📞

Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hợp tác đầu tư vào nhiều lĩnh vực

Chu Văn 11:53 | 07/03/2023
Thủ tướng Phạm Minh Chính hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào Việt Nam nhất là trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, chống biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp lãnh đạo Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản. (Nguồn: TTXVN)

Sáng 7/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản đang thăm, làm việc tại Việt Nam và tham dự Hội thảo kinh tế cấp cao Việt Nam-Nhật Bản nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập ngoại giao giữa hai nước (21/9/1973-21/9/2023).

Dự buổi tiếp có Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Tanaka Akihiko, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) Tadashi Maeda...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những đóng góp thiết thực, hiệu quả của JICA, JBIC, Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) và Ủy ban kinh tế Việt Nam-Nhật Bản tại Việt Nam trong việc triển khai các dự án hạ tầng lớn, dự án đào tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ của phía Nhật Bản trong cải thiện môi trường đầu tư và tăng cường sức cạnh tranh của Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định, sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, quan hệ hai nước đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp, mạnh mẽ và toàn diện trên mọi lĩnh vực, có sự tin cậy cao. Nhật Bản tiếp tục là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam.

Việt Nam đang nỗ lực phát triển sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng... do đó cần rất nhiều nguồn lực để phát triển. Trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị JICA và JBIC tiếp tục trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Việt Nam để tìm ra những phương thức hợp tác hiệu quả hơn nữa.

Theo Thủ tướng, Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hợp tác đầu tư vào hạ tầng, năng lượng, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ thông tin, đô thị thông minh, dịch vụ tài chính, ngân hàng, đổi mới sáng tạo, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam...

Chính phủ cam kết sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, hỗ trợ, tạo mọi thuận lợi cho các hoạt động đầu tư kinh doanh, đem lại lợi ích nhiều hơn cho các bên, góp phần đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản lên tầm cao mới.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Nhật Bản tăng cường các hoạt động đối thoại chính sách, cung cấp các thông tin, kinh nghiệm cho các cơ quan chức năng của Việt Nam trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư tại Việt Nam, là cầu nối giúp các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam; triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh, môi trường đầu tư, tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư của Việt Nam đến các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Nhật Bản; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tăng cường đầu tư vào Việt Nam để đa dạng hóa chuỗi cung ứng; hỗ trợ phát triển công nghiệp phụ trợ, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, xanh, sạch...

Đại diện các tổ chức kinh tế Nhật Bản trân trọng cảm ơn Chính phủ Việt Nam và cá nhân Thủ tướng đối với những hỗ trợ cho hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam và cho sự thành công của Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản.

Các đại biểu bày tỏ vui mừng khi thăm Việt Nam, chứng kiến sự phát triển vượt bậc của Việt Nam. Trong đó có nhiều công trình, dự án mà Nhật Bản hợp tác, đầu tư đang phát huy hiệu quả tốt.

Khẳng định sẵn sàng dành thêm ODA hỗ trợ Việt Nam đầu tư phát triển, các đại biểu cam kết thúc đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng, môi trường, năng lượng và hoan nghênh cam kết của Việt Nam giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời đề nghị Việt Nam tham gia vào các cơ chế trong khuôn khổ hợp tác G7, G20...

Thủ tướng Chính phủ ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản nhằm thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, nhất là trong lĩnh vực kinh tế; hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đầu tư vào Việt Nam nhất là trong lĩnh vực kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo, chống biến đổi khí hậu.

(theo TTXVN)