TIN LIÊN QUAN | |
Tổng thống Trump: Mỹ đã có thắng lợi lớn trước Trung Quốc | |
WTO: Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung kìm hãm kinh tế toàn cầu |
Chuyến thăm chóng vánh
Chuyến thăm Bắc Kinh của ông Kim Jong-un trong tuần này diễn ra nhanh gọn. Sau chuyến đi kéo dài 20 giờ trên đoàn tàu chống đạn màu xanh lá cây đậm, nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên đã tới thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, và ông chỉ dành một ngày cho địa điểm này. Tuy nhiên, đây vẫn là một chuyến thăm quan trọng - và đối tượng khán giả mà nó hướng đến dường như là Tổng thống Mỹ Donald Trump - người đang theo đuổi những mục tiêu đối ngoại tham vọng với cả Triều Tiên và Trung Quốc.
Chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 4 trong vòng 10 tháng qua của nhà lãnh đạo họ Kim không hoành tráng như các chuyến thăm trước, Kim Jong-un chỉ dự một bữa tiệc với Chủ tịch Tập Cận Bình vào tối 8/1, cũng là ngày kỷ niệm sinh nhật tuổi 35 của ông. Sáng 9/1, ông Kim đã đi thăm một nhà máy sản xuất thuốc truyền thống của Trung Quốc, ăn trưa với ông Tập và ngay sau đó lên tàu trở về nước.
Cảnh sát Trung Quốc hộ tống một đoàn xe được cho là chở nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Bắc Kinh, ngày 9/1. (Nguồn: AP) |
Trên Thời báo Hoàn cầu, các nhà phân tích Trung Quốc nói rằng mục đích thực sự của chuyến đi lần này không phải là ngành dược phẩm, mà chính là vấn đề địa chính trị. Triều Tiên và Mỹ đang lên kế hoạch cho cuộc gặp thứ hai giữa ông Trump và ông Kim, tiếp sau cuộc gặp lịch sử tại Singapore hồi tháng Sáu năm ngoái.
Bất chấp những lời lẽ đầy tham vọng sau sự kiện này - cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ và Triều Tiên, kể từ sau đó mỗi bên đều tìm cách cáo buộc nhau vi phạm những cam kết đã đưa ra. Mặc dù Triều Tiên đã ngừng các cuộc thử nghiệm công khai tên lửa và vũ khí hạt nhân, song nước này chưa phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, Mỹ và các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) đối với Bình Nhưỡng vẫn chưa bị xóa bỏ. Hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa hai nhà lãnh đạo có thể đem lại một số tiến triển thực sự sau nhiều tháng đình trệ.
Sự nhượng bộ có giá trị
Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc đang khiến tình hình trở nên phức tạp. Trong khi ông Kim Jong-un ở Bắc Kinh, các nhà đàm phán từ Mỹ cũng đang có mặt tại thành phố này để làm việc về những bước tiếp theo nhằm tiến tới giải quyết tình thế bế tắc kinh tế hiện nay giữa hai nước.
Ngày 8/1, Tổng thống Trump đăng một dòng tweet nói rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra "rất tốt". Phóng viên Lingling Wei của Wall Street Journal cũng đưa tin về một số diễn biến tích cực sau một cuộc thảo luận bước sang ngày thứ ba không theo kế hoạch giữa các quan chức Mỹ và Trung Quốc.
Trung Quốc có những lý do rõ ràng - ít nhất là về lý thuyết - để được lợi trong việc gắn vấn đề hạt nhân của Triều Tiên vào các vấn đề ngoại giao thương mại. Ông Tập có thể sử dụng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Triều Tiên như một sự nhượng bộ có giá trị trong đàm phán thương mại với phía Mỹ. Bắc Kinh sẽ giúp Mỹ gây sức ép đối với Bình Nhưỡng, đổi lại Washington cần linh hoạt hơn đối với Trung Quốc trong vấn đề thương mại.
Washington Post cho rằng, Triều Tiên có thể là sự nhượng bộ của ông Tập Cận Bình trong tranh chấp thương mại Trung - Mỹ. (Nguồn: Reuters) |
Không nghi ngờ gì rằng Bắc Kinh rất có ảnh hưởng đối với Triều Tiên. Tới nay, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Bình Nhưỡng. Theo một báo cáo gần đây của Viện phát triển Triều Tiên, Trung Quốc hiện chiếm tới 90% tổng lượng thương mại quốc tế của Triều Tiên kể từ năm 2000. Một trong những kỳ tích ấn tượng nhất của chính sách "sức ép tối đa" đối với Triều Tiên của ông Trump là thuyết phục Trung Quốc thực hiện các lệnh trừng phạt của LHQ đối với Bình Nhưỡng - điều mà Bắc Kinh do dự lâu nay.
Tuy nhiên, thực tế có thể có chút khác biệt. Dường như Trung Quốc từng mong đợi có thêm quyền lợi trong vấn đề thương mại nếu nước này giúp đưa Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ hồi năm ngoái. Trump từng đăng trên trang Twitter cá nhân: "Tôi đã giải thích với Chủ tịch Trung Quốc rằng một thỏa thuận thương mại với Mỹ sẽ tốt hơn rất nhiều đối với họ nếu họ giải quyết được vấn đề Triều Tiên". Rõ ràng rằng điều này đã không xảy ra. Một năm sau khi đăng dòng tweet nói trên, chính quyền của Trump đã áp đặt các mức thuế quan mới đối với Trung Quốc, dẫn tới cuộc chiến thương mại mà có vẻ như ông đã muốn trì hoãn.
Sự khó lường của ông Trump
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng ông Trump đã ngầm chỉ trích ông Tập hồi tháng Sáu vừa qua vì không thực hiện theo các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Trump nói với các phóng viên tại Singapore: "Ông ấy (Tập Cận Bình) thực sự đã đóng cửa biên giới. Có thể vài tháng gần đây thì không hẳn là như vậy. Điều đó cũng không sao".
Đối với Triều Tiên, ông Kim Jong-un có thể lợi dụng cả Trung Quốc và Mỹ, hướng tới nước này để được giúp giải vây khi sức ép từ nước kia tăng lên. Trong khi đó, Tổng thống Trump tiếp tục nói về cuộc gặp thượng đỉnh của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên như một chiến thắng quan trọng của chính sách đối ngoại, và hứa hẹn về những thắng lợi nhiều hơn nữa sẽ là lợi thế trên bàn đàm phán với Bình Nhưỡng.
Dù Tổng thống Trump vẫn coi cuộc gặp thượng đỉnh của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi tháng 6/2018 như một chiến thắng quan trọng của chính sách đối ngoại, nhưng trong tranh chấp thương mại Mỹ - Trung, thật khó đoán ông sẽ làm hài lòng ai. (Nguồn: AP) |
Scott Snyder - nhà nghiên cứu về Triều Tiên và là giám đốc Chương trình chính sách Mỹ - Triều Tiên - từng viết trên trang mạng của Hội đồng quan hệ đối ngoại rằng ông Tập và ông Kim có thể bị ngăn cách bởi "cả núi và sông và cả những nỗ lực của riêng họ trong việc đối phó với Donald Trump".
Bất chấp gần nhau về mặt địa lý và có chung nhiều lợi ích, song ông Tập Cận Bình và Kim Jong-un dường như chỉ là những người hàng xóm xa cách. Ông Kim không tới thăm Trung Quốc trong 5 năm đầu cầm quyền; còn ông Tập gần như đã phớt lờ nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên trong thời gian này. Hai nhân vật này gặp mặt trực tiếp lần đầu tiên chỉ ngay trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim hồi năm ngoái.
Tuy nhiên, hiện nay, hai nhà lãnh đạo này có thể hy vọng rằng người đồng cấp Mỹ - hiện đang đối mặt với những bê bối chính trị trong nước, sự bất ổn kinh tế, và bắt đầu khởi động chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra vào năm 2020 - sẽ hào hứng nỗ lực đạt một thỏa thuận làm hài lòng tất cả các bên.
Dịch chuyển chuỗi cung ứng sản xuất - cơ hội lớn cho Việt Nam Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2018 được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố ... |
Trung Quốc khẳng định về tiến triển đàm phán thương mại với Mỹ Ngày 10/1, Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh, nước này và Mỹ đã đạt tiến triển trong cuộc đàm phán thương mại mới đây ... |
Đàm phán thương mại Mỹ - Trung: Ông Trump "hạ giọng" có chiến lược Các cuộc mặc cả trực tiếp đầu tiên kể từ sau cái “bắt tay” tạm đình chiến giữa Tổng thống Mỹ Trump và Chủ tịch ... |