Diễn đàn do do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, bà Pratiba Mehta - Điều phối viên Thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam và bà Charlotte Laursen - Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật gây tử vong ngày càng lớn của các bệnh không lây nhiễm. Ước tính năm 2012 có 73% số trường hợp tử vong và 66% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc là do các bệnh này (chủ yếu là các bệnh: Tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính).
Đặc biệt, 40% số trường hợp tử vong do bệnh không lây nhiễm trước 70 tuổi. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu liên quan đến các thói quen, tập quán của người dân và do mức độ gia tăng của các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực, tình trạng thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu và rối loạn mỡ máu.
Cần tăng cường phòng chống bệnh không lây nhiễm từ tuyến cơ sở. (Nguồn: healthplus) |
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, công tác đáp ứng với dự phòng và kiểm soát bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam mặc dù đã đạt được một số tiến bộ song còn gặp nhiều khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2025. Luật phòng chống tác hại thuốc lá đã được Quốc hội thông qua và Việt Nam đang xây dựng Luật phòng chống tác hại rượu bia.
Tuy nhiên, về tổng thể, các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Vì vậy, bên cạnh các giải pháp ưu tiên của Việt Nam hiện nay như đẩy mạnh hợp tác đa ngành, tăng cường các dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm và quản lý bệnh không lây nhiễm tại y tế cơ sở thì việc thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe ( Health Promotion) để cung cấp nguồn tài chính bền vững cho các hoạt động này là hết sức cần thiết.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định, Diễn đàn được tổ chức nhằm định hình công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm trong chương trình phát triển của Việt Nam, đồng thời nâng cao nhận thức và sự hỗ trợ của các nhà hoạch định chính sách trong lĩnh vực y tế và các lĩnh vực khác về tác động của các bệnh không lây nhiễm đối với sự phát triển và các hiệu quả chi phí khi đầu tư vào phòng ngừa và kiểm soát các bệnh này.
Tại đây, các đại biểu cũng đưa ra các khuyến nghị cho Việt Nam về tăng cường hiệu quả công tác phòng chống các bệnh không lây nhiễm. PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 tại Việt Nam vừa được Bộ Y tế công bố cho thấy hầu hết các yếu tố nguy cơ đều có tỷ lệ cao. Tỷ lệ sử dụng rượu bia ở Việt Nam là 43,8% (nam giới 77,3% và nữ giới là 11%); 57,2% dân số trưởng thành ăn thiếu rau và trái cây.
Trung bình một người Việt Nam tiêu thụ 9,4 gram muối trong 1 ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới. Gần 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực; 15% người dân bị thừa cân béo phì; 18,9% người mắc tăng huyết áp; 30,2% số người trưởng thành có tăng cholesterol trong máu...
Bà Pratiba Mehta - Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam đánh giá Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, đặc biệt là sự gia tăng tuổi thọ của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm. Theo bà, để giải quyết vấn đề này, Việt Nam cần có sự phối hợp đa ngành, có những biện pháp kiểm soát và theo dõi bệnh không lây nhiễm để có kế hoạch phòng chống hiệu quả.
Tại Diễn đàn, các đại biểu tập trung thảo luận những nội dung chính như: gánh nặng toàn cầu của các bệnh không lây nhiễm và các đáp ứng của Liên hợp quốc, gánh nặng các bệnh không lây nhiễm và các đáp ứng tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm và sự phát triển của Nhật Bản; các bệnh không lây nhiễm và tuổi già...
Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 tại Việt Nam cho thấy, chỉ có 43,1% số người mắc tăng huyết áp và 31,1% số người tăng đường huyết từng được phát hiện bệnh. Trong khi đó, chỉ có 13,6% số người mắc tăng huyết áp và 28,9% số người bị đái tháo đường được quản lý tại cơ sở y tế, dưới 1/3 số người có nguy cơ tim mạch cao được điều trị, tư vấn dự phòng đột quỵ và nhồi máu cơ tim, khoảng 1/4 số phụ nữ từ 18-19 tuổi được sàng lọc ung thư cổ tử cung... |