quy luật trong lĩnh vực tài chính, đầu tư, khả năng kết nối quốc tế và kết nối với Trung Quốc đại lục…
Thỏa thuận hợp tác của hai bên xuất phát từ những đánh giá rất thực tế về điểm mạnh và điểm cần hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau, cũng như mối quan hệ kinh tế, văn hóa, nhân dân lâu đời giữa hai địa phương, do đó tôi tin, hợp tác xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh là khả thi và sẽ đem lại hiệu quả thực chất.
Ngay trong các cuộc trao đổi, tiếp xúc, đã có những đề xuất rất cụ thể như phía Hong Kong mời doanh nghiệp Việt Nam tham gia IPO tại thị trường chứng khoán Hong Kong.
Mặc dù vậy, hai bên cũng hiểu rõ rằng, trung tâm tài chính quốc tế không chỉ bao gồm thị trường chứng khoán, mà còn bao gồm cả các khía cạnh trái phiếu, đầu tư, bảo hiểm… Hơn nữa, việc xây dựng cơ sở vật chất cho trung tâm tài chính quốc tế chỉ là phần việc đơn giản nhất, so với khối lượng công việc khổng lồ xây dựng thể chế pháp lý và quan trọng hơn, xây dựng một đội ngũ chuyên gia có trình độ tầm cỡ quốc tế về các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đầu tư, bảo hiểm, luật pháp, giải quyết tranh chấp… và năng lực kết nối trong các lĩnh vực này, kể cả kết nối về dữ liệu.
Tôi cho rằng, trong thời gian tới, để từng bước triển khai Bản ghi nhớ về xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, hai địa phương sẽ cần trao đổi rất nhiều thông tin qua lại, cũng như cử đoàn sang làm việc trực tiếp ở nhiều cấp.
Thực hiện nhiệm vụ cơ quan đại diện của Việt Nam tại Hong Kong, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Hong Kong cũng sẽ cần nỗ lực hết sức để tạo thuận lợi cho sự trao đổi ở tất cả các cấp, từ chính phủ, địa phương đến doanh nghiệp và người dân, không chỉ để thực hiện Bản ghi nhớ, mà còn tiếp tục đóng góp vào phát triển quan hệ giữa Việt Nam-Hong Kong trên đà “Siêu kết nối những lộ trình mới hướng tới thành công” như chủ đề cuộc gặp gỡ tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Xin cảm ơn Tổng Lãnh sự!
| Trưởng Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thăm chính thức Việt Nam Theo thông báo của Bộ Ngoại giao ngày 29/7, nhận lời mời của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Khu hành chính ... |
| Nhất trí mở rộng không gian hợp tác giữa Việt Nam và Hong Kong (Trung Quốc) Ngày 1/8, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã hội đàm với Trưởng Khu hành chính đặc biệt ... |
| Tái thiết Ukraine: Đại dự án lớn nhất thế kỷ 21 ở châu Âu, Mỹ kỳ vọng như Kế hoạch Marshall Đại diện đặc biệt của Mỹ về Phục hồi kinh tế Ukraine Penny Pritzker, ngày 31/7 đã vạch ra một kế hoạch tái thiết gồm ... |
| Kinh tế Việt Nam: Thời khắc mong đợi đã tới, giữ vững '3 chân kiềng kinh tế', lấy lại hào quang Ấn tượng về tăng trưởng kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024, báo cáo của Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân ... |
| Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035 Trung Quốc được cho là sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035, sau khi nâng cấp hầu hết các ... |