Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp Đại sứ Kuwait Adnan Abdullah Al Admad. |
Năm 2016 là một dấu mốc quan trọng trong mối quan hệ ngoại giao giữa Kuwait và Việt Nam khi hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ.
Năm 1976, ngay sau khi Việt Nam thống nhất, Kuwait là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam. 30 năm sau, Kuwait cũng là nước vùng Vịnh đầu tiên mở văn phòng Sứ quán tại Hà Nội và Lãnh sự quán tại Thành phố Hồ Chí Minh (năm 2007). Mối quan hệ giữa Chính phủ và nhân dân hai nước đã được phát triển mạnh mẽ dựa trên cơ sở hiểu biết lẫn nhau và mục tiêu chung vì hòa bình và phát triển của hai quốc gia.
Nhiều hiệp định quan trọng được ký kết
Mối quan hệ chính trị - ngoại giao giữa hai nước đã được thúc đẩy thông qua những chuyến thăm thành công của các nhà lãnh đạo hai nước.
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5/2007, Thủ tướng Kuwait Nasser Al-Mohammed Al-Ahmed Al-Sabah đã chứng kiến việc ký kết những hiệp định quan trọng như Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp hai nước và Nghị định thư về việc thành lập Ủy ban hỗn hợp hai chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật.
Tháng 5/2009, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng, nhân chuyến thăm tới Kuwait, đã chứng kiến lễ ký kết Hiệp định hàng không, Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật và Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa trốn thuế thu nhập. Ở cấp Bộ, hai nước cũng đã trao đổi nhiều đoàn như Bộ trưởng Bộ Dầu mỏ và Thông tin Kuwait, kiêm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Kuwait đến thăm Việt Nam năm 2009 và 2010. Gần đây nhất là chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Kuwait Marzouq Al-Ghanim đến Việt Nam và tham dự Hội nghị IPU-132 năm 2015 và ông Musaed Saleh-Al Thwaikh, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao khu vực Đông Nam Á đã đồng chủ tọa Hội nghị tham vấn chính trị lần thứ hai giữa hai Bộ Ngoại giao tại Hà Nội năm 2015.
Những kết quả đáng ghi nhận
Về mặt phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư, hai nước cũng đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Từ năm 1979, Quỹ Đầu tư phát triển kinh tế Ả rập của Kuwait đã cho Việt Nam vay khoảng 160 triệu USD để phát triển cơ sở hạ tầng ở các vùng nông thôn, vùng núi, vùng sâu vùng xa như Bắc Kạn, Điện Biên, Hà Tĩnh, Hòa Bình… để cải thiện chất lượng sống của người dân địa phương. Tháng 11/2007, nhà máy sản xuất nhà thép tiền chế Kirby được khởi công tại khu công nghiệp Nhơn Trạch 3, tỉnh Đồng Nai với số vốn ban đầu 15 triệu USD và sản lượng ước tính đạt 40.000 tấn/năm. Công ty Kirby Đông Nam Á tại Việt Nam đã mở văn phòng đại diện ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, cung cấp sản phẩm không chỉ cho thị trường trong nước mà còn cả quốc tế như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines, Campuchia, Lào, Australia và châu Phi.
Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn ở tỉnh Thanh Hóa là một trong những điểm đầu tư đáng chú ý nhất giữa hai nước. Với số vốn ban đầu chín tỷ USD, hợp đồng góp vốn đã được ký năm 2008 giữa Petro Viet Nam, Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Kuwait (KPI) và hai đối tác của Nhật Bản. Việc xây dựng nhà máy ước tính sẽ hoàn thành vào cuối năm 2016 và vận hành thương mại dự kiến sẽ bắt đầu vào giữa năm 2017 với công suất lọc dầu 200.000 thùng/ngày.
Về quan hệ thương mại, kim ngạch hai chiều giữa hai quốc gia đạt 200 triệu USD năm 2015. Những sản phẩm nhập khẩu truyền thống từ Việt Nam của quốc gia vùng Vịnh này gồm quần áo, giày dép, hải sản, sản phẩm gỗ, tiêu, cà phê và chè. Trong khi đó, Kuwait xuất khẩu sang Việt Nam xăng dầu, nhựa, hóa chất, phân bón và da. Cả hai nước đang tìm kiếm thêm nhiều cơ hội để phát triển kinh doanh và đầu tư thông qua việc trao đổi các đoàn đại biểu, tổ chức hội chợ triển lãm và thành lập một ủy ban chung về hợp tác kinh tế, khoa học và kỹ thuật.
Về mặt giáo dục và thể thao, hai nước đã có nhiều trận giao hữu bóng đá giữa hai đội tuyển trong những năm gần đây. Chính phủ Kuwait đã cam kết cung cấp 15 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Kuwait để học chuyên ngành tiếng Ả rập và chuyên ngành khoa học và dầu khí. Đến nay, đã có nhiều sinh viên Việt Nam đủ tiêu chuẩn để nhận học bổng và đã bắt đầu khóa học tại trường đại học Kuwait.
Cả hai nước đang nỗ lực để tìm kiếm cơ hội đầu tư chung và trao đổi kinh nghiệm trong những lĩnh vực thế mạnh của mỗi nước như dầu khí, khoa học và năng lượng, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực khác như cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, xây dựng, tài chính và ngân hàng.
Trong những ngày tháng Hai này, khi người dân Kuwait đang kỷ niệm lần thứ 55 Ngày Độc lập và lần thứ 25 ngày Giải phóng, người dân Việt Nam đang tận hưởng những ngày đầu năm mới truyền thống, tôi muốn nhân cơ hội này gửi lời chúc mừng đến Chính phủ và nhân dân hai nước. Chúc hai quốc gia một tương lai an bình và thịnh vượng. Chúc mối quan hệ và tình hữu nghị 40 năm giữa hai quốc gia được củng cố bền vững hơn cùng với sự an bình và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới!