📞

Việt Nam – Kuwait: Sức bật mới từ nền tảng vững chắc

08:00 | 05/05/2016
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng nhà nước Kuwait - Sheikh Jaber Mubarak Al-Hamad Al-Sabah từ ngày 5-7/5 là một trong những chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo quốc tế đến Việt Nam và gặp gỡ các tân lãnh đạo Việt Nam sau các kỳ họp Quốc hội khóa XIII vừa qua.

Chuyến thăm này với nhiều văn kiện dự kiến được ký kết, như thỏa thuận về hợp tác văn hóa, nghệ thuật; vận chuyển hàng không; hợp tác thể thao và thỏa thuận giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước… đánh dấu một mốc mới trong lịch sử quan hệ hai nước.

Việt Nam và Kuwait có mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống tốt đẹp từ lâu đời. Nhân dân hai nước đều là nạn nhân của các cuộc chiến tranh xâm lược, có điểm tương đồng  là khát vọng độc lập, tự do và hòa bình, cùng đấu tranh vượt qua gian khổ để đạt được mục đích cao quý của mình. Trong những thời kỳ khó khăn, nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ quý báu và tình đoàn kết mạnh mẽ của Chính phủ và nhân dân Kuwait. Kuwait là một trong những nước đầu tiên ở Trung Đông thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, ngay sau khi Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975. Năm 1993, Việt Nam đã chọn Kuwait để mở Văn phòng đại diện thương mại đầu tiên tại khu vực Trung Đông. Sau khi Việt Nam mở Đại sứ quán tại Kuwait năm 2003, Kuwait mở Đại sứ quán tại Hà Nội và Tổng Lãnh sự quán tại TP. Hồ Chí Minh vào năm 2007. Thủ tướng Kuwait Sheikh Nasser Mohammed Al-Jaber Al-Sabah thăm chính thức Việt Nam (tháng 5/2007) và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là lãnh đạo Việt Nam đầu tiên thăm Kuwait tháng 3/2009.

Những bước tiến tích cực

Về quan hệ kinh tế, hai nước đã có những bước phát triển tích cực. Quỹ Kuwait phát triển kinh tế Ả-rập (KFAED) bắt đầu cấp vốn cho nhiều dự án phát triển ở Việt Nam từ năm 1979. Đến nay, Quỹ này đã cấp khoảng 160 triệu USD vốn vay ưu đãi để triển khai tổng số 13 dự án xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa ở Việt Nam. Đây là sự hỗ trợ quý báu cho Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xóa đói, giảm nghèo cũng như góp phần vào mục tiêu chung trong nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở một số địa phương.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung và ông Hesham Al-Waqayan, Phó Tổng Giám đốc Quỹ Kuwait ký Hiệp định vay vốn.

Gần đây nhất, tháng 3/2016,  KFAED đã kí kết Hiệp định vay vốn cho dự án cung cấp trang thiết bị cho Bệnh viện Đa khoa Châu Đốc, tỉnh An Giang với trị giá 11,55 triệu USD. Đây là dự án y tế đầu tiên mà Quỹ hỗ trợ vốn vay cho Việt Nam.

Trong lĩnh vực đầu tư, Kuwait hiện đứng đầu trong số các nhà đầu tư Trung Đông tại Việt Nam. Kuwait góp 35,1% vốn (trên 3 tỷ USD) cho Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn trị giá 9 tỷ USD - được ký kết năm 2008 giữa PetroVietnam, Tập đoàn Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) và hai đối tác Nhật Bản (Idemitsu Kosan Corp (IKC) and Mitsui Chemicals Inc (MCI)). Chính phủ Kuwait cam kết cung cấp 100% nguyên liệu dầu thô dài hạn cho dự án, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2017 với công suất bình quân 200.000 thùng/ngày, tương đương 10 triệu tấn/năm. Nghi Sơn là nhà máy lọc dầu thứ ba của Kuwait ở nước ngoài sau nhà máy Europoort (ở Hà Lan) và Milazzo (ở Italy). Ngoài ra, liên doanh Idemitsu - Q8 cũng trở thành nhà cung cấp xăng dầu quốc tế đầu tiên cho thị trường tiêu thụ Việt Nam với hệ thống các trạm xăng bán lẻ được triển khai trong tháng 4/2016. Tập đoàn dầu khí quốc gia Kuwait (KPC) và công ty thành viên Kuwait Petroleum International (KPI) đang hợp tác cùng PetroVietnam xây dựng trạm trung chuyển dầu lớn nhất của Trung Đông tại Đông Nam Á, tạo nền tảng vững chắc cho chiến lược mở rộng thị phần tại Việt Nam và các nước châu Á khác.

Năm 2008, Nhà máy Thép tiền chế Kirby - do Tập đoàn Alghanim Industries của Kuwait, một trong số ít những tập đoàn tư nhân lớn nhất tại khu vực vùng Vịnh - đã được khởi công tại Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 3 (Đồng Nai) với số vốn ban đầu là 15 triệu USD, đạt công suất 400.000 tấn /năm. Hiện Kirby có Văn phòng đại diện tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng để tiếp thị và phân phối sản phẩm. Một nhà máy thép thứ hai sẽ được xây dựng ở miền Bắc Việt Nam với số vốn 20 triệu USD và công suất là 100.000 tấn/năm. Nhà máy thép Kirby Đông Nam Á đặt tại Việt Nam không chỉ cung cấp thép cho thị trường Việt Nam mà còn cho các thị trường khác như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Campuchia, Lào, Australia và châu Phi; đến nay đã cung cấp hơn 500 công trình nhà thép trong nước và khu vực.

Triển lãm về thực phẩm và đồ gia dụng Việt Nam tại Kuwait tháng 12/2015.

Về thương mại, Kuwait cũng là một trong những đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại khu vực với kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 700 triệu USD/năm giai đoạn 2011-2014. Việt Nam xuất sang thị trường Kuwait các sản phẩm như quần áo, giày dép, hải sản, đồ gỗ, máy tính, đồ điện, rau quả, hạt tiêu, cà phê, chè… và nhập chủ yếu xăng dầu, nhựa, hóa chất, phân bón,… Năm 2015, lần đầu tiên trong lịch sử, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam (tính theo xuất xứ) sang thị trường Kuwait đã vượt qua các nước Đông Nam Á với hơn 164,8 triệu Dinar Kuwait (tương đương hơn 544 triệu USD).

Kuwait cũng là một thị trường tiềm năng cho xuất khẩu lao động của Việt Nam với chế độ lương, phúc lợi xã hội, dịch vụ y tế cao trong các nước vùng Vịnh. Đến nay đã có 700 lao động Việt Nam trong các lĩnh vực xây dựng, dịch vụ và sẽ tiếp tục tăng sau khi hai nước ký kết Thỏa thuận lao động mới. Việt Nam cũng nổi lên là khu vực nghỉ dưỡng, nhiều bãi biển đẹp dần thu hút công dân Kuwait tới du lịch.

Cơ hội hợp tác còn nhiều

Kinh tế hai nước đang phát triển mạnh, có thể bổ trợ cho nhau. Chính phủ Việt Nam kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp Kuwait đầu tư vào Việt Nam trên các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, xây dựng, nông nghiệp, tài chính, ngân hàng, năng lượng. Các doanh nghiệp có thể yên tâm vì hai nước đã ký nhiều Hiệp định, thỏa thuận làm cơ sở pháp lý cho đầu tư, kinh doanh.

Đại sứ Nguyễn Hồng Thao (tác giả bài viết).

Cùng với thành công trong hợp tác kinh tế, một số những phát triển tích cực khác cũng được ghi nhận. Việt Nam là nước thứ 37 mà công dân có thể nhận thị thực nhập cảnh tại Sân bay Quốc tế Kuwait. Tính đến nay có 16 sinh viên của Việt Nam đã được nhận vào học tiếng Ả-rập hàng năm tại Trường Đại học Kuwait.

Năm 2016, Việt Nam và Kuwait kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều hoạt động đã, đang và sẽ được tổ chức, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước và quảng bá một Việt Nam giàu truyền thống, đổi mới và cởi mở. Thành quả đạt được trong 40 năm qua là vốn quý và là nền tảng quan trọng để tạo sức bật mới cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Kuwait trong những năm tiếp theo.

Với niềm tin vững chắc đó, thay mặt Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Nhà nước Kuwait, tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới đất nước và nhân dân Kuwait, chúc cho mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Kuwait ngày càng phát triển vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Đại sứ Việt Nam tại Kuwait