📞

Việt Nam lại tụt hạng: Có còn là chuyện bình thường?

09:48 | 20/10/2008
Trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2008 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố, Việt Nam lại tụt 2 bậc so với năm ngoái. Người ta vẫn nói “lên xuống là chuyện bình thường”, nhưng liên tục đi xuống, 3 năm liền tụt 6 bậc, liệu có còn là chuyện bình thường?

Chuyện bình thường

 

WEF phân loại các nền kinh tế theo 3 nhóm. Nhóm 1 có năng lực cạnh tranh dựa vào các yếu tố tự nhiên (tài nguyên, nhân công…), nhóm 2 dựa trên hiệu quả của nền kinh tế và nhóm 3 dựa trên năng lực sáng tạo. Việt Nam (VN) mới được xếp vào giai đoạn chuyển tiếp từ nhóm 1 sang nhóm 2.

 

Năm nay, thứ hạng năng lực cạnh tranh của VN là 70/134 nền kinh tế, giảm 2 bậc so với năm 2007. Người ta giải thích rằng, tỷ lệ lạm phát cao và một số vấn đề kinh tế vĩ mô của VN trong thời gian qua là nguyên nhân chính khiến VN tụt hạng. Nhưng các điểm số này cần phải tính tới độ trễ của số liệu được phân tích khi mà các dấu hiệu khá tích cực của kinh tế vĩ mô VN chỉ mới được xuất hiện vào quý III/2008. Ngoài ra, nếu xét riêng về điểm số, cơ sở để xếp hạng năng lực cạnh tranh tổng hợp, thì VN đạt 4,1 điểm, tăng 0,1 điểm so với năm 2007. Có nghĩa là bản thân nền kinh tế VN đã có sự cải thiện về năng lực cạnh tranh, còn sự tụt hạng chủ yếu là do so sánh với các nền kinh tế khác...

 

Cũng có thể, những đánh giá chưa hoàn toàn chính xác, nhưng đây là thực tế, thế giới đang nhìn VN như thế. Muốn cải thiện hình ảnh, VN phải tự làm cho thế giới đánh giá mình khác đi.

 

...Không thể xem thường

 

Như vậy trong 3 năm qua, VN liên tục tụt hạng, xuống 6 bậc so với năm 2006. Trong khi nhiều người vẫn lạc quan “lên xuống là chuyện bình thường”, nhưng thực tế chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh giai đoạn vừa qua chỉ có xuống, không lên. Có lẽ sự tụt hạng này, không còn là chuyện bình thường.

 

Ngoài những điểm mạnh của VN mà WEF ghi nhận là ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó có sự đóng góp của việc cắt giảm chi tiêu; luật đầu tư trực tiếp nước ngoài; và quy mô của thị trường. 10 chỉ số mà VN có lợi thế cạnh tranh cao nhất thuộc về các chỉ số liên quan đến tiếp cận thị trường, gồm: huy động cổ phiếu địa phương, tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động, tiền công và năng suất, chi tiêu máy móc, thiết bị, mua sắm của chính phủ, phát triển cụm công nghiệp, tiết kiệm nội địa, quy mô thị trường nước ngoài, chỉ số quyền pháp lý, số lượng thuê bao điện thoại và tác động của các quy định pháp lý đối với FDI.

 

Nhưng nhóm 10 chỉ số mà VN có thứ hạng cạnh tranh thấp nhất gồm: thuế  bình quân gia quyền, bản chất của lợi thế cạnh tranh, mức độ bảo vệ nhà đầu tư; chất lượng hệ thống giáo dục, chất lượng các trường quản lý, kiểm soát các kênh phân phối quốc tế, số lượng thuê bao điện thoại di động, sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng, chất lượng hạ tầng cảng và mức độ rào cản thương mại…, đều thuộc những yếu tố căn bản của nền kinh tế.

 

Theo WEF, trong 15 vấn đề khó giải quyết nhất và có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường kinh doanh, thì ba vấn đề nghiêm trọng nhất là lạm phát, sự yếu kém của cơ sở hạ tầng và sự thiếu hụt lao động được đào tạo. Ba vấn đề này đã “quá cũ”, nhưng vẫn tiếp tục được đánh giá có mức độ nghiêm trọng nhất, vượt trên cả vấn nạn tham nhũng, chính sách không ổn định và căn bệnh thủ tục hành chính. Thậm chí nguồn lao động từng là lợi thế của VN, nay lại bỗng trở thành điểm yếu vì công tác đào tạo quá yếu kém.

 

Tụt hạng không có nghĩa là chúng ta không cải cách, mà có thể do cải cách chậm hơn các nước khác nên bị họ vượt qua, hoặc những chỉ số được đánh giá cao thì chưa được chú trọng để có những thay đổi tích cực hơn. Có thể khẳng định, VN đã làm được rất nhiều việc nhưng có lẽ chưa đủ, vì VN ở xuất phát điểm thấp hơn thì không thể tự coi sự cố gắng bằng nước khác là đủ.

 

Cũng có thể xếp hạng này chỉ phản ánh một số mặt nào đấy, chứ hoàn toàn chưa phản ánh toàn diện, nhưng, điều quan trọng nhất là nó đã thêm một lần nhắc nhở cần phải cố gắng hơn nữa.

 

Tuệ Minh