📞
Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới:

Việt Nam muốn truyền tải thông điệp 'nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ hòa bình là công việc của tất cả mọi người'

PV. 14:49 | 21/11/2022
Trước thềm Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 21-26/11, ông Uông Chu Lưu, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã có những chia sẻ với báo chí.

Xin ông cho biết mối quan hệ và vai trò của Hội đồng Hòa bình thế giới đối với phong trào hòa bình của Việt Nam?

Hội đồng Hòa bình thế giới và Việt Nam có quan hệ lịch sử đặc biệt ngay từ khi mới thành lập. Năm 1949, Việt Nam đã cử đoàn đại biểu 11 người tham gia Đại hội thành lập Hội đồng Hòa bình thế giới.

Thấy trước vai trò quan trọng của Hội đồng cũng như sự cần thiết kết nối Việt Nam với tổ chức quốc tế này, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã chỉ đạo thành lập Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam (nay là Ủy ban Hòa bình Việt Nam).

Ông Uông Chu Lưu, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam. (Nguồn: Tạp chí Thời đại)

Hơn 7 thập kỷ qua, Hội đồng Hòa bình thế giới luôn dành cho Việt Nam tình hữu nghị tốt đẹp, tình đoàn kết quốc tế cao cả và sự ủng hộ mạnh mẽ trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày nay.

Có thể thấy rõ sự ủng hộ, đoàn kết của Hội đồng Hòa bình thế giới đối với Việt Nam qua một số dấu mốc quan trọng.

Năm 1950, Việt Nam đã cử đoàn đại biểu tham dự Đại hội lần thứ 2 của Hội đồng Hòa bình thế giới tại Warsaw (Ba Lan). Tại Đại hội này, lần đầu tiên Hội đồng ra lời kêu gọi ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam.

Sau lời kêu gọi đó, các hoạt động hòa bình ủng hộ Việt Nam diễn ra ở rất nhiều nước, trong đó có những hoạt động diễn ra ngay tại chính nước Pháp như hành động quả cảm của chiến sĩ hòa bình Pháp phản chiến - Raymonde Dien, người nằm trên đường ray để ngăn chặn đoàn tàu chở vũ khí sang Việt Nam.

Những quan điểm ủng hộ Việt Nam, hành động quả cảm của các chiến sĩ hòa bình khiến chính phủ Pháp không hài lòng với Hội đồng Hòa bình thế giới, đã trục xuất Ban chấp hành ra khỏi nước Pháp.

Những năm 1960, khi quân đội Mỹ can thiệp vào Việt Nam, Hội đồng Hòa bình thế giới, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Romesh Chandra, xác định nhiệm vụ đoàn kết ủng hộ Việt Nam là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Hội đồng.

Với lời kêu gọi của Hội đồng, phong trào hòa bình thế giới diễn ra ở hầu hết các nước với hàng ngàn cuộc mít tinh, tuần hành, các hoạt động chính trị, văn hóa, kêu gọi gây quỹ đoàn kết, ủng hộ Việt Nam, nhiều tài liệu, tờ rơi, áp phích phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ ở Việt Nam được lưu hành...

Thời kỳ Việt Nam bắt đầu tiến hành công cuộc đổi mới, Hội đồng Hòa bình thế giới cũng đoàn kết, kề vai sát cánh, ủng hộ Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh.

Trong năm 2010, Hội đồng đã ra Nghị quyết lấy ngày 10 tháng 8 hàng năm là ngày quốc tế đoàn kết với nạn nhân da cam Việt Nam. Hội đồng Hòa bình cũng tổ chức các hoạt động kêu gọi nhân dân thế giới ủng hộ các vấn đề thuộc về lợi ích quốc gia dân tộc Việt Nam như vấn đề Biển Đông, dân chủ, nhân quyền, khắc phục hậu quả bom mìn...

Có thể nói, Hội đồng Hòa bình thế giới là tổ chức lãnh đạo các phong trào hòa bình trên thế giới, tập hợp các lực lượng tiến bộ, dân chủ để kiên trì mục tiêu đấu tranh, gìn giữ hòa bình, không chỉ cho Việt Nam mà còn cho tất cả các nước trên thế giới.

Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã có đóng góp gì cho phong trào hòa bình thế giới?

Đối với Việt Nam, Ủy ban Hòa bình Việt Nam là một thành viên sáng lập Hội đồng Hòa bình thế giới. Từ đó tới nay, Việt Nam luôn thể hiện được vị trí, vai trò sáng lập này, đồng thời tham gia tích cực, chủ động vào các hoạt động của Hội đồng.

Cụ thể, Việt Nam đã tham gia đầy đủ các kỳ đại hội của Hội đồng Hòa bình thế giới, các hội nghị của Ban chấp hành ở khu vực cũng như của Hội đồng Hòa bình thế giới được tổ chức ở các nước là thành viên của Hội đồng.

Không chỉ tích cực tham gia diễn đàn chống bom nguyên tử của Hội đồng Hòa bình thế giới, Việt Nam còn có các hoạt động ủng hộ phong trào hòa bình do Hội đồng phát động. Hiện nay, quan niệm về hòa bình không phải chỉ là không có chiến tranh mà còn là phát triển, đảm bảo quyền con người, môi trường...

Với quan điểm này, Việt Nam đã tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo để hưởng ứng. Chẳng hạn, Việt Nam luôn cử đại biểu tham gia Hội nghị Pugwash - nơi chuyên nghiên cứu và thảo luận những chủ đề liên quan đến sự phát triển của thế giới như khoa học công nghệ, vấn đề môi trường...

Gần đây nhất, năm 2017, Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành của Hội đồng Hòa bình thế giới tại Hà Nội. Tại Hội nghị này, ta đã phối hợp với Hội đồng Hòa bình thế giới tổ chức kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga.

Ủy ban Hòa bình Việt Nam tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh ủng hộ nhân dân Á - Phi - Mỹ Latinh giành độc lập dân tộc. Việt Nam rất vinh dự khi Hội đồng Hòa bình thế giới sáng lập Giải thưởng Hồ Chí Minh để trao cho các nhà lãnh đạo phong trào hòa bình, trong đó nhà lãnh đạo phong trào hòa bình của Palestine Yasser Arafat, của Nam Phi, Namibia đã được nhận giải.

Một điểm đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được vinh danh là chiến sĩ "hòa bình số 1" và được suy tôn là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Ủy ban Bảo vệ Hòa bình thế giới của Việt Nam.

Chính uy tín của Người đã nâng cao vai trò, vị thế của Ủy ban Hòa bình Việt Nam sau này đối với bạn bè là các tổ chức thành viên của Hội đồng Hòa bình thế giới.

Vì sao Hội đồng Hòa bình thế giới và các tổ chức thành viên lựa chọn việc tổ chức Đại hội lần thứ 22 tại Việt Nam?

Trước tiên, phải nói rằng giữa Việt Nam và Hội đồng Hòa bình thế giới có lịch sử quan hệ tốt đẹp từ khi Việt Nam là một trong những nước sáng lập Hội đồng Hòa bình thế giới. Vai trò của Việt Nam đối với các hoạt động hòa bình thế giới được bạn bè quốc tế và các thành viên của Hội đồng thừa nhận.

Thứ hai, Việt Nam là một đất nước thanh bình, ổn định, hội nhập và phát triển. Nhân dân Việt Nam có truyền thống yêu nước, hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, thân thiện, giàu lòng mến khách, thủy chung, tình nghĩa.

Thứ ba, trong công cuộc đổi mới suốt 35 năm qua, Việt Nam đã giành được những thành tựu to lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, là một trong số ít nước khống chế tốt đại dịch Covid-19.

Trong 2 năm qua, dù nhiều nước trên thế giới rơi vào khủng hoảng, suy thoái, song tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu tích cực.

Thứ tư, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Ủy ban Hòa bình Việt Nam là những tổ chức có năng lực và kinh nghiệm tổ chức các sự kiện lớn của đối ngoại nhân dân đa phương, trong đó, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Ban chấp hành Hội đồng Hòa bình thế giới.

Điều này có ý nghĩa gì đối với Ủy ban Hòa bình Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung, thưa ông?

Những điều đó làm cho bạn bè quốc tế thấy rằng, việc chọn Việt Nam để tổ chức Đại hội lần thứ 22 là hợp lý. Đây là trách nhiệm đồng thời là vinh dự lớn đối với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và Ủy ban Hòa bình Việt Nam, là cơ hội để chúng ta giới thiệu với bạn bè về lịch sử, truyền thống đấu tranh, giữ gìn độc lập, tự do của đất nước cũng như những thành tựu về đổi mới Việt Nam.

Tại Đại hội lần này, Việt Nam mong muốn truyền tải thông điệp gì tới bạn bè quốc tế?

Đối với bạn bè quốc tế và các thành viên của Hội đồng Hòa bình thế giới, thông qua Đại hội lần này chúng ta muốn gửi đến các bạn thông điệp về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong quá khứ và trong thời kỳ đổi mới hiện nay.

Chúng ta tuyên truyền tới bạn bè quốc tế về đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa; Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước, các đối tác trên cơ sở không can thiệp vào công việc nội bộ, tôn trọng độc lập, tự chủ cũng như thể hiện vai trò là thành viên tích cực trong cộng đồng quốc tế.

Đại hội lần này cũng thể hiện đóng góp của Ủy ban Hòa bình Việt Nam đối với phong trào hòa bình thế giới và Hội đồng Hòa bình thế giới.

Bạn bè quốc tế, nhất là các tổ chức thành viên của Hội đồng Hòa bình thế giới, quan tâm, tìm hiểu về những thành tựu và bài học kinh nghiệm trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Qua Đại hội, bạn bè quốc tế sẽ thấy được những thành tựu mà sức sống của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mang lại cho Việt Nam.

Một thông điệp khác Việt Nam muốn truyền tải đến bạn bè quốc tế là lòng biết ơn, tri ân đối với bạn bè quốc tế, trong đó có Hội đồng Hòa bình thế giới và các tổ chức thành viên của Hội đồng suốt hơn 7 thập kỷ qua, đã luôn kề vai sát cánh, ủng hộ, đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Đối với nhân dân Việt Nam, Đại hội là dịp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, đối với vai trò, giá trị của hòa bình đối với công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Đoàn kết quốc tế, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế là một trong những nhân tố quan trọng làm nên thắng lợi của cách mạng Việt Nam, nhất là trong các cuộc kháng chiến trước đây và trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ đất nước ngày hôm nay.

Chúng tôi cũng muốn qua Đại hội lần này chuyển đến một thông điệp “nhiệm vụ gìn giữ, bảo vệ hòa bình là công việc của tất cả mọi người” như lời của nhà bác học Frédéric Joliot-Curie - Chủ tịch đầu tiên của Hội đồng Hòa bình thế giới đã từng nói.

Xin cảm ơn ông!