Theo Thứ trưởng, phụ nữ Việt Nam hiện nay đã có sự tiến bộ như thế nào trong xu thế phát triển chung của phụ nữ thế giới?
Hiện nay, công tác bình đẳng giới trên thế giới đã đạt được nhiều tiến bộ quan trọng. Tuy nhiên, như bà Marthac Nussbaum, một chuyên gia về vấn đề này, tác giả cuốn “Sex and Social Justice” (tạm dịch: Giới tính và công bằng xã hội) đã nhận định, tại hầu hết các quốc gia, phụ nữ vẫn đang phải đối mặt với sự thiên vị giới tính trong chính trị, giáo dục, cơ hội việc làm,… Vì vậy, hiện nay, các quốc gia vẫn cần hành động nhiều hơn nữa nhằm bảo đảm các quyền cho phụ nữ.
Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn tặng hoa cho các cán bộ nữ ngoại giao. |
Tại Hội nghị cấp cao của Khóa họp lần thứ 60 của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên hợp quốc với chủ đề “Trao quyền cho phụ nữ và mối liên hệ với phát triển bền vững” (CSW 60, tháng 3/2016), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho rằng, chừng nào các quyền của phụ nữ còn bị vi phạm thì cuộc đấu tranh này còn tiếp tục. Trong bối cảnh đó, có thể thấy việc tạo ra những điều kiện thuận lợi để thực thi bình đẳng giới, để đảm bảo phụ nữ được sống, học tập, làm việc, phát triển trong một môi trường an toàn, cởi mở, năng động là vấn đề đang và sẽ được tiếp tục quan tâm không chỉ ở tầm quốc tế mà còn ở mỗi quốc gia.
Với Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã luôn quan tâm đến việc thực thi bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Chúng ta đã có nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức và hành động từ khía cạnh luật pháp, chính sách đến thực tiễn và đạt được nhiều thành tựu nổi bật về bình đẳng giới. Ở tầm quốc tế, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua. Ở tầm khu vực, Việt Nam được coi là một thành viên tích cực trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đối với công tác bình đẳng giới. Nhiều sáng kiến và sự kiện về thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng của phụ nữ trong khu vực ASEAN đã được tổ chức tại Việt Nam như: thành lập và ra đời Ủy ban bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em ASEAN (tháng 4/2010); Tuyên bố Hà Nội về bảo vệ quyền và phúc lợi của phụ nữ và trẻ em ASEAN (tháng 10/2010); thành lập Mạng lưới doanh nhân nữ ASEAN (2014); thành lập Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (năm 2015).
Điểm nổi bật trong bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam là việc hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Trên cơ sở pháp lý ngày càng hoàn thiện đó, Việt Nam đã đạt được những thành quả hết sức cơ bản về bình đẳng giới.
Có thể thấy, trong công cuộc đổi mới hôm nay, hàng chục triệu phụ nữ đang có mặt trên khắp mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội và tham gia tích cực trong các hoạt động chính trị của đất nước, giữ nhiều vị trí trọng trách trong lãnh đạo và quản lý. Bằng bản lĩnh, tài năng, trí tuệ và sức lao động bền bỉ, phụ nữ Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế xứng đáng của mình trên tuyến đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa – hiện đại hóa và đóng góp quan trọng vào tiến trình xây dựng một quốc gia phồn thịnh, một xã hội công bằng, văn minh và tiến bộ
Phụ nữ Việt Nam nói chung đã được tạo điều kiện để phát triển, bình đẳng với nam giới như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan từng nhấn mạnh: “Trao quyền cho phụ nữ là trao quyền cho nhân loại”. Với nhận thức chung đó, các chính phủ, tổ chức xã hội dân sự và người dân trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã và đang thúc đẩy việc chuyển những cam kết của Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh về quyết tâm tiến tới mục tiêu bình đẳng, phát triển và hòa bình cho tất cả phụ nữ trên toàn cầu thành những thay đổi cụ thể tại từng quốc gia.
Hiện nay, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác bình đẳng giới và bảo đảm quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái thông qua hàng loạt biện pháp, từ hoàn thiện hệ thống pháp luật đến triển khai những nhóm biện pháp cụ thể nhằm thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong từng giai đoạn. Cụ thể là:
Thứ nhất, Việt Nam đã hoàn thiện khung luật pháp, chính sách về bình đẳng giới. Đây là điểm nổi bật trong việc bảo đảm quyền lợi về giới ở Việt Nam.
Thứ hai, Việt Nam đã ban hành những chính sách đặc thù giải quyết những vấn đề mà phụ nữ Việt Nam đang phải đối mặt.
Thứ ba, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, bộ máy quốc gia về bình đẳng giới cũng được củng cố. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ là cơ quan chủ trì giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bình đẳng giới trên phạm vi toàn quốc. Các bộ, ngành, địa phương đều bố trí bộ phận đầu mối làm công tác bình đẳng giới.
Ngoài ra, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, một tổ chức phối hợp liên ngành thành lập từ năm 1993, vẫn tiếp tục được kiện toàn và nâng cao chất lượng để giúp tăng hiệu quả phối hợp hoạt động giữa các ban, ngành vì mục tiêu bình đẳng giới. Như vậy, hiện nay, chúng ta đang có một bộ máy xuyên suốt từ trung ương đến địa phương để bảo vệ và hỗ trợ thực thi quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em gái ở mọi thành phần xã hội.
Thứ tư, với sự thay đổi trong nhận thức xã hội về vị trí và vai trò của người phụ nữ, việc chia sẻ công việc giữa vợ và chồng trong đời sống gia đình có xu hướng tăng lên, đồng thời việc giảm dần gánh nặng của các công việc không tên cho người phụ nữ đã được quan tâm hơn trước.
Trong xu thế hội nhập với thế giới, nhận thức của phái nam ở Việt Nam đã có nhiều tiến bộ, vấn đề giáo dục giới tính và bình đẳng giới đã được chú trọng và triển khai sớm từ ngay trong nhà trường phổ thông... Cùng với thời gian và sự phát triển xã hội, vấn đề tư duy, nhận thức trong chia sẻ trách nhiệm gia đình giữa nam và nữ sẽ dần được giải quyết theo chiều hướng tích cực, góp phần “cởi trói” để chị em tham gia và đóng góp được nhiều hơn vào công tác xã hội.
Theo ông, cán bộ nữ Bộ Ngoại giao nói riêng có những điều kiện đặc thù nào để phát triển?
Bộ Ngoại giao luôn xác định công tác nữ và vấn đề bình đẳng giới là nhiệm vụ quan trọng, là một trong những điều kiện cơ bản để thực hiện thành công những nhiệm vụ chính trị trong bối cảnh cán bộ nữ đang chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại của Bộ (gần 40%). Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ nữ cũng như thực hiện bình đẳng giới đã được quan tâm và quán triệt đến mọi cấp, ở mọi đơn vị.
Thời gian qua, tại Bộ Ngoại giao, những chủ trương, chính sách đối với công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới luôn được nghiên cứu để tìm kiếm hình thức áp dụng thật sự phù hợp với đặc thù của Bộ. Nhờ đó, công tác bình đẳng giới của Bộ Ngoại giao đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận, thể hiện ở sự lớn mạnh về mọi mặt của đội ngũ cán bộ nữ và sự tăng cường về số lượng, chất lượng cán bộ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo tại các đơn vị.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, nhiệm vụ của ngành đối ngoại ngày càng nặng nề, đòi hỏi tất cả cán bộ làm công tác đối ngoại, trong đó có phụ nữ, phải nỗ lực, chủ động và tích cực hơn nữa hoàn thành trọng trách của mình. Để làm được như vậy thì bên cạnh điểm mạnh vốn có của phái nữ là sự chu đáo, khéo léo, tinh tế và nhạy cảm thì chị em cần phải không ngừng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và trình độ ngoại ngữ, kiến thức văn hóa – xã hội; cần trau dồi tốt các kỹ năng nghiên cứu, phân tích; tạo phong cách làm việc chuyên nghiệp, độc lập, dám nghĩ, dám làm; cùng với đó là tinh thần hợp tác, phối hợp hiệu quả trong công việc. Trong quá trình đó, tập thể Lãnh đạo Bộ và những đồng nghiệp nam tại Bộ Ngoại giao đã, đang và sẽ luôn tạo những điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ nữ ngoại giao tiếp tục nâng cao tiếng nói và vai trò của mình, đóng góp tích cực hơn vào công tác chung của Bộ.
Vậy, cán bộ nữ Bộ Ngoại giao nên tranh thủ điều kiện tốt đó để hỗ trợ cộng đồng phụ nữ Việt Nam cùng phát triển như thế nào, thưa ông?
Một trong năm nhóm giải pháp thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 – 2020 là đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về bình đẳng giới. Đây là lĩnh vực Bộ Ngoại giao có thể đóng góp tích cực và hiệu quả thông qua việc tiếp cận, học hỏi kinh nghiệm của bạn bè quốc tế về những hình thức và biện pháp hữu hiệu trong việc nâng cao chất lượng công tác bình đẳng giới để tham mưu áp dụng tại Việt Nam; tranh thủ những nguồn lực bên ngoài hỗ trợ cho tiến trình vì sự tiến bộ của phụ nữ tại Việt Nam và trực tiếp đóng góp tiếng nói của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế về bình đẳng giới.
Trên thực tế, phát huy thế mạnh của ngành đối ngoại, cán bộ nữ ngoại giao đã tham gia và đóng góp tích cực vào nhiều hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ ở cấp quốc gia và quốc tế. Ở cấp quốc gia, Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho cán bộ nữ trong khu vực nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) do Bộ Ngoại giao quản lý đã triển khai nhiều hoạt động nâng cao năng lực cho nữ cán bộ lãnh đạo và quản lý, đặc biệt là việc nâng cao nhận thức về những vấn đề mới đặt ra khi triển khai chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế và nâng cao năng lực cho cán bộ nữ tham gia ứng cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp. Những hoạt động trên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì việc tăng cường mức độ tham gia của nữ giới trong các cơ quan quyền lực nhà nước sẽ bảo đảm các chính sách được hoạch định, ban hành và thực thi đáp ứng tốt hơn nhu cầu phổ quát của các tầng lớp xã hội.
Ở cấp quốc tế, cán bộ nữ ngoại giao đã góp phần tích cực trong việc chủ trì, đẩy mạnh phát triển hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy bình đẳng giới như: phối hợp với các bộ, ngành chuẩn bị chương trình, nội dung làm việc của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại các diễn đàn quốc tế về vấn đề bình đẳng giới; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong hoạch định chính sách và thực thi các biện pháp đảm bảo bình đẳng giới; tìm kiếm nguồn hỗ trợ về tài chính, chuyên gia để đảm bảo việc trao quyền cho phụ nữ và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Các nữ Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài đang đóng vai trò quan trọng hoạt động đối ngoại của Việt Nam và cũng là những biểu tượng sống động nhất về sự tiến bộ và bình quyền của phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực đối ngoại.
Tôi tin tưởng rằng, trên đà của những thành tựu đã đạt được, với nỗ lực của toàn thể hệ thống chính trị và sự chuyển mình trong nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là sự phấn đấu không ngừng nghỉ của phụ nữ Việt Nam, trong đó có sự đóng góp thiết thực của những cán bộ nữ ngành ngoại giao, chúng ta sẽ chứng kiến những bước tiến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác bình đẳng giới ở Việt Nam, không phải từ vị trí của người quan sát mà từ vị thế của người tham gia tích cực trong tiến trình đó.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!