TIN LIÊN QUAN | |
Tướng Nga: Moscow 'sẵn sàng bắn hạ' máy bay ném bom chiến lược của Không quân Mỹ | |
Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, Nga có bị kích động? |
Nga điều máy bay chở thiết bị y tế và khẩu trang đến Mỹ tối 31/3. (Nguồn: Reuters) |
Thông điệp từ hàng viện trợ
Vào ngày 1/4, chiếc máy bay chở hàng cứu trợ khổng lồ mang tên Antonov An-124 Ruslan đã cất cánh từ sân bay quân sự Chkalovsky gần Moscow tới thành phố New York. Máy bay chất đầy thiết bị y tế và đồ bảo hộ với mong muốn cùng người Mỹ chiến thắng Covid-19, thể hiện sự gắn kết và chia sẻ giữa hai cường quốc Mỹ-Nga. Sự tương tác liên tục giữa lãnh đạo Nga và Mỹ trong thời gian qua xung quanh vấn đề hợp tác dịch bệnh phản ánh xu hướng mới của việc xây dựng lại quan hệ nước lớn.
Mặc dù đang phải vật lộn với đại dịch nhưng Mỹ cũng sẵn sàng gửi trợ giúp tới “người bạn đồng hành” chống “kẻ thù chung”. Đến ngày 30/5, Washington đã chuyển giao đầy đủ 200 máy trợ thở trong gói “viện trợ nhân đạo” trị giá 5,6 triệu USD để giúp Moscow đối phó dịch Covid-19.
Mối quan hệ Nga-Mỹ kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 luôn trong trạng thái căng thẳng, với danh sách cáo buộc và trừng phạt của Mỹ không ngừng tăng lên, cùng màn đáp trả kéo dài của Nga. Tuy nhiên dịch Covid-19 đang làm thay đổi đáng kể quan hệ ngoại giao giữa hai cường quốc. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã nhấn mạnh: “Tổng thống Putin tin rằng, đại dịch Covid là thời điểm chúng ta cần sự hỗ trợ để giúp đỡ lẫn nhau và nên sử dụng mọi cơ hội để bảo vệ công dân cũng như sức khỏe của mình”.
Giáo sư sử học và quan hệ quốc tế Ivan Kurilla thuộc Đại học châu Âu của thành phố St Peterburg nhận định, chính sách ngoại giao y tế của cả hai bên đang tạo xung lực tích cực cho mối quan hệ giữa hai cường quốc này.
“Đại dịch Covid-19 đã tạo cơ hội để cải thiện sự tin tưởng lẫn nhau giữa Nga và Mỹ. Có nhiều cấp độ trong mối quan hệ Nga-Mỹ nhưng điều có thể thấy rõ nhất đó là sự tương tác liên tục giữa hai nhà lãnh đạo. Trước đại dịch, mối quan hệ xấu đi do sự mất lòng tin và Covid-19 đã có sự thay đổi lớn. Trong bối cảnh đồng minh châu Âu đang thấy vai trò của Mỹ giảm trong đại dịch, Tổng thống Putin tiếp tục coi Mỹ là một cường quốc cần thiết lập một chính sách ngoại giao dựa trên mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau”, ông Kurilla nói.
Không chỉ vấn đề ngoại giao y tế, khi giá dầu thời gian qua chạm đáy hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ cũng phối hợp để bình ổn thị trường năng lượng. Dư luận cho rằng đối thoại không chính thức giữa Nga-Mỹ-Saudi Arabia có khả năng sẽ trở thành cơ chế mới có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực năng lượng quốc tế thời gian tới.
Hành trình tạo dựng niềm tin
Trong quá khứ, hai cường quốc Nga, Mỹ đã đồng hành với nhau nhiều lần trong bối cảnh “nước sôi lửa bỏng”. Năm 1921-1923, Mỹ đã nỗ lực gửi hàng cứu trợ giúp hàng triệu người chết đói ở Liên Xô thông qua Cơ quan Cứu trợ Mỹ. Nhiều người Nga vẫn không quên sự hỗ trợ này. Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov vừa qua cũng đã nhắc đến cử chỉ nhân đạo đó của Mỹ trong một bài đăng trên Facebook.
Trong Thế chiến II, chính sách Lend-Hire (cho vay) của chính phủ Mỹ đã giúp Liên Xô chiến thắng phát xít Đức. Khoảng 30 triệu người Liên Xô đã thiệt mạng trong Thế chiến II. Sự hỗ trợ kinh tế của Mỹ thông qua chính sách Lend-Hire đã được sách sử của Nga ghi lại trong nhiều ấn phẩm. Thậm chí, trong Chiến tranh Lạnh, khi Nga và Mỹ là hai cực của thế giới thì người Mỹ và người Nga chưa bao giờ ngừng hợp tác trong các lĩnh vực học thuật, kỹ thuật và văn hóa. Trong mắt nhiều người dân Nga thời đó, người dân Mỹ không phải là kẻ thù thực sự mà chỉ là đối thủ về ý thức hệ.
Tin liên quan |
Báo Nga: Sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông, đối đầu Mỹ-Trung và ứng phó của Moscow |
Giờ đây, Nga đã nhận thức được rất rõ ràng vai trò của ngoại giao “sức mạnh mềm” và tăng cường thực hiện hoạt động ngoại giao y tế trong dịch Covid-19 nhằm lan tỏa ảnh hưởng. Không chỉ gửi hàng viện trợ tới Mỹ, tháng Ba vừa qua, Nga đã gửi hỗ trợ y tế đến Italy, Serbia để đồng hành cùng những nước này chống lại dịch Covid-19.
Liệu rằng những thiện chí chân tình từ phía Moscow trong dịch Covid-19 có thể “cài đặt lại” quan hệ với Washington? Hai nước đã nhiều lần nỗ lực cải thiện quan hệ để đảm bảo lợi ích song phương cũng như toàn cầu, trong đó phải kể đến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Nga năm 2018. Tuy nhiên mối quan hệ giữa hai nước cho thấy có nhiều mâu thuẫn mang tính cơ cấu và khó có thể xóa bỏ được trong thời gian ngắn. Mối quan hệ hai nước hậu Covid-19 cũng được đánh giá còn quá nhiều rào cản để cải thiện quan hệ.
Chuyên gia phân tích Mỹ Rajan Menon Anne (Đại học New York) nhận định: “Tôi không mấy lạc quan về triển vọng quan hệ Nga-Mỹ. Đại dịch có tác động không nhiều. Bất chấp ngoại giao Covid-19, cả hai nước vẫn phải đối mặt với thách thức như khủng hoảng Ukraine, vấn đề hạt nhân của Iran và Triều Tiên, cạnh tranh không gian, khả năng hết hạn Hiệp ước START mới… Đây sẽ tiếp tục là rào cản ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương”.
Vậy nhưng, ngoại giao công chúng sẽ vẫn có những “phép màu” riêng. Nếu cả hai bên vẫn tiếp tục thể hiện tinh thần thiện chí và nỗ lực cải thiện hình ảnh trong mắt người dân của nhau thì sự thấu hiểu và tin tưởng chắc chắn sẽ giúp hai nước hóa giải được những “bài toán khó” trong quan hệ.
Mỹ muốn rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở, Nga chờ giải thích, Đức hối thúc Washington 'cân nhắc lại' TGVN. Ngày 21/5, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko nói rằng, việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở sẽ ảnh hưởng đến ... |
WHO chịu điều tra độc lập về ứng phó Covid-19, Nga 'phản đối chính trị hóa mọi thứ', Trung Quốc lên tiếng TGVN. Ngày 19/5, toàn bộ 194 nước thành viên thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhất trí mở cuộc điều tra độc ... |
Dịch Covid-19: Tặng Moscow 200 máy trợ thở, Ngoại trưởng Pompeo nói trong một số lĩnh vực, Mỹ có thể hợp tác hiệu quả với Nga TGVN. Ngày 17/5, trong cuộc phỏng vấn với báo Washington Examiner, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho biết, nước này sẽ tặng Nga ... |