📞
Kỳ 3: Hợp tác kinh tế Việt - Nhật cất cánh

Việt Nam-Nhật Bản và 20 năm khôi phục hợp tác kinh tế

14:09 | 04/10/2013
Trong 20 năm qua, Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ phát triển (ODA) lớn nhất cho Việt Nam, chiếm trên 30% tổng cam kết viện trợ của các nước cho Việt Nam. Nhìn vào những công trình xây dựng ở nước ta có phần đóng góp từ ODA Nhật Bản, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Võ Văn Sung nhấn mạnh: "Trong quan hệ hợp tác Nhật-Việt cất cánh 20 năm nay chắc chắn phải có nền tảng của truyền thống 500 năm giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước".
Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam (đoạn Bến Lức - Long Thành) sử dụng vốn ODA của Nhật Bản.

Hiện nay, vốn vay ODA Nhật Bản (NB) dành cho Việt Nam (VN) khoảng 200 tỷ Yen mỗi năm và viện trợ không hoàn lại bình quân hàng năm khoảng 10 tỷ Yen. Đó là khoản viện trợ nước ngoài cho VN lớn nhất.

Hiệu quả sử dụng ODA

Có thể nói, NB luôn dành cho VN phần cho vay ưu đãi với mức lãi suất rất thấp và cam kết luôn cao hơn so với khả năng giải ngân của VN. VN chỉ sử dụng phù hợp với năng lực thực hiện có hiệu quả của mình.

Ví dụ, giai đoạn 1992-1995, NB cam kết viện trợ 225,5 tỷ Yen, nhưng VN chỉ dùng 2,92 tỷ Yen. Từ 1996-1998, mức sử dụng của VN tăng lên, nhưng cũng chỉ 25% mức cam kết. Tiếp nữa, từ năm 1999 trở đi, khi khả năng giải ngân của VN tốt hơn, trung bình VN sử dụng xấp xỉ 50% mức cam kết của NB. Riêng năm 2009 có sự vượt trội khi NB cam kết 145,613 tỷ Yen, VN đã thực hiện 129,2 tỷ Yen (đạt 90%). Như vậy, xét về nguồn vốn, ODA NB đã tạo thuận lợi giúp VN chủ động điều hành và phát triển kinh tế.

Chính sách ODA của NB đối với VN cũng có định hướng, mục tiêu rõ ràng trong từng giai đoạn. Cụ thể, cho đến năm 2007, nguồn viện trợ này sử dụng ưu tiên cho các lĩnh vực: Phát triển nguồn nhân lực; Xây dựng cơ chế, trong đó tập trung vào chính sách chuyển đổi sang cơ chế thị trường; Hỗ trợ cải tạo và xây dựng công trình điện và giao thông; Hỗ trợ phát triển nông nghiệp, trọng tâm là kết cấu hạ tầng nông thôn và chuyển giao công nghệ mới; Hỗ trợ ngành giáo dục và y tế; Hỗ trợ bảo vệ môi trường.

Từ năm 2008, ODA tập trung vào 3 lĩnh vực: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Cải thiện đời sống dân cư và lĩnh vực xã hội; Hoàn thiện cơ chế pháp luật.

Ngày 17/6 vừa qua, để ủng hộ VN thực hiện mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, Chính phủ NB thông báo đã thông qua phương châm viện trợ cho VN từ tháng 12/2012, gồm 3 nội dung chính: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, trong đó gồm hoàn thiện cơ chế thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh công nghiệp, phát triển nguồn nhân lực, cải thiện hạ tầng kinh tế và hạ tầng giao thông; Ứng phó tác động tiêu cực trong phát triển kinh tế (biến đổi khí hậu, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường), cải thiện đời sống, thu hẹp chênh lệch; Cải cách hành chính: tăng cường năng lực cơ quan tư pháp, hành pháp.

NB còn cho biết đang nghiên cứu thêm các biện pháp làm cho ODA NB có hiệu quả hơn. Chẳng hạn sắp tới, các lĩnh vực được ưu tiên cho vay ODA gồm: Bảo vệ môi trường, phát triển nguồn nhân lực, y tế và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng chống và giảm thiểu thiên tai. Điều kiện cho vay được điều chỉnh theo hướng lãi suất thấp hơn, chỉ 0,3% thay vì 0,5%/năm như trước. NB sẽ thiết lập quỹ tín dụng khẩn cấp ứng phó thảm họa thiên tai (SECURE) với các khoản vay theo điều kiện đặc biệt cho đối tác kinh tế (STEP), sửa đổi theo hướng cho phép công ty con của công ty NB tại VN được tham gia; bổ sung thêm các lĩnh vực y tế, phòng chống thiên tai và áp dụng mức lãi suất 0,1%, đồng thời có thể miễn phí cam kết 0,1% đối với các khoản chưa sử dụng.

Mặc dù sau thảm họa kép hồi tháng 3/2011, Quỹ ODA của NB cho các nước giảm sút, song VN vẫn được xếp là nước được ưu tiên nhận viện trợ. Ngoài viện trợ không hoàn lại, NB còn nhiều hình thức khác giúp đỡ VN như: Hợp tác kỹ thuật theo dự án; Hợp tác kỹ thuật trong các vấn đề toàn cầu; Hợp tác nghiên cứu phát triển, cử chuyên gia sang VN; Đào tạo cán bộ VN tại NB; Cung cấp trang thiết bị phi dự án. Tổng trị giá viện trợ không hoàn lại của NB cho VN 20 năm qua là khoảng hơn 1,4 tỷ USD.

Nói chung, đi khắp VN ngày nay, chúng ta có thể thấy trong nhiều lĩnh vực có những công trình ghi dấu ấn hợp tác với NB. Chẳng hạn như 3 bệnh viện trung ương là Bạch Mai (Hà Nội), Đa khoa (Huế) và Chợ Rẫy (TP.HCM) đều nhận được ODA không hoàn lại đáng kể từ NB để nâng cao chất lượng trong 10 năm gần đây, giống như biểu tượng tình hữu nghị Nhật-Việt rải đều ba miền Bắc-Trung-Nam.

Hơn nữa, điều đáng mừng là lượng lớn ODA vốn vay từ NB đã được ưu tiên sử dụng xây dựng mới hoặc cải tạo hệ thống cơ sở hạ tầng trong cả nước. Các công trình này đều vận hành hiệu quả tạo giá trị gia tăng và góp phần tích cực làm đổi mới nhanh bộ mặt đất nước 20 năm qua. Đây chính là bệ đỡ nâng nền kinh tế VN cất cánh trong tương lai.

Mối bang giao vốn có nguồn gốc rất sâu xa

Ngày còn công tác ở NB, khi tôi đến thăm tỉnh Miê thì được các bạn Nhật kể lại rằng hàng 500 năm về trước có một vị đại diện của Miê đã dẫn đầu đoàn người của tỉnh này sang kết giao với Hội An. Cho đến một ngày khi ông sắp qua đời, vì có lòng yêu đất nước VN như quê hương mình, ông đã trăng trối ước nguyện độc đáo là được mai táng ở cả hai nơi: một nửa thân thể ở tỉnh Miê, nửa kia ở Hội An. Những dấu tích lịch sử và truyền thuyết như ở Hội An cho thấy VN-NB đã có mối quan hệ lâu đời và phát triển khá phong phú từ thế kỷ 16, bao gồm cả thương mại và giao lưu văn hóa.

Hàng 500 năm về trước có một vị đại diện của tỉnh Miê ở Nhật Bản đã dẫn đầu đoàn người của tỉnh này sang kết giao với Hội An. Cho đến một ngày khi ông sắp qua đời, vì có lòng yêu đất nước Việt Nam như quê hương mình, ông đã trăng trối ước nguyện độc đáo là được mai táng ở cả hai nơi: một nửa thân thể ở tỉnh Miê, nửa kia ở Hội An. Những dấu tích lịch sử và truyền thuyết như ở Hội An cho thấy Việt Nam và Nhật Bản đã có mối quan hệ lâu đời và phát triển khá phong phú từ thế kỷ 16, bao gồm cả thương mại và giao lưu văn hóa.

Quan hệ VN-NB thời kỳ đầu chủ yếu là do người lãnh đạo các địa phương ở NB chủ động gây dựng. Sau này đã có những dấu tích ảnh hưởng lẫn nhau ngay trong Chính quyền TW như việc Triều đình NB có 4 làn điệu nhạc lễ phỏng theo nhã nhạc cung đình VN hay một công nương của Chúa Nguyễn theo chồng là một thương nhân người Nhật sang định cư tại NB năm 1620 đã đưa chiếc gương soi thuần Việt vào bộ tư trang của phụ nữ NB sau này. Xa xưa hơn, Đông Cung Thái tử NB Akihito còn kể cho tôi NB cũng phải đối phó với hiểm họa xâm lăng của giặc Nguyên-Mông trong thế kỷ 13 và người NB đã được động viên rất nhiều khi biết tin Đại Việt thời nhà Trần đại thắng quân Nguyên. Thậm chí, trong lịch sử 500 năm VN và NB hầu như không có chiến tranh trực tiếp, ngoại trừ giai đoạn cuối Thế chiến II.

Từ đó, tôi thấy trong các nước VN có quan hệ ngoại giao chính thức hiện nay, ngoài Trung Quốc, có lẽ NB là nước mà VN có quan hệ lâu nhất, hơn 500 năm. Vì vậy, VN cần có tầm nhìn đặc biệt khi xem xét quan hệ giữa hai nước, cả ở tầm nhà nước và nhân dân.

Thực tế, các Chính phủ NB dù do các chính đảng khác nhau cầm quyền, với những chủ trương chính sách khác nhau trên nhiều lĩnh vực, nhưng trong quan hệ với VN, họ đều có thái độ giống nhau. Sự kiện VN là nước ngoài đầu tiên được Thủ tướng Shinzo Abe chọn đến thăm sau khi tái đắc cử cuối năm 2012 chứng tỏ vị trí chiến lược của VN đối với NB. Từ chuyến thăm đến nay, Chính phủ NB liên tục có những sáng kiến, đề xuất mới đẩy mạnh hợp tác giữa hai nước trên mọi lĩnh vực.

Vì vậy, tôi muốn chia sẻ rằng trong quan hệ hai nước cất cánh 20 năm nay chắc chắn phải có nền tảng của truyền thống 500 năm giao lưu hữu nghị giữa nhân dân hai nước.

Võ Văn SungNguyên Đại sứ VN tại Nhật Bản >>> Kỳ I: Vượt qua những thách thức ban đầu >>> Kỳ 2: Người bạn lớn của Việt Nam