Các đại biểu tại Hội nghị Hợp tác Thương mại Biên giới Việt - Lào lần thứ 8" tổ chức tại tỉnh SeKong (Lào). |
2 tỷ USD vào năm 2015
Theo những đánh giá tại Hội nghị, kết quả hợp tác thương mại biên giới giữa hai nước thời gian qua đã không ngừng phát triển, từng bước khai thác được tiềm năng và thế mạnh của mỗi quốc gia, góp phần thúc đẩy kim ngạch thương mại hai chiều. Năm 2011, kim ngạch thương mại Việt Nam - Lào đạt 783,32 triệu USD (tăng 23% so với năm 2010), riêng 9 tháng đầu năm 2012 đạt 726,7 triệu USD (tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước).
Với mục tiêu thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương đạt 1 tỷ USD năm 2012 và đạt 2 tỷ USD vào năm 2015, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương liên quan tăng cường công tác kiểm tra tình hình thực hiện thỏa thuận Hà Nội năm 2007 về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người, hàng hóa và phương tiện qua biên giới; phối hợp tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt - Lào đến năm 2020; tiếp tục phối hợp nghiên cứu, xây dựng Quy chế quản lý chợ biên giới chung và Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2025 cùng nhiều biện pháp khác, nhằm góp phần thúc đẩy thương mại biên giới hai nước, cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân vùng biên giới hai nước, xây dựng tuyến biên giới Việt Nam - Lào thành đường biên giới của hoà bình, hữu nghị, phát triển và ổn định lâu dài.
Mở rộng mậu biên
Hội nghị Hợp tác Thương mại Biên giới Việt - Lào do hai Bộ Công Thương Việt Nam và Lào phối hợp tổ chức, ngoài đại diện Lãnh đạo 2 bộ, còn có đại diện 10 tỉnh của Việt Nam, 10 tỉnh của Lào có đường biên giới chung. Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết, tỉnh Quảng Trị có chung 206 km đường biên giới với nước bạn Lào với 6 cặp cửa khẩu, trong đó có 1 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, 1 cửa khẩu quốc gia La Lay và 4 cửa khẩu phụ. Quảng Trị là tỉnh có kim ngạch XNK qua biên giới Lào lớn nhất Việt Nam, riêng 9 tháng đầu năm 2012 đạt khoảng 336 triệu USD, bằng 46% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu biên giới của 10 tỉnh biên giới với Lào.
Tuy nhiên, ông Dũng cho biết, có những vướng mắc hiện nay cần phải cùng nhau giải quyết, chẳng hạn, đầu năm 2012, chính quyền tỉnh Savannakhet thông báo cấm các phương tiện xe đạp, xe gắn máy mang Biển kiểm soát Việt Nam lưu hành trên đất bạn. Chủ trương này làm ảnh hưởng lớn đến việc mua bán, làm ăn trao đổi hàng hóa đối với nhân dân khu vực biên giới. Do đó, đề nghị Bộ Công Thương Việt Nam và các cấp Bộ, Ngành trung ương làm việc với các Bộ, Ngành liên quan của Chính phủ Lào để tiếp tục cho phép các phương tiện nói trên được lưu hành trên lãnh thổ nước Lào nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân của cả hai nước ở khu vực biên giới. Mặt khác, Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan cần tăng cường công tác chỉ đạo, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm phát triển Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo - Đensavẳn cùng phát triển theo tinh thần Hiệp định năm 2002 giữa 2 Chính phủ và Hiệp định trong giai đoạn 2006 - 2010. Chính phủ, Bộ Công Thương hai nước cũng cần có cơ chế hỗ trợ việc sử dụng lao động Việt Nam nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho nhà đầu tư theo tinh thần của Biên bản ghi nhớ của hai Chính phủ và Phân ban hợp tác Việt - Lào để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư Việt Nam thực hiện các dự án đầu tư tại Lào.
Nhằm thúc đẩy quan hệ mậu dịch biên giới, hội nghị còn cho rằng các tỉnh có chung đường biên giới hai nước tiếp tục tăng cường hợp tác liên doanh, giúp nhau phát triển kinh tế, nhất là các lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, giao thông, giáo dục.... Tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân các tỉnh dọc tuyến biên giới quan hệ trao đổi hàng hóa, giải quyết nhanh những vướng mắc, tạo sự thông thoáng trong công tác xuất nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh người và phương tiện qua các cửa khẩu giữa 2 nước để các doanh nghiệp được mua bán trao đổi hàng hóa kịp thời theo nguyên tắc các bên cùng có lợi, đảm bảo pháp luật của mỗi nước.
Ông Dũng cho rằng quan hệ mậu dịch biên giới với Lào dựa trên mối quan hệ đặc biệt giữa 2 nước láng giềng vì vậy đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương hai nước cần quan tâm hơn nữa hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là tại các khu vực cửa khẩu nhằm tạo nên sự sôi động, đẩy mạnh hơn nữa mậu dịch biên giới. Ngoài ra, song song với việc đẩy mạnh quan hệ mậu dịch biên giới với Lào, đề nghị Bộ Công Thương Việt Nam cần quan tâm và có những chính sách cụ thể giúp các địa phương mở rộng hoạt động biên mậu ra nước thứ ba.
Thu Thủy