Thứ trưởng Vũ Hồng Nam và Đại sứ Kuwait Adnan Abdullah Al Admad tại Lễ kỷ niệm 55 Ngày Độc lập Nhà nước Kuwait và 25 năm ngày Giải phóng Kuwait, tối 24/2 tại Hà Nội. |
Đây là quốc gia đầu tiên trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và là một trong những quốc gia Trung Đông đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngay sau năm 1975. Việt Nam trân trọng sự ủng hộ chí tình của Kuwait trong những năm tháng cực kỳ khó khăn đó.
Nhờ sự ủng hộ quý báu của những người bạn như Kuwait, đất nước Việt Nam đã vươn lên mạnh mẽ, phá tan bao vây cấm vận và ngày nay trở thành một thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế. Sự ủng hộ có ý nghĩa lớn lao của Kuwait đối với Việt Nam phải chăng là do hai dân tộc cùng chia sẻ cảnh ngộ bị nước ngoài đô hộ, cùng chung một khát vọng giành độc lập tự do, nhân dân được sống trong hòa bình.
Kế tục truyền thống tốt đẹp này, Việt Nam và Kuwait luôn ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau cho tới tận ngày nay. Trong giai đoạn Việt Nam bắt đầu tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế, Chủ tịch nước Lê Đức Anh là nhà lãnh đạo cao nhất của Nhà nước Việt Nam thăm chính thức Kuwait năm 1995.
Kuwait cũng là nơi Việt Nam mở Văn phòng đại diện thương mại đầu tiên tại khu vực Trung Đông năm 1993.
Bước sang thế kỷ XXI, quan hệ hai nước có những bước ngoặt quan trọng. Chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Kuwait Nasser Al Mohammed Al-Jaber Al Sabah (2007) và chuyến thăm chính thức Kuwait đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (2009) đánh dấu mốc mới trong quan hệ hai nước. Sau khi Việt Nam mở Đại sứ quán tại Kuwait năm 2003, Kuwait là quốc gia Ả rập đầu tiên trong số các nước GCC mở Đại sứ quán và Tổng Lãnh sự quán tại Việt Nam năm 2007.
Hợp tác kinh tế giữa hai nước cũng phát triển mạnh mẽ. Kuwait là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại khu vực với kim ngạch song phương hàng năm trung bình đạt khoảng 700 triệu USD giai đoạn 2011-2014. Trong đó, Việt Nam chủ yếu nhập xăng dầu, hóa chất... và xuất sang Kuwait các sản phẩm như thủy sản, rau quả, đồ điện tử. Trong lĩnh vực đầu tư, Kuwait đứng đầu trong số các nhà đầu tư Trung Đông tại Việt Nam với số vốn góp chiếm 35% (trên 3 tỷ USD) cho Dự án liên doanh lọc hóa dầu Nghi Sơn trị giá 9 tỷ USD ký năm 2008 giữa Việt Nam - Kuwait - Nhật Bản, một biểu tượng sinh động về hợp tác Việt Nam - Kuwait trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, Nhà máy Thép Kirby Đông Nam Á đặt tại Việt Nam trị giá 15 triệu USD do Kuwait đầu tư từ 2008 không chỉ cung cấp sản phẩm cho thị trường Việt Nam mà còn vươn ra châu Á, Australia và châu Phi. Ngoài ra, Quỹ Đầu tư phát triển kinh tế kinh tế Ả rập của Kuwait từ 1979 đến nay dành cho Việt Nam khoảng 160 triệu USD vốn vay ưu đãi để triển khai 13 dự án phát triển hạ tầng nông thôn, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh thành công trong hợp tác kinh tế, hợp tác lao động và đào tạo cũng đạt được kết quả tích cực. Kuwait đã mở cửa thị trường tiếp nhận hàng nghìn lao động Việt Nam và cam kết cấp học bổng học tiếng Ả rập và chuyên ngành dầu khí cho sinh viên Việt Nam. Hiện có nhiều sinh viên Việt Nam theo học tiếng Ả rập tại đây.
Việt Nam và Kuwait là hai quốc gia phát triển năng động, có thể bổ trợ cho nhau, nhu cầu và tiềm năng hợp tác còn rất lớn. Chính phủ Việt Nam kêu gọi và khuyến khích các đối tác Kuwait tăng cường hợp tác với Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, năng lượng, đầu tư, lao động, du lịch, nông nghiệp... Khuôn khổ pháp lý hoàn thiện với nhiều hiệp định song phương đã ký cùng môi trường đầu tư thuận lợi sẽ là những điều kiện đảm bảo thành công cho hợp tác giữa hai nước.
Năm 2016, Việt Nam và Kuwait kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động ngoại giao, kinh tế, văn hóa đã, đang và sẽ được tổ chức, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước và quảng bá một Việt Nam giàu truyền thống, đổi mới và cởi mở. Dấu mốc 40 năm càng trở nên ý nghĩa hơn khi hai nước hân hoan chào đón nhiều sự kiện trọng đại: Kuwait kỷ niệm 55 năm ngày Độc lập (25/2/1961), 25 năm ngày Giải phóng (26/2/1991) và 10 năm ngày Quốc vương Sabah Al Ahmad Al Jaber Al Sahah lên ngôi (29/1/2006).
Thành quả đạt được trong 40 năm qua là vốn quý và nền tảng hết sức quan trọng để hai nước cùng nhau đưa quan hệ hợp tác hữu nghị chặt chẽ đó sang một chặng đường mới, hợp tác hiệu quả vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và hữu nghị ở hai khu vực Trung Đông và Đông Nam Á cũng như trên thế giới. Với tiềm năng sẵn có, ý chí quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, lại được khích lệ bởi truyền thống tốt đẹp vốn có, ước nguyện và niềm tin đó chắc chắn sẽ trở thành hiện thực.