📞
40 năm UNCLOS 1982 (10/12/1982 - 10/12/2022):

Việt Nam nỗ lực thực thi UNCLOS và thực hiện SDG 14 (Kỳ II)

LÊ ĐỨC HẠNH – BÙI TÀI KIÊN 20:36 | 08/12/2022
Là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của UNCLOS, kêu gọi thúc đẩy hơn nữa nhận thức và thực thi Công ước, khẳng định giá trị phổ quát, nhất quán và toàn diện của UNCLOS, xem đây là văn kiện quan trọng trong quản trị biển và đại dương.
Văn kiện Việt Nam phê chuẩn UNCLOS.

Đề cao vai trò và giá trị của UNCLOS

Là thành viên của UNCLOS, Việt Nam luôn đề cao tôn chỉ và mục tiêu của UNCLOS, kêu gọi thúc đẩy hơn nữa nhận thức và thực thi Công ước, khẳng định giá trị phổ quát, nhất quán và toàn diện của UNCLOS, xem đây là văn kiện quan trọng trong quản trị biển và đại dương.

Trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp trên Biển Đông hiện nay, Việt Nam luôn kiên trì quan điểm tôn trọng và tuân thủ đầy đủ UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS.

Điều này đã được phản ánh trong nhiều phát biểu tại các diễn đàn quan trọng. Tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Khoá họp 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi các bên “giải quyết hoà bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển UNCLOS 1982; thực thi đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và hướng đến hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất và hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”.

Tại Phiên thảo luận chung Cấp cao Khoá 74, 77 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh “kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS-“Hiến pháp của Biển và Đại dương”; và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”.

Tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biển và đại dương (UNOC) lần thứ hai vào năm 2022 tại Lisbon, Bồ Đào Nha, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu khẳng định qua 40 năm kể từ khi ra đời, UNCLOS-“Hiến pháp của đại dương” đã đóng vai trò quan trọng không thể thay thế được trong quản trị biển và đại dương, giúp làm rõ hơn quy chế các vùng biển theo UNCLOS là cơ sở để các quốc gia thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình, trong đó có việc bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển.

Cũng tại Hội nghị này, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Hoàng Giang nhấn mạnh, nền tảng để thực hiện SDG14 là việc tôn trọng và thực thi đầy đủ UNCLOS, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của các quốc gia ven biển, trong đó có quyền thực hiện các hoạt động kinh tế biển bình thường theo UNCLOS, thúc đẩy giải quyết hoà bình các tranh chấp quốc tế.

Mục tiêu Phát triển bền vững số 14 của Liên hợp quốc. (Nguồn: UN)

Tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị đa phương, cơ chế quốc tế nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững biển và đại dương, qua đó góp phần thực thi UNCLOS và thực hiện SDG 14

Việt Nam khởi xướng và là một trong 12 quốc gia sáng lập nhóm Bạn bè UNCLOS với hiện hơn 100 thành viên là các Phái đoàn các nước tại Liên hợp quốc, New York, qua đó khẳng định cam kết của Việt Nam về tuân thủ, đề cao UNCLOS. Nhóm Bạn bè UNCLOS cũng đóng góp cho việc tăng cường hiểu biết về UNCLOS, quản trị đại dương, bảo tồn và sử dụng biển bền vững, từ đó hỗ trợ thực hiện UNCLOS và SDG 14, đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam cũng theo dõi sát, chủ động tham gia, và đóng góp thực chất trong các cuộc đàm phán điều ước quốc tế, nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc, và tuyên bố liên quan tới thực thi UNCLOS và bảo vệ môi trường biển, bao gồm đàm phán văn kiện pháp lý quốc tế trong khuôn khổ UNCLOS về bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển tại các vùng biển nằm ngoài phạm vi tài phán quốc gia, Hiệp định về trợ cấp thuỷ sản, Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về Đại dương và Luật biển, Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc về nghề cá bền vững, và Tuyên bố của Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về biển và đại dương lần thứ hai. Việt Nam cũng đã gia nhập một số điều ước quốc tế để thực thi UNCLOS và thực hiện bảo tồn, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biểnnhư Hiệp định năm 1994 về thực hiện phần XI của UNCLOS, Hiệp định thực thi các quy định của UNCLOS về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa, Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO).

Tại các hội nghị, cơ chế quốc tế, Việt Nam chủ động, tích cực tham gia Ủy ban Nghề cá Tây Trung Thái Bình Dương (WCPFC), Nhóm Công tác về Đại dương và Nghề cá (OWFG), Tổ chức đối tác về quản lý môi trường các biển Đông Á (PEMSEA), Quỹ Môi trường toàn cầu/Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP).

Trong ASEAN, Việt Nam tham gia, đóng góp cho Diễn đàn Biển ASEAN, Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng, Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về môi trường, Nhóm Công tác Nghề cá ASEAN, Nhóm Công tác về biến đổi khí hậu ASEAN (AWGCC)…

Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về Đại dương từ ngày 27/6-1/7, tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc)

Nỗ lực đàm phán, ký kết và nghiêm túc thực hiện các điều ước quốc tế về phân định biển với các nước láng giềng, và tăng cường hợp tác quốc tế song phương về bảo vệ và sử dụng bền vững biển và đại dương.

Cho tới nay, trên cơ sở các quy định của UNCLOS, Việt Nam đã tiến hành đàm phán và ký 3 hiệp định phân định biển với các nước gồm Indonesia, Thái Lan và Trung Quốc, và đang nỗ lực tiếp tục đàm phán phân định vùng biển chồng lấn còn lại, với nhận thức sâu sắc rằng phân định biển tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, qua đó góp phần thực hiện SDG 14.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nỗ lực tham gia xây dựng nhiều khuôn khổ hợp tác quốc tế về nghề cá, nghiên cứu khoa học biển, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ và sử dụng bền vững biển ở nhiều cấp khác nhau với các nước láng giềng và các đối tác phát triển nhằm thực hiện SDG 14 trên cơ sở UNCLOS.

Cụ thể, Việt Nam đã ký Hiệp định về hợp tác nghề cá Vịnh Bắc Bộ với Trung Quốc 25/12/2000 (có hiệu lực kể từ ngày 30/6/2004). Việt Nam cũng tích cực hợp tác với các quốc gia có tiềm lực mạnh về biển và các đối tác phát triển khác nhằm tăng cường trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy hỗ trợ trang thiết bị, và xúc tiến các dự án hợp tác trong lĩnh vực biển đảo để đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc bảo tồn, sử dụng bền vững biển và đại dương.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn đoàn Việt Nam tại LHQ phát biểu tại phiên thảo luận về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương tại Hội nghị cấp cao Liên hợp quốc về Đại dương từ ngày 27/6-1/7, tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha. (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc)

Việt Nam ban hành Nghị quyết, kế hoạch và hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm thực hiện UNCLOS và SDG14

Việt Nam đã thông qua nhiều văn bản và quy định pháp luậtnhằm thực hiện các quy định của Công ước và SDG 14. Ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 36/NQ-TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thể hiện quyết tâm trong việc vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường và sử dụng tài nguyên biển bền vững.

Thủ tướng Chính phủban hành Quyết định số 622/QĐ-TTg ngày 10/5/2017 về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 về Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Quyết định số 1507/QĐ-TTg ngày 13/09/2021 về phê duyệt Kế hoạch thực hiện Hiệp định thực thi các quy định Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 về bảo tồn và quản lý đàn cá lưỡng cư và di cư xa đến năm 2030.

Trên cơ sở phù hợp với tình hình, đặc trưng của Việt Nam về kinh tế biển, khai thác thuỷ sản hiện nay (đánh bắt cá thủ công quy mô nhỏ, phát triển nghề cá góp phần xoá đói giảm nghèo), những Kế hoạch này đề ra các chính sách, hành động mạnh mẽ, quyết đoán, thể hiện sự quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thực hiện các SDG nói chung và SDG 14 nói riêng, là tiền đề vừa triển khai việc thực thi UNCLOS và SDG 14 một cách đồng bộ, hiệu quả, và toàn diện, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững.

Đồng thời, Việt Nam cũng hoàn thiện khung pháp luật trong nước nhằm thực hiện các nghĩa vụ trong UNCLOS, và tăng cường bảo vệ môi trường biển, ứng phó biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững nhằm thực hiện SDG 14. Trong đó, đáng chú ý là Luật Bảo vệ môi trường 2014 (thay thế Luật Bảo vệ môi trường 1993 và 2005) quy định về hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển, hải đảo; Luật Thủy sản 2017 (thay thế Luật Thủy sản 2003) quy định các biện pháp bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản, khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam và khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam, chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không điều chỉnh; Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2015 (thay thế Bộ Luật Hàng hải Việt Nam 2005) điều chỉnh các hoạt động giao thông hàng hải trên biển, chế độ ra vào các cảng biển Việt Nam; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015 quy định các cơ chế, chính sách trong quản lý tổng hợp tài nguyên biển và hải đảo, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, ứng phó sự cố tràn dầu và hóa chất độc trên biển.

Quốc hội đã thông qua Luật Biển Việt Nam và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013, trên cơ sở các quy định của UNCLOS và pháp luật quốc tế. Luật Biển Việt Nam gồm 7 chương, 55 điều quy định nguyên tắc quản lý và sử dụng biển; phạm vi và quy chế các vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa; quy chế các đảo, quần đảo; các hoạt động trong các vùng biển Việt Nam; hợp tác quốc tế về biển; các hoạt động tìm kiếm, cứu nạn và cứu hộ, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu khoa học biển; phát triển kinh tế biển; tuần tra kiểm soát trên biển.

Những văn bản này là nền tảng, cơ sở quan trọng, thiết lập khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý các vùng biển của Việt Nam, bảo vệ và sử dụng bền vững môi trường, tài nguyên biển, và thúc đẩy phát triển kinh tế biển bền vững, qua đó góp phần thực thi UNCLOS và thực hiện SGD 14.

Phiên họp toàn thể kỷ niệm 40 năm ngày thông qua Công ước LHQ năm 1982 về Luật biển (30/4/1982-30/4/2022). (Nguồn: Phái đoàn Việt Nam tại LHQ)

Kết luận

Sau 40 năm kể từ ngày thông qua và mở ký,UNCLOS vẫn còn nguyên giá trị và mang tính thời đại. UNCLOS đã cung cấp một khung pháp lý toàn diện giúp quản lý các hoạt động trên biển, quy định nghĩa vụ và trách nhiệm của các quốc gia trong việc gìn giữ, bảo tồn và bảo vệ môi trường biển.

Trên cơ sở đó, UNCLOS đóng vai trò quan trọng và thiết yếu trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, đặc biệt là SDG 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững biển và các nguồn tài nguyên biển một cách toàn diện, hiệu quả và thực chất thông qua cung cấp khung quản trị đại dương giúp quản lý và bảo vệ bền vững hệ sinh thái biển và ven biển, đặt ra nghĩa vụ pháp lý cho các quốc gia cần giảm thiểu các tác động tiêu cực từ hoạt động của con người đối với môi trường biển, và thành lập cơ quan giám sát và quản lý hoạt động khu vực ngoài vùng tài phán quốc gia.