📞
Việt Nam nằm trong nhóm 8 nước tiêu biểu của Đông Nam Á về tăng trưởng

Việt Nam nằm trong nhóm 8 nước tiêu biểu của Đông Nam Á về tăng trưởng

10:07 | 16/09/2018
Đài BBC ngày 14/9 đưa tin, theo một báo cáo gần đây nhất của Viện Toàn cầu McKinsey (Tập đoàn tư vấn chiến lược kinh doanh quốc tế McKinsey), Việt Nam nằm trong nhóm 8 nước tiêu biểu của Đông Nam Á.

Báo cáo điểm tên 18 nền kinh tế mới nổi tiêu biểu trong khu vực, trong đó, có 8 đại diện từ Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Các nền kinh tế được cho là vượt trội nếu chỉ số GDP hàng năm bình quân đầu người đạt ít nhất 3,5% trong 50 năm hoặc 5% trong 20 năm. Trong đó, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan là những quốc gia “xuất chúng lâu dài” vì đạt mức chuẩn 50 năm và nhóm Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar là các quốc gia “xuất chúng gần đây” vì đạt mức chuẩn 20 năm.

Một cộng đồng ASEAN phát triển. (Nguồn: JOC.) 

Oliver Tonby, Giám đốc điều hành và Chủ tịch văn phòng McKinsey tại châu Á cho biết: “Mức tăng trưởng xuất sắc của các nước ASEAN không gây bất ngờ cho nhiều nước trong khu vực”.

Nhưng các nước ASEAN sẽ phải đối mặt với thách thức duy trì đà tăng trưởng và thu hẹp khoảng cách GDP giữa hai nhóm nước trên.

Báo cáo của McKinsey đánh giá sự phát triển của 8 nước Đông Nam Á và khuyến khích rằng nếu nền kinh tế ASEAN có thể tăng trưởng ở 4,1% hàng năm từ nay cho đến 2030, thì GDP của khu vực sẽ gấp đôi, đến 5 nghìn tỷ USD, đóng góp cho 5% GDP của toàn thế giới. Và điều này sẽ phụ thuộc nhiều vào bốn hùng cường của ASEAN là Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.

Vai trò của chính quyền

Chính quyền đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng ở các nước ASEAN, nhất là ở các nước thu nhập thấp với tình trạng chính quyền thiếu được giám sát, kiểm tra. Ở các nước thu nhập cao như Singapore, Malaysia, chính phủ giúp chuyển đổi các nguồn ngân quỹ tiết kiệm sang vốn đầu tư, thường thông qua các doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp liên doanh. Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc đến tình trạng chính quyền bảo hộ cho các doanh nghiệp nhà nước khỏi các đối thủ cạnh tranh hay áp lực của các cổ đông.

MGI dẫn chứng Việt Nam có một số lượng lớn doanh nghiệp nhà nước kém năng suất, với tỉ lệ tăng trưởng hằng năm chỉ đạt 3,8% từ 2006-2016, trong khi các doanh nghiệp tư nhân đạt 4,9%, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 7,7%. Bản báo cáo khuyến nghị Việt Nam cần phải có các chính sách giúp tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh hơn nếu muốn theo kịp Singapore và Malaysia.

Chính sách tích lũy vốn - chìa khóa thành công

Báo cáo của McKinsey cho rằng có hai bí quyết giúp phát triển tăng trưởng của ASEAN, thứ nhất là các chính sách khuyến khích tăng trưởng và thứ hai là vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp lớn. Trong bí quyết đầu tiên, chính sách tích lũy vốn đã đem lại kết quả rất thành công cho các nước ASEAN.

Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan đã tiến hành tích lũy từ những thập niên 70. Từ 2000 đến 2015, lượng ngân quỹ tích lũy đã đạt 51% GDP của nước này, trong khi Malaysia đã tiết kiệm được 40%, Indonesia 32% và Thái Lan 30%. Đặc điểm chung, đây là bốn quốc gia hùng cường nhất về kinh tế ở Đông Nam Á. Việt Nam cũng chỉ mới bắt đầu thực hiện chính sách này trong 20 năm trở lại đây. Tỷ lệ tiết kiệm cao tương quan với mức độ đầu tư tăng mạnh. Trung bình, các quốc gia “xuất chúng lâu dài” đầu tư khoảng 30% GDP trong khi các quốc gia “xuất chúng gần đây” chỉ được khoảng 20%. Để Đông Nam Á có thể đạt được tiềm năng kinh tế tối đa, McKinsey đưa ra ba đề nghị cho các nhà chính sách và các lãnh đạo doanh nghiệp, đó là tiến bộ công nghệ, tái cơ cấu thị trường lao động và nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Diann-Yi Lin, đồng tác giả của báo cáo và đối tác quản lý của McKinsey tại Singapore nói: “Kỷ lục về tiết kiệm ngân quỹ trong nước của các nước ASEAN là rất mạnh và đây là một trong những chìa khóa thành công. Thách thức mới sẽ là nâng cao Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) để đà tăng trưởng của ASEAN có thể tiếp tục kéo dài trong tương lai, ngay cả khi năng suất toàn cầu giảm đi”. Báo cáo này của Viện McKinsey nghiên cứu 71 nền kinh tế mới nổi trên toàn thế giới./.

(theo TTXVN)