Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo trực tuyến nhằm trao đổi về xu hướng, chính sách đầu tư ra nước ngoài của các nước Trung Đông, tiềm năng thị trường Việt Nam, để qua đó đề xuất các biện pháp, cách làm mới nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và khu vực.
Hội thảo thu hút sự tham dự của hơn 300 đại biểu tham gia trực tuyến, đại diện của hơn 20 bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, 20 cơ quan đại diện ngoại giao và gần 100 doanh nghiệp, hiệp hội, quỹ đầu tư và địa phương của Việt Nam và các nước Trung Đông.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc đã tham dự, có bài phát biểu quan trọng tại Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc dự và phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh Hội thảo diễn ra trong bối cảnh thế giới bước sang “mùa” thứ hai của đại dịch Covid-19 với nhiều biến thể mới, gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng.
Để kiểm soát tốt dịch bệnh và khôi phục kinh tế, nhiều nước Trung Đông và Việt Nam đã có những điều chỉnh chính sách kinh tế, đầu tư và đẩy mạnh chuyển đổi số… nhằm nâng cao năng lực kinh tế, khả năng cạnh tranh quốc gia và phát triển theo hướng xanh, bền vững và sáng tạo. Việt Nam luôn coi trọng việc tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước Trung Đông.
Hội thảo là một trong các sáng kiến nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác, nhất là về thương mại, đầu tư với khu vực và triển khai mạnh mẽ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tạo thêm nguồn lực mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu khai mạc. |
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để thu hút các nhà đầu tư từ Trung Đông, bày tỏ tin tưởng đầu tư hai chiều giữa Việt Nam và Trung Đông sẽ tăng mạnh trong tương lai.
Một số hướng đi quan trọng trong thời gian tới là kết nối doanh nghiệp và địa phương Việt Nam với các quỹ đầu tư Trung Đông, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp Trung Đông mở rộng nhập khẩu hàng Việt Nam, khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam xây dựng các chuỗi cung ứng tại Trung Đông, và tiếp tục nghiên cứu, tạo thuận lợi cho các mô hình hợp tác đầu tư nhiều bên.
Việt Nam sẵn sàng mở cửa chào đón các nhà đầu tư Trung Đông và cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, địa phương để xây dựng các mô hình hợp tác hiệu quả.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại Hội thảo. |
Các đại biểu đều nhất trí cho rằng Trung Đông là một thị trường lớn, tiềm năng, không chỉ về dầu khí mà còn về nguồn lực tài chính và khoa học công nghệ với nhiều Quỹ đầu tư công uy tín, lớn nhất thế giới.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều nước Trung Đông tiếp tục đẩy mạnh đa dạng hóa nền kinh tế và có xu hướng đầu tư ra nước ngoài theo hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững gắn với chuyển đổi số, ưu tiên các lĩnh vực như du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản xanh, tài chính, năng lượng sạch (điện mặt trời, hydro xanh…), công nghệ tiên tiến, nông nghiệp thông minh…
Các đại biểu tham dự Hội thảo từ 280 điểm cầu. |
Các đại biểu khẳng định Việt Nam có nhiều thế mạnh và tiềm năng trong thu hút đầu tư nước ngoài như vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ vào Đông Nam Á với thị trường rộng lớn gần 100 triệu dân. Việt Nam luôn duy trì ổn định chính trị-xã hội, sự phát triển kinh tế năng động và thuộc nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới trong 5 năm qua.
Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng với việc tham gia 17 Hiệp định tự do thương mại, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và RCEP…, môi trường kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ theo hướng minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.
Để nâng cao hiệu quả hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Trung Đông, nhiều đại biểu đề xuất Trung Đông và Việt Nam cần có cách tiếp cận mới, linh hoạt, thực chất và hiệu quả hơn như đa dạng hóa hình thức đầu tư như đầu tư trực tiếp, gián tiếp, hợp tác ba bên hay nhiều bên hoặc lập các quỹ đầu tư chung; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động đầu tư, nhất là với một số đối tác tiềm năng khu vực; tăng cường kết nối, cập nhật, thông tin về các chính sách ưu đãi đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh; và nhân rộng các mô hình thu hút đầu tư thành công tại khu vực.
Hội thảo cũng nhất trí, thời gian qua quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các quốc gia Trung Đông ngày càng phát triển thực chất, hiệu quả với nhiều kết quả tích cực, song chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hợp tác hai bên, nhất là về đầu tư.
Khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư Trung Đông vào Việt Nam chủ yếu là do thiếu thông tin về thị trường, tập quán kinh doanh giữa hai bên cũng như hiệp định khuyến khích, bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và một số nước khu vực.
Đồng thời, do tác động của Covid-19, nhiều hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư giữa hai bên còn gặp nhiều khó khăn… Tuy nhiên, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Trung Đông là rất lớn và bổ trợ cho nhau.
Các diễn giả phát biểu tại Hội thảo. |
Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu khẳng định, với tinh thần ngoại giao phục vụ kinh tế và thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ Việt Nam, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ, ngành trung ương và địa phương hỗ trợ tích cực và đồng hành cùng các doanh nghiệp trong tăng cường hợp tác đầu tư hiệu quả và thực chất giữa Việt Nam và Trung Đông.
Trong đó có việc tăng cường thông tin, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến đầu tư để kết nối, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp hai bên, và thúc đẩy ký kết một số hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa hai bên nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho các Quỹ đầu tư, các doanh nghiệp Trung Đông tham gia hợp tác đầu tư với các đối tác Việt Nam.
Hội thảo hôm nay là bước đầu, gợi mở để tạo cách tiếp cận mới nhằm thúc đẩy thu hút và nâng cao hiệu quả đầu tư từ Trung Đông vào Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam cam kết tạo dựng môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng, thuận lợi và bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp Trung Đông trong giai đoạn phát triển mới.
| Tiêu chuẩn Halal là ‘chìa khóa’ cho doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Trung Đông Trao đổi với TG&VN, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng Trung Đông là thị trường trung ... |
| Đại sứ Việt Nam tại Qatar Trần Đức Hùng: Người Arab hiếm khi nói ‘không’, cần kiên nhẫn, thấu hiểu để chinh phục thị trường Trao đổi với TG&VN, Đại sứ Việt Nam tại Qatar Trần Đức Hùng nhận định, người dân Qatar đánh giá cao hàng nông sản và ... |