Tham dự và phát biểu tại phiên họp có đại diện của 80 Quốc gia Thành viên và Quan sát viên.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc bày tỏ quan ngại và lên án mọi hành động bạo lực và lạm dụng nhằm vào thường dân vô tội, phản đối việc sử dụng vũ khí sát thương quá mức và bừa bãi vào các cơ sở dân sự như trường học, bệnh viện và các khu dân cư.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga. (Ảnh: Nguyễn Hữu Hoàng/TTXVN) |
Đại sứ Nguyễn Phương Nga khẳng định mỗi quốc gia có trách nhiệm ưu tiên trong việc bảo vệ người dân của mình và giải quyết xung đột trong phạm vi quyền tài phán, kêu gọi các bên liên quan tuân thủ luật nhân đạo, nhân quyền quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo An Liên hợp quốc như NQ 1894 và 2286, đồng thời tôn trọng đầy đủ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của mỗi quốc gia.
Liên hợp quốc cần phát huy vai trò lãnh đạo, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức khu vực và chủ thể liên quan, thúc đẩy văn hóa tuân thủ luật pháp quốc tế, tăng cường các hoạt động cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ các nước ngăn ngừa và giải quyết xung đột.
Đại sứ Nguyễn Phương Nga cũng bày tỏ quan ngại về bạo lực leo thang tại khu vực Dải Gaza (Palestine) thời gian gần đây, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình và nỗ lực tìm kiếm giải pháp toàn diện, công bằng và bền vững, bảo đảm tính mạng cho người dân Palestine và lợi ích chính đáng của các bên, vì hòa bình và ổn định khu vực.
Trước đó, trong phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho biết có hơn 128 triệu người trên thế giới có nhu cầu cứu trợ, nhất là người dân ở các điểm nóng về xung đột như Afghanistan, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Iraq, Somalia và Yemen.
Xung đột leo thang và kéo dài đã để lại những hậu quả nghiêm trọng về người và của, phá hủy nhiều cơ sở dân sự thiết yếu, vi phạm nghiêm trọng quyền con người, cản trở các hoạt động cứu trợ nhân đạo quốc tế. Tổng Thư ký khẳng định Liên hợp quốc dành ưu tiên cho sứ mệnh ngăn ngừa, giải quyết xung đột và xây dựng hòa bình, coi đây là cách bảo vệ thường dân hữu hiệu nhất; kêu gọi các bên liên quan xung đột tôn trọng luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế.
Tổng Thư ký khuyến nghị chính phủ các quốc gia thành viên cần hoàn thiện chính sách quốc gia, phối hợp với Liên hợp quốc và các chủ thể liên quan trong việc xây dựng chiến lược, quy tắc ứng xử và kế hoạch hành động về bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, buộc những kẻ vi phạm phải chịu trách nhiệm.
Trong phát biểu của mình, các nước bày tỏ sự ủng hộ cao đối với các khuyến nghị của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, đề cao sứ mệnh bảo vệ thường dân của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, nhấn mạnh cần tập trung vào các biện pháp bảo đảm an toàn cho thường dân và các các cơ sở hạ tầng dân sự trọng yếu, giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột, nâng cao năng lực quốc gia, tăng cường sức chống chịu để bảo vệ thường dân hiệu quả.