📞

Việt Nam nỗ lực đẩy mạnh công khai ngân sách Nhà nước

17:08 | 27/10/2016
Ngày 27/10, tại Hà Nội, đã diễn ra tọa đàm Công khai minh bạch ngân sách Nhà nước, do Liên minh minh bạch thuế và ngân sách (BTAP) và Trung tâm nghiên cứu truyền thông phát triển (RED) phối hợp tổ chức.
Các diễn giả trao đổi tại Tọa đàm. (Ảnh: H.N)

Tọa đàm có sự tham dự của các diễn giả khách mời: PGS.TS Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13; TS. Nguyễn Chí Dũng - thuộc tổ chức RED; Ths. Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính - Ngân sách, Văn phòng Quốc hội; PGS.TS Vũ Sĩ Cường, thành viên nhóm cố vấn Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó, tọa đàm còn có sự tham gia của đại diện Liên minh châu Âu (EU), Đại sứ quán Canada tại Việt Nam, đại diện tổ chức UNICEF, OXFAM, đại diện các cơ quan có liên quan, các chuyên gia kinh tế, các trường Đại học, viện nghiên cứu kinh tế và các cơ quan báo chí, truyền thông...

Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá việc thực hiện Điều 15 Luật ngân sách nhà nước 2015 về công khai ngân sách nhà nước; chia sẻ nhu cầu thông tin và các ưu tiên trong dự thảo ngân sách nhà nước năm 2017; đưa ra các khuyến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền liên quan.

Tại buổi Tọa đàm, các diễn giả đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc dần đưa ra các biện pháp nhằm công khai minh bạch quy trình lập dự toán và sử dụng ngân sách nhà nước. Điều đó được thể hiện tại Luật ngân sách 2015 (có hiệu lực từ năm ngân sách 2017), trong đó điều 15 quy định rõ về nội dung công khai ngân sách hàng năm.  

Hiện tại, Việt Nam đang tiếp tục gặp những khó khăn trong việc thu ngân sách, cơ cấu thu không bền vững, số thu giảm, bội chi cao, nợ công lớn. Các diễn giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc công khai minh bạch ngân sách nhà nước là rất quan trọng, đảm bảo mọi tổ chức, cá nhân có thể theo dõi, kiểm tra và giám sát việc quản lý ngân sách nhà nước.

Theo ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân sách, Văn phòng Quốc hội, hiện đã có đủ cơ sở pháp lý cho việc thực hiện công khai ngân sách nhưng cần được biên soạn “dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thuộc” để tài liệu về ngân sách khi công bố thực sự là công cụ để người dân thực hiện quyền giám sát.

Tại Tọa đàm, các chuyên gia cũng khẳng định, khi người dân tham gia quá trình giám sát thì nguồn lực ngân sách nhà nước sẽ được phân bổ tốt hơn, hiệu quả hơn và cải thiện việc cung cấp các dịch vụ công, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, hạ tầng công cộng.

Các diễn giả cũng thống nhất, công khai và minh bạch ngân sách cần có quá trình chứ chưa kỳ vọng đạt được hết tất cả các mục tiêu. Vì vậy, đây phải là một quá trình với những tiến độ và nội dung phải công khai từng năm theo Luật ngân sách 2015.