Toàn cảnh Toạ đàm Việt Nam-Pháp về Quản lý Ô nhiễm biển. (Nguồn: DAV) |
Tham dự trực tiếp Toạ đàm có các đại biểu từ Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, các đơn vị của Bộ Quốc phòng Việt Nam, Tổng cục Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường), từ một số viện nghiên cứu, phóng viên và sinh viên. Toạ đàm còn có sự tham gia của 40 đại biểu qua kênh trực tuyến từ Pháp và từ nhiều tỉnh thành có biển của Việt Nam như Đà Nẵng, Quảng Bình, Phú Yên và Khánh Hoà.
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Nguyễn Hùng Sơn cho biết trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc hoàn thiện khung chính sách, pháp lý nhằm quản lý, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
"Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nhấn mạnh tới nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển. Việt Nam cũng phấn đấu trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu chất thải nhựa đại dương", ông Nguyễn Hùng Sơn khẳng định.
Đánh giá cao sự chủ động, trách nhiệm của Việt Nam trong ứng phó với ô nhiễm biển, Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery cho biết đây là lần thứ hai Pháp và Việt Nam tổ chức sự kiện về chủ đề bảo vệ môi trường biển.
Theo Đại sứ Pháp, hiện nay biến đổi khí hậu và ô nhiễm biển được xem là mối đe dọa an ninh phi truyền thống, có thể tác động tới an ninh biển nói chung và trong việc thực hiện các chiến dịch quân sự nói riêng.
Bởi lẽ đó, Đại sứ Nicolas Warnery hy vọng Toạ đàm là cơ hội để chuyên gia hai nước cùng xem xét hiện trạng suy thoái môi trường biển và đánh giá về những tác động tiềm tàng đối với lĩnh vực quốc phòng. Đây cũng là cơ hội để hai bên tăng cường trao đổi thông tin, tăng cường nhận thức về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Pháp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường biển trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên Môi trường, trình bày tham luận tại Tọa đàm. (Nguồn: DAV) |
Tham gia trình bày tại toạ đàm, về phía Pháp có các bài tham luận của Chuẩn Đô đốc Thái Bình Dương Pháp Jean-Mathieu Rey, Trung tá Raphael Fachinetti (Hải quân Pháp) và bà Fanny Quertamps (Dự án Rethinking Plactics).
Về phía Việt Nam, có phần trình bày tham luận của ông Nguyễn Ngọc Sơn (Phó Cục trưởng, Cục Kiểm soát tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ Tài nguyên Môi trường), Đại tá Nguyễn Đăng Hội (Viện trưởng Viện Sinh thái nhiệt đới, Bộ Quốc phòng), bà Phạm Thị Chín (Chi cục trưởng, Chi cục biển và hải đảo, Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Đà Nẵng) và Tiến sĩ Vũ Hải Đăng (Nghiên cứu cao cấp, Trung tâm Luật quốc tế Singapore).
Tại toạ đàm, các chuyên gia từ Pháp và Việt Nam đều cho rằng ô nhiễm biển, trong đó vấn đề rác thải nhựa là một trong những thách thức lớn đối với hai nước.
Các diễn giả chia sẻ về quan điểm và khung chính sách, pháp luật quốc gia; thực tiễn cũng như kinh nghiệm, từ góc độ quốc tế, quốc gia và địa phương, trong việc bảo vệ môi trường biển, phòng ngừa và ứng phó trên thực tiễn nhằm khắc phục sự cố trên biển, xử lý vấn đề ô nhiễm biển như sự cố tràn dầu trên biển, rác thải nhựa....
Cùng với đó, các chuyên gia cũng chia sẻ về những triển vọng và đề xuất thúc đẩy hợp tác quốc tế trong quản lý, bảo vệ môi trường biển nói chung và tại Biển Đông nói riêng như tăng cường hoạt động, chia sẻ thông tin, nghiên cứu về các hệ sinh thái ở Biển Đông, về tài nguyên, cảnh quan biển, đa dạng sinh học biển; thúc đẩy hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, trang thiết bị trong lĩnh vực nghiên cứu môi trường biển; nâng cao năng lực, tập huấn đào tạo cán bộ, chuyên gia...
| Nghệ An triển khai 'nhiệm vụ kép' vừa quản lý biên giới, vừa phòng chống dịch Covid-19 Trước tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nguy cơ dịch xâm nhập qua biên giới rất cao, Nghệ An đã và đang ... |
| Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13: Kết quả nổi bật cả về nội dung lẫn hình thức tổ chức Theo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, Hội thảo Khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 ... |