📞

Việt Nam-Nhật Bản: Đến ngày ‘hoa nở’, sử mới sang trang

Trường Sơn 19:21 | 30/11/2023
Chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Nhật Bản trên cương vị người đứng đầu Nhà nước (từ ngày 27-30/11) với gần 40 hoạt động chính là điểm nhấn quan trọng nhất trong chuỗi khoảng 500 sự kiện kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản, mở ra trang sử mới của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.

“Đồng văn, đồng chúng, đồng châu” - nhận định của Nhà chí sĩ Phan Bội Châu (1867-1940), cùng với “trái tim đồng hành” của hai người bạn, mối quan hệ Việt Nam-Nhật Bản tự nhiên như “sông suối, mây trời”, “đến ngày hoa nở”, đi qua một cột mốc thì sử mới lại sang trang, tương lai tiếp tục được soi sáng...

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản.

Cuộc hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân kéo dài hơn một tiếng so với dự kiến, những bước chân bịn rịn chẳng muốn rời, gợi lại kỷ niệm của những lần quá giờ, “cháy kịch bản” khi Nhà vua Akihito và Hoàng hậu Michiko thăm Việt Nam năm 2017.

Phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản - cơ quan lập pháp lâu đời nhất ở châu Á, người đứng đầu Nhà nước Việt Nam nhắc lại kỷ niệm tuổi trẻ của chính mình gắn với đất nước và con người Nhật Bản mến khách và thân tình - đất nước đẹp như những bông anh đào với những tâm hồn sâu lắng như vần thơ Haiku. Rồi thêm nữa, trong các trao đổi xuyên suốt chuyến thăm, không ít lần các nhà lãnh đạo hai nước gợi lại mối “lương duyên trời định” khởi nguồn từ những giao lưu nhân dân từ hơn 1.000 năm trước…

Cảm nhận như vậy đủ để thấy chuyến thăm đâu đơn thuần là một chuyến thăm chính thức, đó còn đại diện một sự hội ngộ của những tấm chân tình. Chuyến thăm cũng đâu chỉ nói câu chuyện của hiện tại mà là cả thông điệp biết ơn, trân trọng tới quá khứ để vững tin hơn tương lai. Bên cạnh hội đàm, hội kiến, chuyến thăm còn có những khoảnh khắc “đậm tình thân” trên đất Phù Tang - Chủ tịch nước gặp lại những người bạn cũ (trong đó có các chính trị gia), gặp gia đình homestay Nhật Bản từng đón tiếp thanh niên Việt Nam qua các chương trình giao lưu hay động viên những chàng trai mang tinh thần khởi nghiệp ở tiệm Bánh mì Việt giữa lòng Tokyo tấp nập…

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida Fumio.

Khuôn khổ mới từ lòng tin vững chắc

Niềm hân hoan kéo dài cả chuyến thăm chính là “tin vui” được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Kishida Fumio tuyên bố ngay sau cuộc hội đàm về việc nhất trí nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới. Đây là sự kiện quan trọng, mở ra trang mới, nới rộng không gian hợp tác quan hệ Việt Nam-Nhật Bản phát triển thực chất, toàn diện, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, đáp ứng lợi ích của hai bên, đóng góp vào hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và thế giới. Như vậy, hơn bao giờ hết, khuôn khổ quan hệ mới này phản ánh mức độ tin cậy chính trị cao và sự chín muồi của quan hệ Việt Nam-Nhật Bản.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra trang sử mới cho quan hệ song phương vào ngày 21/9/21973. Từ đó đến nay, sau chặng đường dài tròn nửa thế kỷ, với sự tương đồng về văn hóa, sự giao thoa lợi ích, sự tin cậy chính trị và đặc biệt với sự nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác, hữu nghị hai nước đã phát triển mạnh mẽ, thực chất, sâu rộng và đạt nhiều thành tựu quan trọng, to lớn trên hầu hết các lĩnh vực. Quan hệ chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hoá, giáo dục, địa phương, giao lưu nhân dân được tăng cường trên tất cả các kênh; phát triển thực chất và ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, trở thành những cầu nối vững chắc cho mối quan hệ hai nước phát triển bền vững và lâu dài.

“Hình ảnh hoa anh đào, áo kimono... ngày càng trở nên quen thuộc tại Việt Nam. Ngược lại, những nét văn hóa Việt Nam qua bộ áo dài, hình ảnh hoa sen, các món ăn ưa thích của Việt Nam như phở, bánh mì... dần trở nên quen thuộc ở đất nước Nhật Bản”, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn chứng trong chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản được tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm.

“Trái ngọt” của năm thập kỷ bền bỉ gắn kết đó là nền tảng vững chắc để hai dân tộc tự tin cùng nhau đi tới tương lai đúng như tinh thần Việt-Nhật đồng hành, hướng tới tương lai, vươn tầm thế giới.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 27/11.

Định hướng mới trong “từng khoảnh khắc”

Khuôn khổ mới đồng nghĩa với việc hai nước có những định hướng mới cho hành trình mới một cách toàn diện. Thông qua Tuyên bố chung và các cuộc trao đổi, hai bên đạt nhất trí cao về các định hướng lớn, quan trọng trong quan hệ hai nước thời gian tới. Những “kim chỉ nam” này được khái quát trong “sáu tăng cường” mà Chủ tịch nước nhấn mạnh khi phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản.

Một là, tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực bao gồm trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, giao lưu giữa các nghị sĩ và đại biểu Quốc hội hai nước.

Hai là, tăng cường liên kết giữa hai nền kinh tế, xác định hợp tác kinh tế là trụ cột trọng tâm; kỳ vọng Nhật Bản sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Việt Nam cam kết sẽ là điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp Nhật Bản.

Ba là, tăng cường hợp tác về quốc phòng, an ninh trên cơ sở Tuyên bố Tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng Việt Nam-Nhật Bản hướng tới thập kỷ tiếp theo.

Bốn là, tăng cường hơn nữa hợp tác địa phương, giáo dục - đào tạo, văn hóa, du lịch, lao động và giao lưu nhân dân.

Năm là, tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mới. Việt Nam kỳ vọng Nhật Bản sẽ trở thành nhà đầu tư và đối tác chiến lược trong lĩnh vực năng lượng sạch, tái tạo, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Sáu là, tăng cường hợp tác, phối hợp trên các diễn đàn đa phương và khu vực. Tương lai của Việt Nam và Nhật Bản gắn liền với hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và toàn cầu.

Trên tinh thần và khí thế đó, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng kết lại bài phát biểu của mình bằng quyết tâm xây dựng quan hệ hai nước thực sự là: “Bạn bè chân thành, đối tác tin cậy, hợp tác chiếc lược, tương lai vững bền”.

Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Phu nhân Phan Thị Thanh Tâm cùng Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko tham dự lễ kỷ niệm.

Tình thân cũ thêm phần sâu sắc

“Tình thân” có lẽ là một nét đặc biệt trong quan hệ Việt Nam-Nhật Bản và giữa cá nhân các nhà lãnh đạo hai nước dọc dài lịch sử quan hệ song phương.

Xuyên suốt chuyến thăm, phía Nhật Bản dành cho Chủ tịch nước cùng Phu nhân và đoàn đại biểu Việt Nam mức đón tiếp hết sức đặc biệt. Nhà vua và Hoàng hậu chiêu đãi và trao đổi thân tình, trọng thị với Chủ tịch nước và Phu nhân. Chủ tịch nước đã có nhiều cuộc trao đổi tiếp xúc với lãnh đạo của Hoàng gia, Chính phủ, Quốc hội và đông đảo các tổ chức kinh tế - xã hội, hội hữu nghị, các chính trị gia có nhiều đóng góp cho quan hệ với Việt Nam…; cùng lãnh đạo và bạn bè Nhật Bản dự Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao được tổ chức trọng thể tại Nhà khách Hoàng gia Minh Trị…

Dù nhiều năm đã qua đi nhưng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vẫn giữ y nguyên những kỷ niệm tốt đẹp về các gia đình homestay Nhật Bản từng giúp đỡ cá nhân Chủ tịch nước và nhiều thanh niên Việt Nam qua các chương trình giao lưu thanh niên.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản.

Trong bài phát biểu tại Quốc hội, Chủ tịch nước khẳng định, mối quan hệ “đậm tình” Việt Nam - Nhật Bản là tài sản quý báu. Ngay tại Quốc hội Nhật Bản, một phần ba nghị sĩ là thành viên Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam. Họ chính là cầu nối quan trọng trong quan hệ hai nước. Tình thân, những người bạn lâu năm là chất keo gắn kết quan hệ hai nước phát triển vững chắc trong 50 năm qua và tiếp tục bền chặt trong 50 năm tới và lâu hơn thế.

Rồi ngày mai sẽ khác, hoa sẽ nở trên những mảnh đất mà sóng thần tàn bạo từng đi qua cũng như lúa sẽ trổ bông vàng trên những dải đất từng ghim bom mìn, đạn lạc. Như hình ảnh mà Chủ tịch Thượng viện Otsuji Hidehisa ví von sau bài phát biểu tại Quốc hội của Chủ tịch nước về nét tương đồng trong phẩm chất tốt đẹp của hai dân tộc: Giống như hoa sen của Việt Nam và hoa anh đào của Nhật Bản, luôn biết vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, vươn mình tỏa hương.

Cùng là những đất nước phải vươn mình đứng dậy sau những thăng trầm, Việt Nam và Nhật Bản hiểu rõ giá trị của những người bạn đồng hành cùng chung “nhịp đập trái tim” hướng về phía trước. Chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới xứ sở hoa anh đào khép lại bằng một niềm hân hoan rộn ràng với một chương sử mới mà ở đó “hai người bạn” Việt Nam-Nhật Bản lại sánh bước cùng nhau, thân tình, gần gũi và nỗ lực vươn lên vì một tương lai tốt đẹp hơn của hai dân tộc.

Thông qua bài phát biểu tại Quốc hội Nhật Bản, Chủ tịch nước truyền tải thông điệp tới tất cả lãnh đạo và đông đảo người dân Nhật Bản về một đất nước Việt Nam đổi mới, mở cửa, yêu chuộng hòa bình, khát vọng phát triển, về chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như mong muốn tăng cường hợp tác, chia sẻ lợi ích và cơ hội phát triển với Nhật Bản.