Bài báo nhận định, hệ thống ngân hàng đã giảm bớt nợ xấu, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ, sự tham gia vào chuỗi sản xuất điện thoại thông minh trong bối cảnh tình hình kinh tế toàn cầu đang tốt hơn là những yếu tố đang giúp cho kinh tế Việt Nam khởi sắc mà dấu hiệu là thị trường chứng khoán Việt Nam có tăng trưởng đột biến.
Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. |
Tác giả bài viết lưu ý rằng, chỉ mới 4 năm trước, thị trường chứng khoán TP. Hồ Chí Minh mới có khối lượng giao dịch trị giá 50 triệu USD/ngày trong khi thị trường chứng khoán ở Manila có quy mô gấp 5 lần. Đến năm 2017, Việt Nam được dự đoán sẽ vượt qua Philippines.
Tác giả Mukherjee đưa ra một loạt các dẫn chứng cụ thể lý giải cho những lập luận của mình. Thứ nhất, nền kinh tế Việt Nam đã có những cải thiện đáng kể với việc hệ thống ngân hàng đang tăng trưởng nhanh chóng trở lại. Thứ hai, chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước ở Việt Nam đang tiến triển. Cộng thêm vào đó là sự tăng trưởng gần 12% đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), lên mức 16 tỷ USD.
Hiện nay, FDI chiếm 8% GDP, khoảng 203 tỷ USD giá trị nền kinh tế của Việt Nam. Trên thị trường tài chính, Ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sĩ ước tính hiện nay có 12 mã chứng khoán tại thị trường Việt Nam có giá trị giao dịch 3 triệu USD/ngày, trong khi vào năm 2015, chỉ có 2 mã.
Sau cùng, Việt Nam đã gia nhập vào chuỗi cung ứng thiết bị điện tử và điện thoại thông minh ở châu Á. Mặt hàng xuất khẩu số một hiện nay của Việt Nam không còn là sản phẩm may mặc, giày dép, thủy hải sản, cà phê và hạt điều nữa mà là linh kiện điện thoại thông minh. Kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này đã tăng vọt 29% lên 36,5 tỷ USD trong năm 2017.
Vì những lý do đó, bài báo kết luận rằng Việt Nam “không còn là thị trường bên lề".