📞

Việt Nam - Tây Ban Nha: Song hành trong mọi nỗ lực phát triển

10:07 | 12/10/2017
Tây Ban Nha coi Việt Nam là đối tác tin cậy, với nền kinh tế tăng trưởng ổn định, thành viên quan trọng trong ASEAN. Tây Ban Nha sẵn sàng hỗ trợ và sát vai cùng Việt Nam trong mọi nỗ lực phát triển trong thời gian tới.
Bà Maria Jesus Figa Lopez-Palop, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Tây Ban Nha tại Việt Nam.

Đó là nhận định của bà Maria Jesus Figa Lopez-Palop, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Tây Ban Nha tại Việt Nam, trong trao đổi với TG&VN nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh Tây Ban Nha (12/10) và 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Tây Ban Nha (1977-2017).

Xin Đại sứ đánh giá về quan hệ hợp tác giữa Tây Ban Nha và Việt Nam trong bốn thập kỷ qua, đặc biệt kể từ khi hai nước trở thành Đối tác chiến lược hướng tới tương lai vào năm 2009?

Hai nước đã trải qua một chặng đường hợp tác tích cực kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 23/5/1977. Sau khi Đại sứ quán Tây Ban Nha được mở tại Hà Nội năm 1997, cả hai nước đều quyết định phát triển quan hệ, với thành tựu là thiết lập Đối tác chiến lược hướng tới tương lai vào năm 2009 nhân chuyến thăm chính thức Tây Ban Nha của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Hơn nữa, trong Chiến lược Hành động đối ngoại của Tây Ban Nha, Việt Nam cùng với Philippines và Indonesia được xem là ba nước ưu tiên trong khối ASEAN.

Đối thoại giữa hai bên diễn ra thường xuyên với bốn đợt tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng đã được tổ chức. Đặc biệt, năm 2006, Nhà Vua và Hoàng Hậu Tây Ban Nha đã có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam. Chúng ta hy vọng rằng trong tương lai gần sẽ có thêm các chuyến thăm cấp cao, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.

Từ năm 1996 đến nay, Tây Ban Nha đã dành khoản viện trợ phát triển cho Việt Nam, thông qua các hình thức song phương và đa phương, lên tới 250 triệu Euro. Tây Ban Nha nhận thấy rất tự hào khi đóng góp vào sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội ấn tượng của Việt Nam trong giai đoạn này.

Quan hệ thương mại cũng có những bước tiến quan trọng. Quốc vụ khanh về thương mại Tây Ban Nha đã thăm Việt Nam và tham dự Diễn đàn Đối tác đa biên năm 2016. Hiện nay, Việt Nam là đối tác chính của Tây Ban Nha trong số 10 nước ASEAN, với trao đổi thương mại giữa hai nước đạt hơn 2,6 tỷ Euro trong năm 2016.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ Vương quốc Tây Ban Nha Jesus Figa Lopez Palop đến chào xã giao nhân dịp nhận nhiệm kỳ công tác mới tại Việt Nam.

Nhiều tập đoàn có tiếng của Tây Ban Nha đã hiện diện tại Việt Nam như OHL, Repsol, Acciona, Indra, Airbus-Casa, Mango, Melia hay Zara. Bên cạnh đó, nhiều công ty Tây Ban Nha thành công tại Việt Nam mà có thể công chúng chưa biết đến, như công ty Premo có nhà máy sản xuất linh kiện điện tử thế hệ mới cho công nghiệp ô tô tại Đà Nẵng, hay Getinsa - với bề dày kinh nghiệm về xây dựng - đã tư vấn và song hành cùng với đối tác Việt Nam hoàn thành đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Hợp tác du lịch cũng chứng kiến sự tăng trưởng rất đáng kể. Mặc dù xa cách về địa lý, trong năm 2016, 58.000 lượt khách du lịch Tây Ban Nha đã tới Việt Nam, tăng gần 30% so với năm trước. Những tháng đầu năm 2017, con số này còn ngoạn mục hơn, ghi nhận tăng 123% lượng khách du lịch so với cùng kỳ năm ngoái. Tây Ban Nha được coi là một trong những quốc gia có nền công nghiệp du lịch phát triển nhất thế giới, bởi vậy có thể chia sẻ kinh nghiệm giúp Việt Nam nâng cao chất lượng du lịch.

Trên lĩnh vực văn hóa, ngày càng nhiều học sinh Việt Nam quyết định học tập tại Tây Ban Nha. Số lượng thị thực du học Đại sứ quán cấp trong năm 2016 tăng 63% so với năm trước. Con số này cũng duy trì xu hướng tăng trong 2017.

Ngoài ra, tôi muốn nhấn mạnh sự quan tâm ngày càng lớn đối với ngôn ngữ Tây Ban Nha tại Việt Nam. Từ khi thành lập Khoa ngôn ngữ Tây Ban Nha tại Đại học Hà Nội (2002) đến nay, rất nhiều sinh viên đã tốt nghiệp và nhiều người trở thành giáo viên dạy ngôn ngữ. Nhờ vào chính sách đối với giáo viên ngôn ngữ của Cơ quan Hợp tác Phát triển quốc tế Tây Ban Nha (AECID), tiếng Tây Ban Nha cũng được giảng dạy tại 3 trường đại học khác tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Tây Ban Nha Alfonso Dastis. (Ảnh: BC)

Với những thành tựu tốt đẹp mà hai nước đã đạt được, bà có kỳ vọng gì về quan hệ Việt Nam – Tây Ban Nha? Trong thời gian tới, hai bên cần tập trung đẩy mạnh hợp tác trên những lĩnh vực nào?

Tây Ban Nha giữ vững mối quan tâm, sự tình nguyện và cam kết làm việc với Việt Nam để tăng cường và đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu. Vì vậy, tôi cho rằng hai bên cần xem lại Chương trình Hành động chung để xác định các lĩnh vực hợp tác có triển vọng như du lịch, giáo dục, nông nghiệp, an ninh - quốc phòng.

Chúng tôi cảm thấy hài lòng về các bước tiến đạt được trong khuôn khổ quan hệ song phương. Thời gian qua, việc ký kết các hiệp định về dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù, tương trợ tư pháp về hình sự hay vận chuyển hàng không đã tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu.

Chúng ta phải tiếp tục làm việc để hoàn tất các hiệp định đang trong quá trình đàm phán, đồng thời xác định các lĩnh vực có mối quan tâm chung để tiến hành ký kết các hiệp định mới, ví dụ như giáo dục, an ninh quốc phòng hay du lịch.  

Các số liệu về thương mại song phương thể hiện xu hướng tăng trưởng toàn cầu, tuy nhiên chúng ta vẫn phải nỗ lực để cân bằng cán cân thương mại, khi tỷ trọng nghiêng về xuất khẩu của Việt Nam sang Tây Ban Nha.

Chúng tôi hy vọng hai nước sớm tổ chức cuộc họp Ủy ban liên chính phủ về Hợp tác Kinh tế, Thương mại Đầu tư Việt Nam – Tây Ban Nha lần thứ nhất, dự kiến vào đầu tháng 1/2018. Mặt khác, sau Thỏa thuận về hợp tác được ký kết nhân chuyến thăm Tây Ban Nha của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh vào tháng Năm vừa qua, phía Tây Ban Nha đang thu xếp để có thể tổ chức cuộc họp lần thứ nhất của Ủy ban Tài chính song phương nhằm thống nhất triển khai các dự án do Tây Ban Nha tài trợ với giá trị lên tới gần 100 triệu Euro. Ngoài ra, Tây Ban Nha cũng dành hơn 278 triệu Euro cho dự án xây dựng tuyến Metro số 5 của Thành phố Hồ Chí Minh.

Tây Ban Nha cũng thể hiện quan tâm cao đối với việc ký kết và phê chuẩn thực thi Hiệp định Tự do Thương mại EU-Việt Nam (EVFTA), bởi đây là những điều kiện để quan hệ hai nước phát triển mạnh trong thời gian tới. 

Xin Đại sứ cho biết kết quả và ý nghĩa chuyến thăm Tây Ban Nha của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đối với quan hệ giữa hai nước?

Những chuyến thăm cấp cao là rất cần thiết vì giúp cho sự trao đổi được phủ rộng trên mọi lĩnh vực và có chiều sâu hơn.

Trong chuyến thăm Tây Ban Nha, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội kiến Nhà Vua Felipe VI. Đây là chuyến thăm đúng nghĩa song phương đầu tiên của một Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam đến Tây Ban Nha. Tháp tùng Phó Thủ tướng là đại diện các doanh nghiệp và cơ quan văn hóa của Việt Nam. Đoàn đã có một chương trình làm việc dày đặc và giới thiệu tới công chúng Tây Ban Nha nền văn hóa đầy bản sắc cũng như sự năng động của Việt Nam.

Nhân chuyến thăm và làm việc tại Madrid, Thỏa thuận ghi nhớ về Hợp tác Kinh tế, Thương mại và Đầu tư đã được ký kết. Sự kiện này là bước tiến cơ bản để tổ chức cuộc họp Ủy ban liên chính phủ về Hợp tác Kinh tế, Thương mại Đầu tư Việt Nam-Tây Ban Nha lần thứ nhất sắp tới. Vì vậy, chuyến thăm này là một cột mốc quan trọng trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Bên cạnh những kết quả tích cực, quan hệ song phương Việt Nam – Tây Ban Nha còn những tồn tại gì cần khắc phục, thưa bà?

Xin nhắc lại, tôi rất hài lòng về quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, tiềm năng phát triển của mối quan hệ này còn rất lớn và tôi nghĩ rằng hai bên nên tiếp tục làm việc nhiều hơn để xứng tầm mối quan hệ Đối tác chiến lược hướng tới tương lai. Phải nói thật là chúng ta còn rất nhiều việc phải làm. Tôi cũng đã liệt kê các vấn đề có thể cải thiện trong tương lai. Lợi thế mà chúng ta có là cả hai nước đều xác định được những tồn tại và đang cùng nhau đưa quan hệ đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất. 

Năm 2017 đánh dấu 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước có những hoạt động gì để kỷ niệm, thưa Đại sứ?

Hai bên đã tổ chức rất nhiều hoạt động tại Hà Nội cũng như tại Madrid. Tôi xin phép giới thiệu các hoạt động chính đã được phía Tây Ban Nha tổ chức cho đến thời điểm hiện tại cũng như dự kiến tổ chức từ nay đến cuối năm.

Tháng Tư vừa qua, buổi hòa nhạc piano đã diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội, trình bày các tác phẩm của Grieg và Brahms, dưới sự chỉ đạo của Nhạc trưởng David Gomez và nghệ sỹ piano Jesus Gomez, cùng với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.

Tháng Sáu, buổi hòa nhạc Beethoven nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Tây Ban Nha đã được tổ chức tại Nhà hát lớn Thành phố Hồ Chí Minh, dưới sự chỉ đạo của Nhạc trưởng Unai Urrecho và Dàn nhạc Giao hưởng Sài Gòn.

Thời gian tới, Liên hoan Phim Tây Ban Nha tại Hà Nội sẽ diễn ra từ 17- 22/10, với năm bộ phim sẽ được trình chiếu tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, trong đó phải kể đến bộ phim “Thị Mai”, được quay chủ yếu tại Việt Nam. Buổi công chiếu bộ phim này sẽ có sự góp mặt của đạo diễn phim Patricia Ferreira cũng như Giám đốc hãng phim Larry Levene.

Ngày 6/11, Đại sứ quán sẽ tổ chức buổi diễn Flamenco của nghệ sỹ Ursula Lopez tại Học viện Âm nhạc Quốc gia.

Một buổi hội thảo về quốc tế hóa ngành giáo dục giữa Tây Ban Nha và Việt Nam dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 17/11, với sự tham gia của đại diện các tổ chức giáo dục của hai nước để cùng nhau thảo luận về các thách thức trong tương lai.

Ngoài các sự kiện mang tính chất song phương, Đại sứ quán cũng phối hợp tổ chức các sự kiện văn hóa với Liên minh châu Âu như liên hoan phim, triển lãm giáo dục và các sự kiện nghệ thuật khác.

Cuối cùng, xin được nhấn mạnh ngày 12/10 là dịp chúng tôi kỷ niệm Ngày Khám phá Châu lục mới, năm thế kỷ chung sống của tất cả những người Tây Ban Nha.

Xin cảm ơn bà!

(thực hiện)