📞

Việt Nam-Nga thảo luận các vấn đề hợp tác kinh tế thương mại trong bối cảnh mới

Chu Văn 06:23 | 23/12/2020
TGVN. Ngày 22/12, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đã tổ chức Hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến “Thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại Việt Nam-Nga trong bối cảnh mới” tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Moscow và nhiều điểm cầu khác.

Hội thảo nhằm đánh giá tình hình quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và LB Nga thời gian vừa qua, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Tham dự Hội thảo có khoảng 150 đại biểu, gồm đại diện của Bộ Phát triển kinh tế, Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao Nga; Phòng Thương mại và Công nghiệp Nga, Viện Kinh tế Viện Hàn lâm khoa học Nga, Ủy ban Đối ngoại Saint - Petersburg; Hội đồng Doanh nghiệp Nga - Việt, Hiệp hội Business Russia, Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân hợp tác với châu Á, Ngân hàng đầu tư quốc tế, Ngân hàng Solidarnost, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại LB Nga, Hội hữu nghị Nga-Việt; các tỉnh: Vladimir, Voronhezh, thành phố St. Petersburg (LB Nga), phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình của LB Nga và Việt Nam.

Đại sứ Ngô Đức Mạnh phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Đại sứ Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh nhấn mạnh, năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, tác động mạnh mẽ, sâu rộng đến thương mại quốc tế nói chung và hợp tác kinh tế thương mại giữa các quốc gia nói riêng, song theo số liệu của Hải quan Việt Nam, 11 tháng đầu năm, kim ngạch thương mại hai nước đạt 4,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2019.

Về triển vọng hợp tác, Đại sứ Ngô Đức Mạnh cho rằng, bước sang năm 2021, Việt Nam và Nga bắt đầu bước vào một giai đoạn hợp tác mới sau 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong bối cảnh này, điều quan trọng là phải tiếp tục duy trì, tạo thêm được động lực cho sự phát triển của thương mại song phương, kết hợp chặt chẽ những thế mạnh của hai bên để tạo ra lợi ích lớn hơn nữa, góp phần tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

"Hội thảo là một diễn đàn tốt để các bên có thể tìm hiểu nhu cầu và thế mạnh của nhau, từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới", Đại sứ nhận định.

Đại sứ Ngô Đức Mạnh cũng chỉ ra, với thị trường gần 100 triệu dân, nền kinh tế phát triển năng động, Việt Nam cần phải tăng tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu tới LB Nga. Các lĩnh vực như nông nghiệp, chăn nuôi bò sữa, chế biến các sản phẩm sữa, hình thành các chuỗi giá trị mới trong hợp tác nghề cá, công nghệ cao và thông tin… có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới giữa hai nước.

Về phần mình, Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga luôn là chỗ dựa vững chắc cho các doanh nghiệp hai nước, sẵn sàng cung cấp thông tin về tiềm năng, cơ hội đầu tư, là cầu nối giúp cộng đồng doanh nghiệp xích lại gần nhau.

Toàn cảnh hội thảo.

Trong khuôn khổ Hội thảo, đại diện các bộ, ngành liên bang, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cũng như các doanh nghiệp đã trình bày bức tranh tổng thể về tình hình hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và LB Nga nói chung và giữa các địa phương của hai nước nói riêng trong năm 2020, đặc biệt dưới tác động của đại dịch Covid-19; đánh giá những thời cơ, thách thức tác động đến hợp tác kinh tế-thương mại hai nước, qua đó đưa ra nhiều giải pháp, khuyến nghị về mô hình, lĩnh vực hợp tác, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại trong bối cảnh mới.

Các ý kiến phát biểu tại Hội thảo khẳng định, hai nước Nga có rất nhiều điều kiện đẩy mạnh hợp tác trong một lĩnh vực trụ cột là kinh tế - thương mại, góp phần làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện. Trong 11 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu từ Việt Nam vào Nga đạt 2,64 tỷ USD, tăng 5,2%; xuất khẩu từ Nga vào Việt Nam đạt 1,9 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ 2019.

Hiện nay, danh mục các mặt hàng xuất nhập khẩu hai nước đã được mở rộng, ngoài các mặt hàng truyền thống như nông, hải sản, Việt Nam đã trở thành một trong những nhà cung cấp lớn vào thị trường Nga các mặt hàng cà phê, trà, dệt may, giày dép, máy tính, smartphone, các thiết bị điện tử. Việt Nam cũng nhập khẩu từ Nga than đá, các sản phẩm từ dầu mỏ, phân bón, kim loại, lúa mỳ, gỗ, thịt…

Hai nước đã trở thành bạn hàng quan trọng của nhau trong hợp tác kinh tế-thương mại; Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Nga trong số các nước ASEAN và đứng thứ 5 trong khối APEC.

Các đại biểu Nga cũng chỉ ra, với việc tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2018 và nằm trong nhóm 10 quốc gia đứng đầu thế giới về chỉ số hiểu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2020, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư từ Nga.

Đầu tư tại Việt Nam cho phép các doanh nghiệp Nga tiếp cận với nhiều lợi thế: thị trường nội bộ với gần 100 triệu dân, đồng thời thông qua Việt Nam, có thể tiếp cận thị trường rộng lớn với 3,5 tỷ dân; giá điện và chi phí nhân công thấp; tỷ lệ lạm phát ổn định ở mức dưới 4%...

Việt Nam hiện cũng là một trong những nền kinh tế hội nhập và mở cửa nhất, đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước và khu vực, chiếm tỷ trọng khoảng 78% GDP thế giới; môi trường chính trị ổn định. Các đại biểu bày tỏ tin tưởng, hợp tác kinh tế, thương mại Việt-Nga sẽ vượt qua được những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Toàn cảnh hội thảo.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu phát triển rất tích cực thời gian qua, Hội thảo cũng cho thấy, quan hệ kinh tế - thương mại Việt-Nga còn khiêm tốn và chưa phù hợp quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều mới chỉ chiếm 0,7% và 0,9% trong tổng kim ngạch ngoại thương của Nga và Việt Nam.

Do đó, để mở rộng và tăng cường hợp tác thời gian tới, các cơ quan chức năng hai nước cần phổ biến, tuyên truyền sâu rộng về Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á-Âu cũng như những ưu đãi mà Hiệp định mang lại; đồng thời cần khắc phục những hàng rào cản trở về hành chính, hải quan, kiểm định chất lượng, kỹ thuật.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai nước cần tích cực tìm hiểu hơn về tiềm năng hợp tác, đầu tư ở mỗi nước, tham gia các hội chợ, triển lãm của nhau...

Trong khuôn khổ Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cũng như các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận về tác động từ việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đối với hợp tác kinh tế - thương mại Việt-Nga, về cơ hội mà Nga có thể tranh thủ, tận dụng những lợi thế của Việt Nam có được từ việc tham gia Hiệp định này để đẩy mạnh xúc tiến và cung cấp hàng hóa cho thị trường châu Á; coi đẩy mạnh hợp tác giữa các địa phương là nhân tố quan trọng nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại hai nước.

Hội thảo cũng giới thiệu mô hình hỗ trợ kết nối hiệu quả doanh nghiệp Việt-Nga thông qua nền tảng trực tuyến trong bối cảnh đại dịch cũng như một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tăng cường hợp tác trong bối cảnh mới…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang tiếp tục hoành hành ở nhiều quốc gia trên thế giới, Hội thảo là cơ hội tốt để doanh nghiệp hai nước tìm hiểu nhu cầu và thế mạnh của nhau, qua đó tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh, tiếp cận thị trường, thúc đẩy kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và LB Nga tăng trưởng và bền vững.

(theo Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga)