📞

Việt Nam kêu gọi DN Hàn Quốc đầu tư công nghệ cao

19:00 | 15/06/2016
Các dự án tỷ USD là đáng quý nhưng về lâu dài, đáng quý hơn nữa là sự chia sẻ công nghệ cao giữa Hàn Quốc và Việt Nam để phát triển nền công nghiệp phụ trợ, gia tăng giá trị nội địa của Việt Nam. 

Đây là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khi dự Hội nghị bàn tròn kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc do Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và Tập đoàn truyền thông Maekyung Media tổ chức sáng 15/6.

Cơ hội hợp tác, đầu tư còn rất lớn

Trong bài phát biểu chào mừng Hội nghị, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Hyuk nhắc đến việc hai quốc gia mặc dù có mối quan hệ ngoại giao 26 năm nhưng đã có mối giao lưu sâu rộng cả về con người và kinh tế. Từ năm 2009, quan hệ hai nước được nâng tầm lên hợp tác chiến lược.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị bàn tròn kinh tế Việt Nam-Hàn Quốc. Ảnh: VGP/Thành Chung

Hiện tổng mức đầu tư lũy tiến của DN Hàn Quốc vào Việt Nam đạt 45,1 tỷ USD và đến cuối năm 2016 dự kiến vượt mốc 50 tỷ USD. Hàn Quốc đang có hơn 400 doanh nghiệp (DN) đầu tư vào Việt Nam, đóng góp 38% vào kim ngạch xuất khẩu.

Đại sứ Lee Hyuk cho rằng hai bên cần nỗ lực hơn để tạo ra trục quan hệ hợp tác trên lĩnh vực an ninh, ngoại giao để xứng tầm với hợp tác về kinh tế. Đặc biệt với hợp tác kinh tế, hai bên cần tập trung vào hợp tác đầu tư công nghiệp chế tạo, chế biến, công nghệ thông tin, y tế, du lịch, khoa học và công nghệ. “Điều quan trọng là Việt Nam và Hàn quốc cần hỗ trợ lẫn nhau theo tư duy win-win (cùng thắng)”, Đại sứ Lee Hyuk nói.

Tại hội nghị, các diễn giả mong muốn quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia tiếp tục phát triển cao hơn nữa, trở thành mối quan hệ đặc thù của các quốc gia trên thế giới. Các nội dung thảo luận không chỉ đề cập tới việc thúc đẩy quan hệ thương mại mà còn bảo đảm sự phát triển năng động của khu vực tài chính; tăng cường nguồn nhân lực cho DN Hàn Quốc và cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa Việt Nam; phát triển ngành công nghiệp văn hóa là ngành nghề kinh doanh mới nổi như truyền thông, điện ảnh, trò chơi, hoạt động biểu diễn…

Chia sẻ công nghệ, kỹ năng quản trị

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế toàn diện giữa hai nước.

Theo đó, về đầu tư, Việt Nam khuyến khích DN Hàn Quốc tiếp tục đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp chế tạo, linh kiện điện tử, chất bán dẫn, ô tô, thiết bị ngoài khơi, đóng tàu, thiết bị y tế, dược phẩm, hóa học, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin, năng lượng, nông nghiệp, môi trường, y tế, nghiên cứu và phát triển tài chính, ngân hàng, dịch vụ chất lượng cao, phát triển các sản phẩm có nội dung sáng tạo, các dự án phát triển hạ tầng theo hợp tác công-tư.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc tham gia đầu tư, chia sẻ kinh nghiệm trong các dự án khởi nghiệp, dự kiến sẽ phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam trong thời gian tới. “Chúng tôi khuyến khích những DN công nghệ cao, quản trị mạnh, có sẵn các chuỗi giá trị toàn cầu và có chính sách kết nối hiệu quả với các DN Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.

Trong hoạt động đầu tư, Phó Thủ tướng cho rằng không chỉ các DN lớn của Hàn Quốc mà cả các DN nhỏ và vừa (DNNVV) sở hữu công nghệ sản xuất trình độ cao có thể hợp tác, phối hợp với DN Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm.

“Việt Nam cần công nghệ, kỹ năng quản trị và sẽ là 'thiên đường' của DNNVV. Chúng tôi mong có làn sóng đầu tư mới của DNNVV của Hàn Quốc vào Việt Nam không chỉ trong gia công và lắp ráp. Các dự án giá trị tỷ USD là đáng quý nhưng về lâu dài đáng quý hơn là các dự án đầu tư, chia sẻ công nghệ cao giữa Hàn Quốc và Việt Nam để phát triển công nghiệp hỗ trợ trong nước và gia tăng giá trị nội địa của Việt Nam, để cả hai bên cùng thắng”, Phó Thủ tướng nói.

Song song với đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, bên cạnh nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, Chính phủ Việt Nam cũng đòi hỏi các DN trong nước nỗ lực xây dựng văn hoá DN và đạo đức kinh doanh liêm chính, phát triển trên tinh thần đổi mới và sáng tạo.

Việt Nam cũng nỗ lực để phát triển thị trường tài chính, thị trường vốn cân bằng hơn cho các DN, các nhà đầu tư khi tới năm 2020 sẽ vốn hóa thị trường chứng khoán đạt 70% GDP và thị trường trái phiếu là 35% GDP để cân bằng với mức tín dụng hiện nay cung cấp cho nền kinh tế. Việt Nam cũng chú trọng thị trường trái phiếu DN, sẽ hợp nhất Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM và Hà Nội, thành lập thị trường chứng khoán phái sinh vào đầu năm 2017.

“Đây là những tiền đề quan trọng nhất tạo ra tâm thế mới cho Việt Nam, bảo đảm gia nhập thành công với cộng đồng quốc tế, tham gia chuỗi sản xuất, kinh doanh khu vực và toàn cầu”, Phó Thủ tướng cho biết.

Về thương mại, trên nền tảng Hiệp định thương mại Việt Nam-Hàn Quốc đã chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2015, Phó Thủ tướng tin tưởng, mục tiêu nâng quy mô thương mại song phương lên 70 tỷ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng cán cân thương mại đã được lãnh đạo cấp cao hai nước đề ra là hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.

Việt Nam mong muốn tiếp tục mở rộng xuất khẩu các mặt hàng thủy sản, trái cây nhiệt đới, hàng tiêu dùng, điện tử và linh kiện sang Hàn Quốc, đồng thời mong muốn nhập khẩu các mặt hàng chất lượng cao từ Hàn Quốc, phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nước.

(theo VGP)