Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, cũng như nhiều nước trên thế giới, chúng tôi quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về mở rộng thành viên của nhóm BRICS. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết, là một thành viên có trách nhiệm và tích cực trong cộng đồng quốc tế với đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, độc lập tự chủ, Việt Nam luôn sẵn sàng tham gia và đóng góp tích cực tại các cơ chế, tổ chức, diễn đàn đa phương toàn cầu cũng như khu vực. "Cũng như nhiều nước trên thế giới, chúng tôi quan tâm theo dõi tiến trình thảo luận về mở rộng thành viên của nhóm BRICS", bà Hằng nêu rõ.
BRICS ra đời năm 2010, với 4 thành viên ban đầu gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc sau đó kết nạp thêm Nam Phi. Nhóm này chiếm khoảng 40% dân số toàn cầu và khoảng 25% nền kinh tế toàn cầu.
BRIC trở thành một nhóm chính thức sau cuộc gặp của các nhà lãnh đạo Nga, Ấn Độ và Trung Quốc tại St. Petersburg, Nga, bên lề hội nghị thượng đỉnh G8 Outreach Summit năm 2006. Từ viết tắt BRIC được Goldman Sachs sử dụng lần đầu tiên vào năm 2001 trong bài báo kinh tế toàn cầu.
Hội nghị thượng đỉnh BRIC lần thứ nhất được tổ chức tại Yekaterinburg, Nga vào năm 2009. Nam Phi được các nhà lãnh đạo BRIC khác thừa nhận vào năm 2010, thêm chữ "S" vào nhóm ban đầu. Từ ngày 1/1/2024, BRICS ghi dấu mốc lịch sử khi chào đón 5 thành viên mới là Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Đây là lần mở rộng đầu tiên của BRICS kể từ năm 2010. Với các thành viên mới, BRICS hiện chiếm khoảng 37% GDP của toàn cầu theo sức mua tương đương và 46% dân số thế giới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi việc mở rộng BRICS là dấu mốc lịch sử và là điểm khởi đầu mới cho hợp tác BRICS.