📞

Việt Nam ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư châu Âu

22:10 | 05/12/2014
Nhận định bên lề buổi họp báo công bố Sách Trắng lần thứ 7 được tổ chức mới đây tại Hà Nội, ông Remco Gaanderse, Phó Chủ tịch EuroCham (ảnh) cho rằng, Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư châu Âu, đặc biệt là sau một loạt những thay đổi tích cực từ phía Chính phủ thời gian qua.

Ông có thể tóm lược những vấn đề chính được đưa ra trong ấn phẩm Sách Trắng năm 2015? Đâu là vấn đề cấp thiết nhất mà Việt Nam cần phải tập trung cải thiện trong thời gian tới?

Sách Trắng là ấn phẩm thường niên đưa ra những đánh giá tổng thể về môi trường kinh doanh, kinh tế và pháp lý hiện tại của Việt Nam dưới góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu. Sách Trắng năm 2015 gồm 21 chương, trong đó có 9 chương về vấn đề liên ngành và 12 chương về các vấn đề của ngành. Chúng tôi không đề cập đến tất cả các lĩnh vực mà chúng tôi tập trung vào các lĩnh vực trọng yếu nhất, quan trọng nhất.

Một trong những vấn đề nổi lên trong ấn phẩm Sách Trắng năm nay đó là tính minh bạch. Nhiều doanh nghiệp châu Âu chần chừ khi làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam do lo ngại sự thiếu minh bạch, trách nhiệm giải trình và thực hiện khuôn khổ pháp lý. EuroCham là một trong những cơ quan đưa ra sáng kiến liên minh liêm chính ở Việt Nam. Vì vậy, khi doanh nghiệp châu Âu quyết định đầu tư vào Việt Nam, vấn đề họ quan tâm nhiều nhất vẫn luôn là tính minh bạch.

Một vấn đề quan trọng khác mà năm nay tiếp tục được chúng tôi nhắc lại là vấn đề liên quan tới thuế. Đây là vấn đề nhiều doanh nghiệp châu Âu quan tâm. Thời gian qua, đã có nhiều chuyển biến tích cực trong chính sách thuế của Việt Nam. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn cần có sự thay đổi, cải thiện hơn nữa trong những lĩnh vực liên quan tới thuế. EuroCham mong muốn những cải tiến sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tại Việt Nam thu hút thêm nhiều nguồn đầu tư mới.

Chúng tôi cũng rất quan tâm đến quá trình đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU). Khi Hiệp định được ký kết, việc giảm thuế sẽ giúp tăng cường thương mại giữa Việt Nam và EU và gia tăng xuất khẩu từ Việt Nam sang EU. Dự kiến, việc giảm và bãi bỏ thuế quan thông qua đàm phán sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng từ 30 đến 40% và chiều ngược lại tăng 25 đến 35%. Những kết quả thu được từ FTA Việt Nam – EU cũng sẽ có tác động tích cực đến nền kinh tế và các ngành nghề tại Việt Nam.

Song FTA không phải tất cả. Các doanh nghiệp châu Âu còn nhìn thấy cơ hội lớn từ việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015. AEC được kỳ vọng sẽ trở thành một khu vực trong đó hàng hoá có thể lưu thông tự do, thuế hải quan trên hàng hoá sẽ giảm dần xuống mức 0%. AEC cũng cho phép dịch chuyển tự do dịch vụ, lao động và dòng vốn đầu tư vào khu vực. Khi đầu tư vào Việt Nam, chúng tôi không chỉ nhìn thấy một thị trường Việt Nam đơn lẻ mà là thị trường ASEAN với hơn 600 triệu dân.

Những vấn đề được EuroCham đưa ra trong ấn phẩm Sách Trắng thời gian gần đây đã được Việt Nam chú ý và giải quyết như thế nào, thưa ông?

Mặc dù ấn phẩm Sách Trắng đã được chúng tôi xuất bản thường niên nhưng một số vấn đề chúng tôi nêu ra trong ấn phẩm này vẫn chưa thực sự được quan tâm và giải quyết thấu đáo. Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục kiên trì theo đuổi và đưa ra những kiến nghị cho Chính phủ. Thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã có nhiều phiên họp, làm việc trực tiếp với các thành viên chính phủ và những bộ ngành liên quan để thảo luận cụ thể hơn về các kiến nghị được đưa ra trong Sách Trắng. Rõ ràng, một số vấn đề đã được Chính phủ Việt Nam quan tâm, tiếp thu và đã có những bước thay đổi tích cực, đặc biệt là trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập vào năm 2015.

EuroCham hy vọng thông qua ấn phẩm Sách Trắng, Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục xem xét lắng nghe những ý kiến, khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu, giúp góp phần cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam trong tương lai.

Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Luật Đầu tư (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp khi đầu tư tại Việt Nam. Phản ứng của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu trước động thái này như thế nào?

Nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp châu Âu đánh giá cao và rất hoan nghênh những thay đổi tích cực từ phía Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ, đặc biệt là những thay đổi với mục đích cuối cùng là hướng đến một thị trường tự do hơn và một môi trường đầu tư tốt hơn.

Với những thay đổi tích cực đó, Việt Nam đang ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư châu Âu, thể hiện rõ qua chỉ số môi trường kinh doanh tăng từ 66 điểm quý trước lên 74 điểm trong quý III/2014, tiệm cận mức cao hồi 2011. So với năm ngoái, Việt Nam đã cải thiện 24 điểm trên thang điểm 100.

Trong quá trình soạn thảo Sách Trắng, chúng tôi vẫn thường xuyên cập nhật những thay đổi về chính sách mới của Chính phủ. Rất tiếc là ấn phẩm Sách Trắng 2015 được xuất bản khi Quốc hội thông qua các dự luật trên nên nhiều thay đổi tích cực trong các dự luật gần đây vẫn chưa được phản ánh trong Sách Trắng 2015. Chắc chắn, chúng tôi sẽ đưa vào trong ấn phẩm Sách Trắng năm tiếp theo.

EuroCham sẽ có những hỗ trợ gì đối với các doanh nghiệp châu Âu quan tâm và muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là sau khi FTA Việt Nam – EU được ký kết?

EuroCham đại diện cho tiếng nói của 850 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Trong suốt quá trình đàm phán FTA Việt Nam – EU, EuroCham đã làm việc chặt chẽ với các đoàn đại biểu châu Âu và chính quyền Việt Nam để thúc đẩy lợi ích của các doanh nghiệp thành viên cũng như hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp châu Âu quan tâm và muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam. Sau khi Hiệp định được ký kết, EuroCham sẽ phổ biến cho các doanh nghiệp thành viên về những lợi ích của FTA tại thị trường Việt Nam và tiếp tục làm việc cùng Chính phủ Việt Nam nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết đưa ra trong FTA.

Kim Giang (thực hiện)